Vinaconex ‘rút chân' khỏi Công ty nước sạch Sông Đà khi nào?

Kinh tếChủ Nhật, 20/10/2019 13:28:00 +07:00

Tại thời điểm 22/9/2016, Vinaconex là cổ đông lớn nhất nhờ nắm trong tay 25,5 triệu cổ phần, tương đương sở hữu 51% vốn của Viwasupco.

Nhắc đến Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco, mã VCW) nhiều người nghĩ đến Vinaconex. Nguyên nhân do nhà máy này trước có tên Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Vinaconex Viwasupco). Tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng công ty cổ phần Vinaconex.

Tại thời điểm 22/9/2016, Vinaconex là cổ đông lớn nhất nhờ nắm trong tay 25,5 triệu cổ phần, tương đương sở hữu 51% vốn của Viwasupco. Cổ đông tổ chức lớn tiếp theo là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sinh Thái với 21,8 triệu cổ phần, ứng 43,6% vốn sở hữu. Cổ đông cá nhân nắm giữ tỷ lệ khoảng 5,2%.

Viwasupco

  Dư luận đặt câu hỏi về Nước sạch sông Đà sau sự cố nước dính dầu thải. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Trong báo cáo trước lên sàn, Vinaconex Viwasupco cho biết giai đoạn 2011 – 2015, công ty nâng sản lượng nước sản xuất từ 139.418 m3/ngày đêm năm 2011 lên 233.129m3/ngày đêm năm 2015, tương đương tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 13,7% năm.

Doanh thu của Viwasupco giai đoạn này đạt mức tăng trưởng từ 226,7 tỷ đồng năm 2011 lên 401 tỷ đồng năm 2015, tương đương mức tăng 15,5% mỗi năm.

Vinaconex cũng đánh giá cao triển vọng phát triển của ngành kinh doanh nước sạch và tình hình kinh doanh của Viwasupco.

Thực tế, năm 2018, doanh thu cấp nước của Viwasupco đạt 469 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm trước, biên lợi nhuận gộp từ hoạt động cấp nước hơn 57%. Lợi nhuận trước thuế duy trì đà tăng gấp đôi doanh thu và đạt hơn 230 tỷ đồng.

Khả năng sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của Viwasupco trong năm gần nhất đạt lần lượt 18% và 24%, thuộc nhóm đầu thị trường chứng khoán.

Ngay báo cáo mới nhất, Viwasupco cũng ghi nhận doanh thu gần 138 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế hơn 76 tỷ đồng, tăng 28%.

Mặc dù được đánh giá triển vọng như thế song vào cuối 2017, Vinaconex đã bán toàn bộ 51% cổ phần của mình cho Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sinh Thái (Sinh Thái).

Theo đó, REE mua 17,3 triệu cổ phần và Sinh Thái mua gần 8,2 triệu cổ phần với cùng mức giá khởi điểm là 39.904 đồng/cổ phiếu. Thương vụ hoàn tất, Vinaconex thu về 1.017 tỷ đồng.

Trước giao dịch, Sinh Thái sở hữu hơn 17 triệu cổ phiếu, tương đương 34% cổ phần của Viwasupco. Với lượng cổ phiếu trúng giá, sau giao dịch, Sinh Thái nắm giữ 25,21 triệu cổ phiếu, tương đương 50,4% cổ phần còn REE nắm giữ 34,7% cổ phần của Viwasupco.

Tuy nhiên, ngay sau khi thâu tóm cổ phần Viwasupco, đầu 2018, Sinh Thái đã sang nhượng lại cho đối tác khác là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Năng lượng Gelex) 25,21 triệu cổ phiếu.

Trải qua nhiều lần gom mua, hiện tại, Gelex đã nắm giữ 45.348.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 60,46% vốn Viwasupco.

REE cũng đang nắm 29.960.000 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 35,95%. Trong khi các cổ đông khác sở hữu 3,59% số cổ phần.

Viwasupco đang cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số quận nội thành cùng một số khu vực khác thuộc hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Trước khi xảy ra sự cố nước dính dầu luyn khiến hàng triệu người dân hoang mang, Viwasupco từng dính rất nhiều sự cố vỡ đường ống nước. Nhiều bị cáo liên quan đến các vụ vỡ đường ống nước đã bị lĩnh án.

Diễn biến mới nhất, lãnh đạo Viwasupco không chịu xin lỗi người dân bị ảnh hưởng vì cho rằng mình cũng là nạn nhân, trong khi cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án và bắt giữ một số người nghi đổ trộm dầu thải lên đầu nguồn nước.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn