Vinaconex 'bỏ rơi' xây dựng trường công trong khu đô thị

Kinh tếThứ Hai, 14/09/2015 01:43:00 +07:00

Vinaconex 'bỏ rơi' xây dựng trường công trong khu đô thị khiến Khu đô thị Trung Hòa–Nhân Chính đang “đói” trường công lập do chủ đầu tư không thực hiện cam kết

Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đang “đói” trường công lập, do chủ đầu tư Vinaconex không thực hiện xây dựng đúng như cam kết.

“Đói” trường công lập
Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là dự án khu đô thị lớn nhất và đầu tiên của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex. Được khởi công năm 2003, xây dựng trên diện tích 30 ha thuộc địa giới quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, với tổng mức đầu tư thời điểm đó là 273,624 tỷ đồng (riêng phần hạ tầng).
 Hiện nay khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính không có một trường học công lập nào. - Ảnh Zing.vn
UBND TP. Hà Nội đã ban hành quy định việc thực hiện các dự án như: khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở… phải xây dựng đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội, công trình nhà ở và các công trình kiến trúc khác thuộc phạm vi dự án.
Theo quy hoạch được phê duyệt, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có đầy đủ trường học, trạm y tế, trung tâm thương mại… của một khu đô thị hiện đại. Thế nhưng, sau chục năm, cả khu đô thị với 19 tòa nhà chung cư, hơn 1 vạn dân sinh sống vẫn không có nhà trẻ công lập.
Theo quan sát của BizLIVE, chỉ tính riêng hệ thống trường mầm non tư thục, tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đã có 5 trường là: Trường mầm non quốc tế EQ; trường song ngữ cao cấp Maiflower, trường mầm non  Lý Thái Tổ 2, mầm non Hoa Trà My, Justkids (sau tòa 17 T1). Giá học phí tại những trường này dao động từ 2-4 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Khu đô thị Trung Hòa -  Nhân Chính hiện nay không có một trường công lập nào. Quy hoạch thì có đấy, nhưng chủ đầu tư (Vinaconex) có xây dựng đâu, có ô đất thì biến thành trường dân lập chứ có phải trường công lập đâu”.
“Theo tìm hiểu của tôi, có trường mức thu học phí lên đến 7 triệu đồng/học kỳ. Đa số cư dân trong khu đô thị là người dân tái định cư, họ không dư giả gì mà cho con đi học trường tư thục như vậy. UBND phường đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư về vấn đề xây dựng trường công lập nhưng họ chưa triển khai”, ông Nguyễn Hải Đăng nói.
Các khu đô thị mới là nơi tập trung một lượng đông dân cư, nên khi thiết kế, các chủ đầu tư đều đưa ra một quy hoạch tổng thể, bao gồm cả trường học (dành khoảng 12% đến 15% diện tích đất), nhưng thực tế thì hoàn toàn khác xa.
Cùng quản lý khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, đại diện UBND phường Nhân Chính (Thanh Xuân) xác nhận: Hiện nay khu đô thị này không có một trường công lập nào đang hoạt động.

Trường công lập “quá tải”
Còn ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Cầu Giấy cho hay: “Từ 5-6 năm nay quận Cầu Giấy đã quá tải lượng học sinh theo học tại các trường công lập. Năm học 2015-2016 đang bắt đầu, số học sinh lớp 1 đi học tăng mạnh nhưng không đột biến, một phần là do dân số cơ học tại các tỉnh, cũng như các quận khác chuyển tới Cầu Giấy sinh sống”.
“Ô đất tại các khu đô thị để xây dựng trường công lập thì rất nhiều, nhưng thực tế triển khai thì đếm trên đầu ngón tay. Quận cũng đang gửi văn bản xin ý kiến thành phố xử lý các chủ đầu tư để xảy ra tình trạng này. Hiện nay quận có phường Quan Hoa đang “trắng” trường công lập cấp 1, cấp 2.”
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay: “Để giải quyết được triệt để vấn đề này, nên chăng thành phố cần có quy định ràng buộc chủ đầu tư phải ứng trước một phần vốn để xây dựng các trường công, như là điều kiện để được giao làm chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới.

Trong kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội, Sở Giáo dục và đào tạo cũng phải đặc biệt chú ý đến việc bố trí trường học ở những khu đô thị mới, khu tái định cư. Tránh để tình trạng người dân khu đô thị mới mỗi mùa tuyển sinh lại tái diễn cảnh trường công quá tải, trường tư ung dung”.

Nguồn: BizLIVE 
Bình luận
vtcnews.vn