Vĩnh biệt NS Phạm Duy: Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 28/01/2013 02:38:00 +07:00

(VTC News) - Dẫu là chuyến đi đã được Phạm Duy chuẩn bị trước, một hành trình dài tiếp theo của thân phận, nhưng vẫn ngậm ngùi. Vậy là đã nghìn trùng xa cách..

(VTC News) - “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...." - Trích bản tình ca Nghìn trùng xa cách.

Dẫu là chuyến đi đã được Phạm Duy chuẩn bị trước, một hành trình dài tiếp theo của thân phận, hòa mình vào mây khói quê hương, nhưng vẫn ngậm ngùi, bàng hoàng tiếc nhớ ông, một nhạc sĩ tài hoa.

Khi bắt đầu những dòng chữ vĩnh biệt Phạm Duy, trong đầu tôi luôn hiện lên hình ảnh của ông, tóc trắng bạc phơ, ăn mặc rất sành điệu, tay chống gậy, miệng cười. Ở những năm tháng cuối đời, Phạm Duy vẫn thật là minh mẫn và lịch lãm, giọng ông hào sảng và trí tuệ thì cực kỳ mẫn tiệp.

Ở cái tuổi 90, Phạm Duy vẫn tiếp tục hành trình sáng tạo của mình. Ông tiếp tục sáng tác, viết sách và nói chuyện chuyên đề về âm nhạc. Mỗi bài thuyết trình ấy, được Phạm Duy viết ra giấy, trình bày cùng những bạn bè và người hâm mộ ông say mê, khúc chiết.

Nhạc sĩ Phạm Duy, người đã đi rồi, xa cách nghìn trùng. 
Sau buổi trò chuyện về phổ nhạc cho thơ cách đây khoảng 2 năm bên Hồ Gươm, Phạm Duy còn nhiều hoạt động khác. Sức khỏe đã yếu nên đi đâu, Phạm Duy cũng có người chăm sóc.

Với các sự kiện âm nhạc của mình hoặc con cháu, Phạm Duy vẫn đến nghe và động viên. Trong hai chương trình của con rể Tuấn Ngọc tại Hà Nội, lúc thì Phạm Duy đi xem, lúc thì ông làm người dẫn chuyện
. Có lẽ, hiếm ai tận tâm như ông.

Phạm Duy tên thật Phạm Duy Cẩn, là một trong những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học mới hồi đầu thế kỷ 20.

Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine...

Sáng tác của Phạm Duy chủ yếu là ở thể loại ca khúc, rất nhiều “đứa con” của ông đã trở thành kinh điển cho nghệ thuật sáng tác ca khúc Việt Nam, được các thế hệ nhạc sĩ noi theo.

Với hơn 70 năm sự nghiệp, ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, kết hợp âm nhạc cổ truyền, dân ca, với các trào lưu phong cách hiện đại, và trong đó có những ca khúc đã trở nên rất quen thuộc với người Việt.

Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông cũng từng giữ chức giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Mặc dù vậy, các quan điểm nhìn nhận về Phạm Duy còn gây nhiều tranh cãi.

Âm nhạc Phạm Duy thiên về tự sự. Cho dù ông có nhiều tác phẩm hay, nhiều bản tình ca đẹp nhưng sự đóng góp rất lớn của ông đối với lĩnh vực sáng tác ca khúc đáng được ghi nhận đó chính là cách đưa chất dân gian Việt vào trong nhiều tác phẩm.

Là một chàng trai phố cổ Hà thành, Phạm Duy còn là người hiểu và khai thác đậm chất dân gian Bắc Bộ vào ca khúc của mình. Có những ca khúc chúng ta dễ dàng cảm nhận được điều này, như “Áo anh sứt chỉ đường tà”. Song, cũng có những ca khúc phải nghe nhiều mới ngấm.
Phạm Duy, kẻ rong ca tài năng bậc nhất. 
Bên cạnh sáng tác ca khúc, Phạm Duy dịch và đặt lời tiếng Việt nhiều ca khúc nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, ông còn có tài viết bình luận, phê bình và những bài viết thiên về khảo cứu, nghiên cứu nhưng với văn phong dễ đọc, dễ hiểu và có giá trị tham khảo cho các công trình nghiên cứu âm nhạc.

Phạm Duy được xem là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam giỏi về nghệ thuật phổ nhạc vào thơ và đặt lời cho nhạc nước ngoài, nhạc bán cổ điển.

Những tác phẩm thơ phổ nhạc thành công nhất của ông có thể kể đến "Ngậm ngùi" (thơ Huy Cận); "Ngày xưa Hoàng Thị" (thơ Phạm Thiên Thư); "Áo anh sứt chỉ đường tà" (trích Màu tím hoa sim của Hữu Loan); "Tiễn em" (thơ Cung Trầm Tưởng); "Tỳ bà" (thơ Bích Khê); "Vần thơ sầu rụng", "Tiếng thu" (thơ Lưu Trọng Lư); "Tình cầm" (thơ Hoàng Cầm); "Em hiền như Masoeur", "Thà như giọt mưa", "Hai năm tình lận đận" (thơ Nguyễn Tất Nhiên)...

Nhiều ca khúc nước ngoài nhờ ông đặt lời Việt mà trở nên phổ biến ở Việt Nam, như "Em đẹp nhất đêm nay" (La plus belle pour aller danser), "Khi xưa ta bé" (Bang bang), "Tình cho không" (L'amour c'est pour rien), "Tuyết Rơi" (Tomber la neige), "Tiếng Cười Trong Đêm" (La nuit), "Những Mùa Nắng Đẹp" (Seasons in The Sun), "Chuyện tình" (Where Do I Begin - nhạc phim Love Story của Andy Williams),...

Ngoài ra ông còn đặt lời cho dân ca của nhiều nước trên thế giới.

Tiếp đến là những tác phẩm nhạc bán cổ điển, như "Dạ khúc" (Nächtliches Ständchen của Franz Schubert), "Dòng sông xanh" (An der schönen blauen Donau op. 314 của Johann Strauss), "Mối tình xa xưa" (Célèbre Valse, hay bài số 15 trong "16 bài valse cho piano", của Johannes Brahms)...

Phạm Duy khởi sự đời nhạc trong gánh hát Đức Huy với vai trò ca sĩ hát lưu động. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian trước khi vào miền Nam để tiếp tục tự do hoạt động âm nhạc.

Sau một thời gian lưu lạc, năm 2005, Phạm Duy về Việt Nam định cư, sống an hưởng tuổi già sau nhiều lần thăm viếng quê hương. Và từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được cho phép phổ biến.

Tính cho đến nay, có hơn 80 ca khúc trong số khoảng một nghìn sáng tác của Phạm Duy được cấp phép. Phía công ty Phương Nam Film đã mua độc quyền các tác phẩm của Phạm Duy và khai thác, đưa ra nhiều ấn phẩm có giá trị trong thời gian gần đây.

Họ cũng là một trong những đơn vị có công trong việc đưa tác phẩm của Phạm Duy đến sâu rộng hơn trong đời sống âm nhạc đương đại cùng với những show diễn, băng đĩa.

Có thể nói, cuộc đời của Phạm Duy là một chuyến đi với nhiều thăng trầm trong con đường sáng tác và tình duyên.
Ông, tài năng lại đào hoa, yêu thì cũng có mà nhiều người say mê cũng say mê ông như điếu đổ.

Thế nhưng, những cuộc tình ấy, giống như Tình cầm lặng lẽ, yêu nhau trong ánh sáng diệu vợi, của ý nghĩa tinh thần thanh khiết. Ấy vậy mà, có những mối tình kéo dài đến cả chục năm, đẹp đẽ trong đau đớn không thể vượt qua được sự ôm hôn.

Phạm Duy từng cho biết, bà Thái Hằng vợ ông, biết chuyện chồng mình đa tình nhưng bà ghen trong âm thầm khiến ông rất nể. Bà không bao giờ căn vặn, cãi vã, ồn ào. Đi đâu tôi cũng về nhà, không ngủ đêm bên ngoài. Phạm Duy quan niệm, ông chỉ có một người vợ và cũng chỉ có một dòng con.

Con cái của Phạm Duy đều là những người tài năng. Nhưng Phạm Duy cũng không mong chờ những thế hệ sau tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời văn nghệ. Vì “một gia đình, ba đời làm nghệ thuật là được rồi”.

Những ngày cuối đời, Phạm Duy vẫn chứa đựng trong mình những khát vọng, những nỗi niềm. Ba ông mất từ khi ông mới hai tuổi. Trong chuỗi ngày ngược xuôi, ông vẫn tìm kiếm lại mộ cha mẹ mình trong tuyệt vọng.

Tôi nhớ mẹ cha mà viết những bài ca gan ruột: Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên đầu ngọn cau/Mẹ tôi ngồi khâu áo/Bên cây đèn dầu hao/Cha tôi ngồi xem báo/Phố xá vắng hiu hiu.
Đến cuối đời vẫn đầy khát khao, dự định. 
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời trưa 27/1/2013 tại Sài Gòn hưởng thọ 91 tuổi. Trong những lời Phật dạy có câu: “Cuộc đời là bể khổ”, có lẽ với Phạm Duy cuộc đời nhiều thăng trầm câu ấy càng thấm thía hơn. Cách đây vài tháng, trong một lần trả lời phỏng vấn, Phạm Duy đã hình dung ra cuộc ra đi rất gần của mình. Điềm báo ấy, thế mà lại vận thật vào thân xác trần tục của ông.

Trước khi ra đi, Phạm Duy nói: "Ba đi đây, đi gặp thằng Duy Quang"... Người ta luôn nghĩ, sự ra đi đột ngột của Duy Quang, con trai Phạm Duy đã khiến ông như kiệt sức, đau khổ đến tột cùng để rồi một ngày, ông dứt áo ra đi theo con. Ngày trước, khi bà Thái Hằng mất, ông cũng suy sụp lắm, huyết áp cao và phải nằm viện một thời gian dài.

Bây giờ vị nhạc sĩ tài hoa đã thoát khỏi cõi trần, biết đâu ở nơi xa ông lại được hội tụ với những người bạn nhạc năm nào, hay lại đắm đuối thả hồn với cô hái mơ nơi núi rừng Hương Sơn xưa kia bất chợt gặp và để rồi gây mối tơ vương trong tâm hồn chàng nhạc sĩ đa cảm khiến ông phải giãi bày trong ca khúc của mình. Và cũng có thể, ông đã đoàn tụ với ba mẹ mình, với người vợ đầu gối tay ấp và con trai yêu dấu.

Thôi thì, hành trình ấy, cầu mong ông mỉm cười. Trần gian bụi hồng, nhiều kẻ hát khóc thương ông!

Kính biệt ông, một tài năng âm nhạc!

Chuyết Nhi
(Tít bài trích dẫn từ ca khúc "Đưa em tìm động hoa vàng" của Phạm Duy)

Bình luận
vtcnews.vn