Vinasun chi 27 tỷ đồng mua hãng xe riêng của Chủ tịch

Kinh tếChủ Nhật, 27/08/2017 14:43:00 +07:00

Vinasun sẽ nhận chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác thương hiệu taxi Vinasa của ông Đặng Phước Thành nhằm phục vụ chiến lược mở rộng thị trường tỉnh.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) vừa thông qua chủ trương ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác kinh doanh thương hiệu taxi Vinasa tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang giữa doanh nghiệp này với Công ty TNHH MTV Hai Lúa, công ty riêng của Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành.

Theo đó, Vinasun sẽ chi gần 27 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng tài sản là 79 ôtô, quyền khai thác kinh doanh xe taxi hiện hữu, quyền sử dụng tần số thiết bị vô tuyến, số điện thoại tổng đài và các thiết bị khác từ Công ty TNHH MTV Hai Lúa. 

Uber-Grabtaxi-gay-thiet-hai-khien-Vinasun-phai-len-tieng-2

Vinasun sẽ chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác thương hiệu taxi Vinasa.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Vinasun cho biết, công ty đang tích cực mở rộng thị trường vận tải taxi tại các địa phương mà ứng dụng gọi xe trực tuyến như Grab và Uber chưa vươn đến nhằm hạn chế sự cạnh tranh trực tiếp. Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản này là một phần trong kế hoạch chiến lược phát triển thị trường, đồng thời tránh xung đột lợi ích tại các thị trường có liên quan.

Trong thời gian tới, Vinasun sẽ thay chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe (vừa khoán xe, vừa ăn chia theo tỷ lệ) và cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.903 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ vận tải hành khách vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu, nhưng có dấu hiệu giảm mạnh cả về giá trị và tỷ trọng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 101 tỷ đồng. Đáng chú ý là tổng số nhân viên của Vinasun tính đến hết quý II giảm gần 8.000 người so với thời điểm đầu năm, chỉ còn 9.179 người. 

Video: Bị Vinasun tuyên bố kiện tới cùng, Grab và Uber nói gì?

Theo phân tích của ban lãnh đạo Vinasun, hoạt động kinh doanh năm nay vẫn gặp phải nhiều tác động không thuận lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt dịch vụ taxi công nghệ tại thị trường TP HCM. Ngoài ra, giá xăng dầu nhiều khả năng tăng đột biến, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay… cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp Vinasun cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn