Vĩnh Phúc xây Văn Miếu gần 300 tỷ đồng: Đừng biến thành nơi vái lạy sì sụp

Thời sựThứ Tư, 10/06/2015 09:00:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, xây dựng Văn Miếu gần 300 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc đừng biến thành nơi vái lạy sì sụp, chỉ thờ ông Khổng Tử.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, xây dựng Văn Miếu gần 300 tỷ đồng ở Vĩnh Phúcđừng biến thành nơi vái lạy sì sụp, chỉ thờ ông Khổng Tử.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc xây một công trình hay bảo tồn một di tích để khuyến khích việc học là đáng hoan nghênh.
Nhà bái đường trong khu Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc với các cột làm bằng gỗ sơn son thếp vàng - Ảnh: V.V.Tuân
Nhà bái đường trong khu Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc với các cột làm bằng gỗ sơn son thếp vàng - Ảnh: V.V.Tuân  
Đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm: "Nếu như ở đấy đã có một Văn Miếu bây giờ xây dựng lại nên hiểu đó là một trung tâm khuyến học nhiều hơn.

Văn Miếu là để chúng ta hồi cố lại quá khứ mà chúng ta trân trọng nhưng Văn Miếu không nên làm kiểu giữ nguyên vẹn là nơi thờ ông Khổng Tử nữa, cho dù Khổng Tử là nhân vật chúng ta rất tôn trọng để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn hóa thế giới cũng như Việt Nam".


Vì vậy, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần phải nhấn mạnh đến yếu tố tôn vinh nền quốc học.

"Chúng ta vẫn tôn trọng nhân vật Khổng Tử, nhưng phải gắn với đời sống ngày hôm nay. Với đời sống ngày hôm nay thì chắc chắn những tư tưởng của Khổng Tử cho dù là tinh hoa đi nữa thì cũng không còn vai trò lớn gì trong đời sống văn hóa, giáo dục Việt Nam" - ông Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc
Đại biểu Dương Trung Quốc 
Hiện nay, công trình này đã được tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần quan tâm đến việc sử dụng công trình này hiệu quả, phải giáo dục được đối với thế hệ trẻ.

"Còn công trình Văn Miếu ở Vĩnh Phúc giờ đã xây rồi, chuyện đầu tư thế nào tôi không bàn tới, nhưng đã có công trình rồi phải biết sử dụng, phát huy làm sao cho giới trẻ khai thác mặt tích cực, phải gắn với đời sống hiện đại", ông Quốc nêu quan điểm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề, nếu công trình đã được xây dựng mà tạo ra những sinh hoạt văn hóa giáo dục là việc tốt, đừng biến công trình thành nơi vái lạy sì sụp, chỉ thờ ông Khổng Tử là không nên.
Đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội)
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng việc bỏ ra gần 300 tỷ đồng để xây dựng một công trình như Văn Miếu ở Vĩnh Phúc trong thời gian này thì cần phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng chúng ta có thể xây dựng Văn Miếu đẹp đẽ, trang nghiêm, thậm chí là hoàng tráng để con cháu sau này nhìn vào đó mà tự hào, nhìn vào đó để được tiếp thêm ý chí học tập.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để xây dựng một công trình lớn đến vậy. Bởi trong thời điểm này đất nước còn khó khăn. Tình trạng thất nghiệp còn nhiều, không ít doanh nghiệp vì thiếu vốn mà dẫn đến phá sản, các bệnh viện thì quá tải, thiếu trang thiết bị…

"Tôi được biết, hiện nay Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích lịch sử miếu mạo, đền thờ, trong đó có hàng chục di tích được xếp hàng quốc gia. Người dân Vĩnh Phúc cũng có nói rằng ở nhiều nơi các di tích đang xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Vậy tại sao nhà nước không trích một khoản tiền ra để đi trùng tu những di tích lịch sử đang xuống cấp trước đã. Đó mới là việc nên làm trong thời điểm hiện tại" - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ.


Hiện nay nhiều nhà sử học, khoa học đang tranh cãi về việc đưa bài vị vào văn miếu khi công trình này được xây dựng xong.

Về vấn đề này, đại biểu  Thích Bảo Nghiêm cho rằng các nhà khoa học và các cơ quan chức năng liên quan cần thảo luận thật kỹ.

“Việc có đưa bài vị vào Văn Miếu hay không cần phải tham luận ý kiến của các chuyên gia”, đại biểu Thích Bảo Nghiêm bày tỏ.
Trong tờ trình của Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10-2011 về việc đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: “Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu”.

Theo thông tin từ Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài chức năng thờ tự, Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục như: bảo tàng văn hiến, hội nghị học thuật, tham quan, tuyên dương học sinh giỏi, tổ chức lễ báo công...

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn