VietA Bank giảm dự phòng, lãi vẫn tụt dốc

Kinh tếThứ Sáu, 26/07/2019 13:22:00 +07:00

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VietABank giảm 19% xuống 89,3 tỷ đồng trong khi trích lập dự phòng rủi ro giảm 44%.

Báo cáo tài chính quý II của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) vừa công bố ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 89 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2018.

vietabank

VietA Bank không công bố thuyết minh báo cáo tài chính nên không rõ tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hiện tại. (Ảnh: VietA Bank)

Thu nhập lãi thuần VietA Bank trong thời gian trên giảm 15%, đạt 451,9 tỷ đồng.

Trong kỳ, mảng dịch vụ tiếp tục lỗ 6,7 tỷ đồng; mảng kinh doanh ngoại hối sụt 95% so cùng kỳ, ghi nhận 0,09 tỷ đồng; thu nhập từ vốn góp, mua cổ phần cũng giảm 62%, chỉ đạt 0,61 tỷ đồng.

Điểm sáng nằm ở hoạt động kinh doanh khác, lãi 23,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 0,8 tỷ đồng.

Hoạt động mua bán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư tăng trưởng 11% và 2.700% nhưng giá trị tuyệt đối rất nhỏ, ghi nhận lần lượt 1,5 tỷ đồng và 0,91 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, chi phí hoạt động của VietA Bank tăng 12% từ 259,4 tỷ đồng lên 290 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí trích lập dự phòng VietA Bank được điều chỉnh xuống 44%. Tuy nhiên, do các mảng kinh doanh cốt lõi lao dốc nên lãi trước và sau thuế của Viet A Bank vẫn giảm 19,4% và 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 89 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.

Riêng trong quý II, ngân hàng có lãi trước thuế đạt hơn 66,2 tỷ đồng, tăng 75% so với đầu năm. Nhưng do lợi nhuận quý I kém khả quan đã ảnh hưởng kết quả 6 tháng đầu năm.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của VietA Bank đạt 68.345 tỷ đồng, giảm 4,1% so với đầu năm chủ yếu do tiền gửi tại các tổ chức tín dụng và cho vay các tổ chức tín dụng sụt giảm mạnh từ hơn 15.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 11.000 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,4% đạt 40.307 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5,9% đạt 43.788 tỷ đồng.

Quý I, VietA Bank ghi nhận lợi nhuận 23 tỷ đồng, giảm 68%.

Lãi thuần từ cho vay cũng giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2018, còn 156 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ lỗ 2,8 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối lỗ 1 tỷ đồng.

VietA Bank cũng không trích ập một đồng chi phí nào cho dự phòng rủi ro, khi cùng kỳ trích 71,4 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietA Bank hiện nay là ông Phương Hữu Việt, vốn là một du học sinh tại Nga.

Ông Việt từng làm Chủ tịch Công ty Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương (Tập đoàn Đầu tư Việt Phương) trước khi lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng, rồi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Việt Á.

Thời gian đầu, VietA Bank hoạt động khá cầm chừng. Với tổng vốn điều lệ chỉ vẻn vẹn 76 tỷ đồng (trong đó SFC đóng góp 70 tỷ đồng), dù có đầy đủ các chức năng kinh doanh của một ngân hàng thương mại như: Kinh doanh vàng, đầu tư, tài trợ các dự án… nhưng Việt Á chưa khi nào sử dụng hết các thế mạnh của mình.

Có thể nói, sự kiện VietA Bank ra đời là hình thức hợp nhất đầu tiên một ngân hàng với một công ty tài chính được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, sau nhiều lần tăng vốn, tự sắp xếp và tìm cho mình hướng đi mới, VietA Bank vẫn không thoát được quy mô của một “ngân hàng địa phương”. Nắm quyền điều hành tại ngân hàng vẫn là nhóm cổ đông sáng lập.

Đầu 3/2007, các cổ đông VietA Bank thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 1.250 tỉ đồng, thông qua phát hành 499.670 cổ phiếu. Hai năm sau, VietA Bank tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.359 tỷ đồng.

Khi ngành ngân hàng bước vào cuộc đua tăng vốn, mặc dù không có tên trong 9 ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu song VietA Bank vẫn chịu áp lực tăng vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Gọi vốn mới thông qua rao bán cổ phần là con đường gần như duy nhất của VietA Bank.

Để có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, lãnh đạo VietA Bank quyết định bán 51 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Cơ cấu sở hữu VietABank có sự thay đổi, Tập đoàn Đầu tư Việt Phương trở thành cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 17% vốn điều lệ.

Tại VietA Bank, sự thay đổi về cơ cấu cổ đông sở hữu đã dẫn đến việc thay máu nhân sự. Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Việt Phương ngồi ghế Chủ tịch HĐQT VietABank vào giữa 2011.

Không chỉ thay ghế chủ tịch HĐQT, nhiều chức danh khác trong HĐQT VietA Bank cũng được thay mới. 

Tuy nhiên, cuộc vui không kéo dài, thương vụ kết thúc với những bê bối liên quan đến việc nhóm cổ đông mới đem cầm cố và chuyển nhượng cổ phần VietABank cho nhiều tổ chức tín dụng mặc dù chưa hoàn thành quá trình mua bán cổ phần với  VietA Bank.

Đồng thời, thị trường cũng dấy lên câu hỏi về việc nguồn tiền ở đâu mà các cổ đông này tung ra để mua cổ phần VietA Bank?

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn