Việt Nam xuất khẩu quả vải sang Nga từ... 170 năm trước

Thế giớiThứ Hai, 30/06/2014 03:20:00 +07:00

(VTC News) - Một cuốn sách cổ của Nga vừa tiết lộ thông tin lý thú khi nói quả vải của Việt Nam đã từng được xuất khẩu sang nước này từ cách đây 170 năm.

(VTC News) - Một cuốn sách cổ của Nga vừa tiết lộ thông tin lý thú khi nói quả vải của Việt Nam đã từng được xuất khẩu sang nước này từ cách đây 170 năm.

Năm 2013, kim ngạch thương mại Việt - Nga đã vượt con số 4 tỷ USD và triển vọng còn tăng nhiều trong tương lai gần.

Nhiều hàng hóa Nga đã chiếm vị trí vững chắc trong danh sách nhập khẩu của Việt Nam, trong khi khách hàng Nga đang quen dần với các sản phẩm đến từ Việt Nam như may mặc, giày da, thủy hải sản, cà phê hay hoa quả.

Quả vải Việt Nam đã vượt hàng ngàn km đến với nước Nga từ cách đây 170 năm. 

Vậy từ bao giờ và nơi nào trên nước Nga là nơi xuất hiện những mặt hàng đầu tiên của Việt Nam? Sẽ có nhiều người nghĩ rằng đó là thập niên 50 của thế kỷ trước khi Liên Xô và Việt Nam ký hiệp định thương mại đầu tiên.

Tuy nhiên, sử gia Piotr Tsvetov tại Matxcơva đã thay đổi đáng kể mốc thời gian này dựa trên cơ sở cuốn sách của nhà khoa học Nga Arkadi Stojkovich nhan đề "Lối sống, phong tục và di tích của các dân tộc trên thế giới".

Cuốn sách được xuất bản tại Matxcơva gần 170 năm về trước, khi cả Liên Xô cũng như Việt Nam đều chưa ra đời. "Thế nhưng, khi đó hàng hóa Việt Nam đã có mặt ở xứ Nga!", tác giả cuốn sách khẳng định.

Món hàng xuất khẩu khi đó là sự kỳ bí đối với hầu hết người Nga đương thời – quả vải. Vải trồng ở Việt Nam được đưa đến Buryatia của Nga, khu vực nằm ở phía bắc Nga - Mông Cổ hiện nay, trước kia từng là vùng ven biên giới Nga - Trung.

Vải là một loại quả đặc biệt và được nhiều nước trên thế giới nhập khẩu 

Nhà sử học Piotr Tsvetov tin chắc thông tin trong cuốn sách 170 năm trước hoàn toàn đáng tin cậy. “Tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng trong giới khoa học thời đó. Trong các công trình có kèm theo nhiều hình ảnh minh họa, ông đã mô tả tỉ mỉ về đất nước và con người Việt Nam”, Piotr Tsvetov nói.

Ông đã đưa ra những thông tin tuyệt đối chính xác về khí hậu và đặc điểm sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, về trang phục và nhà ở của người dân bản địa cũng như lịch sử đất nước.

Thật kỳ lạ và đáng chú ý khi mô tả công cuộc cải biến đất nước dưới triều vua nhà Nguyễn đầu tiên, tác giả đã so sánh vua Gia Long với người từng sống trước đó một thế kỷ là nhà cải cách Nga vĩ đại – Sa hoàng Piotr Đệ nhất.

Cuốn sách của Arkadi Stojkovich cũng đưa ra một số số liệu về Việt Nam khi đó, sân số vào những năm 40 của thế kỷ 19 ước tính ở mức 13 triệu người, Hà Nội có 40.000 dân.

Việt Nam có lực lượng quân đội gồm 90.000 binh sĩ. Huế khi đó có những công trình đồn lũy và Hoàng thành được bảo vệ bởi hai trăm khẩu thần công và được tác giả gọi là "pháo đài số 1 của châu Á".

Tuy nhiên, tác giả  Arkadi Stojkovich không thông báo gì về hành trình mà thứ quả nhiệt đới hiếm lạ này đến tận vùng Buryatia của Nga từ 170 năm trước và điều này cần được các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm để bổ sung vào bức tranh mối quan hệ Việt - Nga.

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn