Vietcombank bán cổ phiếu giá bèo cho Quỹ đầu tư Singapore?

Kinh tếThứ Ba, 30/08/2016 08:26:00 +07:00

Ngân hàng Nhật Bản Mizuho vẫn có lãi khi mua đắt cổ phiếu Vietcombank nên nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu quỹ đầu tư GIC có theo chân Mizuho hay vẫn cố gắng mua với giá rẻ bèo?

Câu chuyện cổ đông chiến lược của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – mã chứng khoán: VCB) lại đang nóng lên.

Sau 5 năm, Vietcombank sắp có cổ đông chiến lược thứ 2. Đó là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC). Và mức giá mà GIC sẵn sàng mua vào rất được nhà đầu tư quan tâm.

Mua rẻ

Chiều 29/8/2016, tại Singapore, đại diện ngân hàng Vietcombank và GIC đã ký kết một bản thỏa thuận ghi nhớ. Theo đó, GIC sẽ mua 7,73% vốn Vietcombank (gần 360 triệu cổ phần mới của VCB).

Vietcombank cho biết, việc đầu tư cổ phần của GIC sẽ làm tăng vốn điều lệ của Vietcombank và giúp ngân hàng chuẩn bị cho việc triển khai BASEL II cũng như duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

vietcombank

Vietcombank ký thỏa thuận bán cho GIC 7,73% cổ phần 

“Khoản đầu tư này phản ánh sự tin tưởng của chúng tôi đối với tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, với một đội ngũ lãnh đạo tốt cùng vị thế thị trường vững chắc của mình, Vietcombank sẽ có thể tận dụng được quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ngân hàng Việt Nam”, Ông Amit Kunal, Trưởng Bộ phận đầu tư trực tiếp, Đầu tư tư nhân và cơ sở hạ tầng Đông Nam Á của GIC Special Investments cho biết.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cũng đánh giá cao thương vụ này khi khẳng định: “Kinh nghiệm và danh tiếng của GIC sẽ mang đến cho Vietcombank sự hỗ trợ cần thiết để Vietcombank đạt được các mục tiêu tài chính và kinh doanh cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế của mình. Đồng thời, vị thế dẫn đầu thị trường và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của chúng tôi cũng hứa hẹn mang lại hiệu quả cho GIC đối với khoản đầu tư vào Vietcombank”.

Tuy nhiên, có một điểm quan trọng trong thương vụ này là giá thì không được nhắc đến. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành chỉ cho biết, trong đợt mua bán này, phía đối tác nước ngoài chào giá và Chính phủ quyết định.

Trước đó, khi giá cổ phiếu VCB tăng khá mạnh hồi nửa đầu năm nay, có ý kiến cho rằng Vietcombank đối mặt với rủi ro khó tìm được nhà đầu tư chiến lược vì thị giá cổ phiếu quá cao.

Đóng cửa phiên giao dịch 29/8, cổ phiếu VCB dừng ở mức 57.500 đồng/CP, cao vượt trội so với các cổ phiếu ngân hàng còn lại trên sàn chứng khoán. Nếu tính theo thị giá này, số tiền mà GIC phải bỏ ra để mua gần 360 triệu cổ phiếu này là 20.700 tỷ đồng (gần 930 triệu USD).

Các bên liên quan không tiết lộ giá trị thương vụ nhưng thông tin mới nhất của Bloomberg cho thấy, GIC không những mua rẻ, mà mua được rất rẻ cổ phiếu Vietcombank. Theo Bloomberg, để nắm giữ cổ phần tại Vietcombank, GIC trả ít hơn 400 triệu USD, chưa bằng 50% giá trị cổ phiếu VCB tính theo thị giá.

Mizuho lãi lớn

Nhưng nếu GIC có “chịu chơi” mua cổ phiếu VCB theo thị giá, không ai dám chắc quỹ đầu tư này sẽ không có lãi. Trước đó, “lịch sử” cho thấy, ngân hàng Nhật Bản Mizuho đã thắng lớn nhờ “chịu chơi” mua cổ phiếu VCB với giá cao hơn thị trường.

Cụ thể, cuối năm 2011, Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank với mức giá 34.000 đồng/CP, cao hơn từ 40% đến 50% thị giá VCB thời điểm đó. Với mức giá “chịu chơi” này, Mizuho phải chi ra hơn 11.800 tỷ đồng (567 triệu USD) để trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank kèm điều khoản hạn chế chuyển nhượng 5 năm.

Thế nhưng, suốt thời gian đầu, Mizuho không được hái quả ngọt. Không lâu sau khi Mizuho thực hiện thương vụ khủng nhất ngành ngân hàng thời điểm đó, cổ phiếu VCB sụt giảm mạnh theo thị trường chứng khoán Việt Nam. Phải đến năm 2015, VCB mới tìm lại mức giá mà Mizuho mua vào. Nếu tính cả lãi suất ngân hàng và lạm phát, Mizuho phải chịu lỗ trong 4 năm liên tiếp.

Nhưng rất may mắn, kể từ năm 2015, cổ phiếu VCB bứt phá mạnh. Tính tới 29/8, khoản tiền mà Mizuho rót vào Vietcombank tăng khoảng 70%, tương ứng 8.260 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi năm Mizuho đạt lợi nhuận 14%. Có thể thấy, dù có khởi đầu không tốt nhưng tính chung 5 năm, đây vẫn là khoản đầu tư có lời của Mizuho.

Trước “tấm gương” của Mizuho, không rõ GIC có “chịu chơi” mua vào VCB theo thị giá hay không. Tuy nhiên, có thể thấy, đây là điều khá khó vì con số 57.500 đồng/CP khá vượt trội so với con số 34.000 đồng/CP.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn