Vietcombank đạt lợi nhuận cao kỷ lục

Kinh tếThứ Ba, 24/01/2017 07:55:00 +07:00

Trong năm 2016, ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đạt lợi nhuận cao kỷ lục.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công bố kết quả kinh doanh 2016. Một trong những điểm đáng lưu ý chính là Vietcombank lâph kỷ lục về lợi nhuận, nhờ đó dàn lãnh đạo có cơ hội nhận lương “khủng” 24 tỷ đồng.

Lãnh đạo nhận thù lao 24 tỷ

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, Vietcombank đề xuất cổ đông thông qua mức thù lao đối với Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2016 bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế. Tỷ lệ 0,35% này được duy trì trong nhiều năm trở lại đây.

Như vậy, nếu Vietcombank thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thì dàn lãnh đạo Vietcombank có cơ hội nhận mức lương cao nhất từ trước tới nay sau khi ngân hàng đạt lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử.

vietcombank

Lãnh đạo Vietcombank nhận lương khủng trong năm 2016

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 vừa được công bố, lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 của Vietcombank đạt 8.517 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 6.827 tỷ đồng năm 2015. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 của Vietcombank đạt 6.845 tỷ đồng.

Như vậy, theo kế hoạch, dàn lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát có cơ hội nhận 24 tỷ đồng (tính theo lợi nhuận sau thuế). Bình quân, mỗi lãnh đạo nhận 2,2 tỷ đồng/người/năm, tương ứng 183 triệu đồng/người/tháng.

Trong những năm trước đây, dàn lãnh đạo này vẫn nhận được 0,35% lợi nhuận sau thuế nhưng do kết quả kinh doanh không bằng năm 2016 nên trong năm 2015, 2014 và 2013, tổng thu nhập các sếp Vietcombank nhận được “chỉ” là 18,66 tỷ đồng, 15,32 tỷ đồng và 16,14 tỷ đồng.

Không chỉ chi trả thù lao “khủng” cho lãnh đạo, Vietcombank còn mạnh tay chi cho nhân viên. Năm 2016, mỗi nhân viên Vietcombank được tăng lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 4/2016, tại thời điểm 31/12/2016, Vietcombank có 15.164 người, tăng 869 người so với cuối năm 2015. Như vậy, ngân hàng này đã tuyển dụng 869 người trong năm 2015.

Quỹ lương của Vietcombank tăng mạnh hơn tốc độ tăng nhân sự. Trong năm 2016, Vietcombank đã chi 4.854 tỷ đồng cho lương và phụ cấp, tăng mạnh so với con số 3.886 tỷ đồng năm 2015. Như vậy, trong năm 2016, bình quân mỗi nhân viên Vietcombank nhận 320 triệu đồng/người/năm, tương ứng 26,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 4 triệu đồng/người/tháng so với 2015.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, cuối năm 2016, toàn hệ thống Vietcombank có 15.615 người, tăng 860 người so với năm 2015. Như vậy, có thể thấy, đa số nhân sự tuyển mới trong năm 2016, Vietcombank đều tuyển dụng cho ngân hàng.

Trong năm, chi lương và phụ cấp trong toàn hệ thống Vietcombank đạt 4.963 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3.980 tỷ đồng năm 2015. Bình quân, mỗi nhân viên Vietcombank nhận 318 triệu đồng/người/năm, tương ứng 26,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 4 triệu đồng/người/tháng so với năm 2015.

Lợi nhuận kỷ lục

Trong năm 2016, Vietcombank đã đạt mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử ngân hàng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 8.517 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý 4 của Vietcombank đạt 1.774 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 6.845 tỷ đồng.

Đây là mức lãi cao nhất của Vietcombank kể từ trước đến nay. Kỷ lục này có thể bị phá trong năm 2017. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết năm 2017, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12% (tương đương 9.200 tỷ đồng).

Năm 2016, Vietcombank tăng tốc cả về tăng trưởng tín dụng lẫn huy động vốn. Trong đó, tiền gửi của khách đạt 590.398 tỷ đồng, tăng 89.235 tỷ đồng, tương ứng 17,8%. Chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 460.808 tỷ đồng, tăng 73.085 tỷ đồng, tương ứng 18,8% so với năm 2015.

Mặc dù tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng nợ xấu tại Vietcombank lại giảm. Tại thời điểm 31/12/2016, nợ xấu tại Vietcombank là 6.635 tỷ đồng, giảm 502 tỷ đồng, tương ứng 7% so với năm 2015. Dù vậy, đây vẫn là con số khá lớn, tương đương vốn điều lệ của 1 ngân hàng cỡ nhỏ.

Nợ xấu tại Vietcombank chiếm 1,44% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh từ con số 5.590 năm 2015 xuống 4.187 tỷ đồng.

Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành cũng nhấn mạnh trong năm 2016, Vietcombank là ngân hàng tiên phong thu hồi các khoản nợ từ VAMC, chính thức đưa nợ xấu về một sổ.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn