Vinamilk ‘giải cứu’ đại gia Việt

Kinh tếChủ Nhật, 15/11/2015 07:59:00 +07:00

Đóng vai trò dẫn dắt thị trường, trong tuần này, Vinamilk đã “giải cứu” hàng loạt cổ phiếu đại gia Việt

(VTC News) – Đóng vai trò dẫn dắt thị trường, trong tuần này, Vinamilk đã “giải cứu” hàng loạt cổ phiếu đại gia Việt.

Vinamilk “giải cứu” đại gia Việt

Trong này, chỉ số VN-Index và HNX-Index giằng co mạnh. Chỉ số VN-Index có thể sẽ đi xuống nếu không có sự đóng góp của cổ phiếu VNM (Tổng công ty sữa Việt Nam – Vinamilk). Đà hưng phấn của VNM giúp nhiều blue-chips lấy lại đà tăng, từ đó nâng đỡ thị trường.

Sau 1 tuần giao dịch VNM tăng 8.000 đồng/CP và dừng ở mức 137.000 đồng/CP. Đà tăng của VNM giúp vốn hóa thị trường Tổng công ty sữa Việt Nam tăng 9.605,3 tỷ đồng lên 164.419,1 tỷ đồng. VNM vẫn là cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất trên cả 2 sàn.

Như vậy, 1 tháng sau khi SCIC công bố sẽ thoái hết vốn tại Tổng công ty sữa Việt Nam, cổ phiếu VNM tăng khá mạnh dù bên mua chưa lộ diện. Nếu thương vụ thoái vốn của SCIC thành công, nhiều khả năng, VNM sẽ có thêm nhiều bứt phá.

 
Vừa nằm trong danh sách các cổ phiếu SCIC sẽ thoái hết vốn, vừa nhận được sự hỗ trợ từ VNM, FPT cũng có tuần “vượt khó”. Chốt phiên cuối 13/11, FPT dừng ở mức 54.500 đồng/CP sau khi tăng 2.000 đồng/CP.

Cổ phiếu FPT giúp Công ty Cổ phần FPT có thêm 795,06 tỷ đồng vốn hóa thị trường. Trong đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Thành viên Hội đồng sáng lập FPT là cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong tuần, tổng tài sản của ông Bình có thêm 56,67 tỷ đồng. Hiện ông Bình đang sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị tương đương 1.544 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong cổ phiếu của Top 10 đại gia giàu nhất sàn chứng khoán, bên cạnh FPT, cổ phiếu VHC và KBC là những mã hiếm hoi tăng giá. Trong đó, VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn tăng rất khiêm tốn, chỉ tăng 100 đồng/CP.

Đà tăng nhẹ của VHC giúp bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Vĩnh Hoàn có thêm 4,6 tỷ đồng. Hiện bà Khanh nắm giữ khối tài sản lên tới 1.650 tỷ đồng.

KBC cũng có tốc độ đi lên chậm chạp tương tự khi chỉ tăng 100 đồng/CP và dừng ở mức 14.100 đồng/CP. Dù tăng chậm, KBC cũng đủ sức giúp ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc có thêm 6,53 tỷ đồng.

Đại gia ô tô tiếp tục tạo “sóng”


Vinamilk “giải cứu” thành công một số mã cổ phiếu của đại gia Việt nhưng không có đóng góp nhiều vào đà tăng ấn tượng của cổ phiếu ô tô. Sau chuỗi này giảm sàn dài dằng dặc, cổ phiếu ô tô bất ngờ phục hồi với nhiều phiên tăng trần liên tiếp.

Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến HTL của Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long. Sau chuỗi 6 phiên giảm sâu, tuần này, HTL có tới 3 phiên tăng trần liên tiếp. Sau 5 phiên, HTL tăng 29.000 đồng/CP và dừng ở mức 163.000 đồng/CP.

Cổ phiếu HTL bứt phá khi có thông tin triệu phú Thái Lan Chairatchakarn chính thức bước vào Hội đồng quản trị công ty. Bên cạnh đó, việc công ty quyết định chi trả cổ tức với tỷ lệ 60% cũng khiến HTL được quan tâm nhiều hơn.

Tuần này, HTL mang về 232 tỷ đồng vốn hóa thị trường cho công ty Trường Long. Bà Nguyễn Thị Kiều Diễm, Chủ  tịch Hội đồng quản trị công ty là cổ đông cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất khi tài sản của bà tăng thêm 58,74 tỷ đồng. Ông Lã Văn Trường Sơn, Giám đốc điều hành kiêm Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thêm 38,03 tỷ đồng.

Không tăng ấn tượng như HTL nhưng TMT của Công ty Cổ phần Ô tô TMT vẫn có thêm 5.500 đồng/CP và dừng ở mức 55.500 đồng/CP. Nhờ TMT, vốn hóa thị trường công ty ô tô TMT tăng 169,62 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty có thêm 54,23 tỷ đồng.

Trong khi đó, cùng là cổ phiếu ô tô nhưng HHS của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy và HAX của Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh không đủ sức tạo “sóng” nên phải quay đầu giảm điểm.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn