Cách đây hơn hai tháng, tại phiên họp ở TP Baku, nước Azerbaijan, UNESCO đã khẳng định nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã đáp ứng đủ các tiêu chí, chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện cho nhân loại.
Cụ thể, đờn ca tài tử Nam Bộ đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua con đường giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh, TP thuộc khu vực phía Nam, được liên tục tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình đặc trưng cho vùng miệt vùng sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp – hòa quyện đặc sắc giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc sắc của người phương Nam – cần cù, bình dị, chân thành, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn của những người con "Từ độ mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long".
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, chính đờn ca tài tử Nam Bộ đã góp phần rất quan trọng vào việc làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian, giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai, góp phần tạo nên sự giao lưu cần thiết, đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Cuối cùng, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng với chính quyền, nghệ sĩ – nghệ nhân, người dân tại những khu vực là quê hương của đờn ca tài tử Nam Bộ hay triển khai có hiệu quả, hợp tác chặt chẽ để thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị đối với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, để loại hình nghệ thuật này luôn được bảo tồn, phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ, của người dân Việt Nam và của cả nhân loại.
Cũng tại buổi lễ, khán giả đã có dịp xem lại những tinh hoa của nghệ thuật này qua bài đơn ca, song ca, tốp ca của nhiều nghệ sĩ, tài tử của các nhóm ca, câu lạc bộ đờn ca tài tử của 21 tỉnh, thành phố ở phía Nam.










Bạn có cảm nghĩ gì về "Vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa của nhân loại" ?. Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây
Bình luận
Bạn chưa nhập đủ thông tin