Việt Nam vs Nhật Bản: Trận cầu lịch sử và điểm tựa cho những giấc mơ

Thể thaoThứ Năm, 24/01/2019 14:58:00 +07:00

Dù chiến thắng hay dừng bước trước ứng viên vô địch Nhật Bản trong trận tứ kết tối nay, tuyển Việt Nam cũng sẽ có đủ bài học kinh nghiệm để vươn mình nơi biển lớn châu Á trong tương lai rất gần.

1. Trong miền ký ức của những ai đam mê truyện tranh và bóng đá, Tachibana, Ozora Tsubasa hay Hyuga Kojiro luôn gợi lại cảm giác đặc biệt. Điểm chung của họ là gì? Đều là nhân vật hư cấu, nhưng mang giấc mơ chân thật của người Nhật Bản. Giấc mơ chạm tới đỉnh cao bóng đá thế giới.

Nhật Bản không phải cường quốc bóng đá. Vị trí đó thuộc về Brazil, Tây Ban Nha hay Argentina. Nhưng nếu nói Nhật Bản giỏi truyền cảm hứng, đưa bóng đá vượt khuôn khổ thể thao để nuôi dưỡng giấc mơ dân tộc, có lẽ không ai phủ nhận.

nhat ban

Nhật Bản là niềm tự hào của cả châu Á.

Fernando Torres, Andres Iniesta thừa nhận ấp ủ cảm hứng chơi bóng khi đọc bộ truyện "Tsubasa - giấc mơ sân cỏ", hay mọi thế hệ cầu thủ Nhật Bản sau này đều muốn trở thành Tsubasa, mang quốc kỳ, hát quốc ca và được đối đầu với Ruud Gullit, Diego Maradona.

2. Cách Nhật Bản nhìn ra thế giới, cũng giống cách Việt Nam nhìn ra châu Á lúc này. Trước năm 2019, bóng đá Việt Nam có gì? Một lần vào tứ kết Asian Cup trong lần tham dự duy nhất với tư cách đồng chủ nhà (các đội vào tứ kết đều có ít nhất chín lần tham dự, từ Australia mới gia nhập AFC). Asian Cup năm nay là lần đầu tiên tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại.

Chiến thắng trên chấm luân lưu trước Jordan mới là lần đầu, tuyển Việt Nam thắng ở vòng knock-out Asian Cup, còn Nhật Bản đã vô địch tới bốn lần. 

Việt Nam đá Asian Cup như Nhật Bản đá World Cup, dẫu "samurai xanh" dự World Cup "đều như vắt chanh, còn chúng ta phải chờ tới 12 năm mới được bơi ở biển lớn. Mỗi dân tộc đều có một giấc mơ, một động lực cùng hàng triệu niềm hy vọng tạo nên kỳ tích. Người Nhật truyền tải giấc mơ thông qua đội trưởng Tsubasa. Còn với tuyển Việt Nam, chúng ta không giỏi vẽ truyện tranh như Nhật Bản.

tuyen viet nam

Bóng đá Việt Nam có rất nhiều Tsubasa ngoài đời thật.

Nhưng chúng ta có hẳn rất nhiều Tsubasa bằng xương bằng thịt cho riêng mình. Đó là thế hệ cầu thủ đủ tài năng, đạo đức và nhiệt huyết để dân tộc Việt Nam có thể mơ lớn. Không đối đầu với Maradona hay Gullit, song sẽ chạm trán với đội tuyển giàu thành tích nhất, mạnh nhất và luôn được xưng danh là "anh cả châu Á".

Không phải giao hữu, nơi bóng đá Việt Nam từng chạm trán cả Arsenal hay Manchester City. Không phải vòng bảng với những lá thăm may rủi, nơi chúng ta cùng bảng với Iran cũng mạnh không kém Nhật Bản. Không phải đội trẻ, nơi U19 Việt Nam có thể đào tạo nòng cốt cho ĐTQG, còn U19 Nhật Bản hiện tại cũng chỉ còn sót lại Takumi Minamino là đáng giá. Cũng chẳng phải Olympic, nơi Olympic Nhật Bản mang đội hình... U19, U21 hay cả thành viên của đội bóng sinh viên, đá với tâm thế thắng cũng được, thua cũng... tốt.

Mà hôm nay, Việt Nam sẽ gặp Nhật Bản. Đội tuyển thật, thật 100% cả về lực lượng lẫn danh tiếng. Chúng ta không mời Nhật Bản, mà tuyển Việt Nam bước vào tứ kết, và đang tranh giành tấm vé bán kết với cơ hội ngang ngửa đối phương. Quả bóng hình cầu, nên nó có thể lăn tới bất cứ đâu. Tiếng còi chưa dứt, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. 

Video: Tuyển Việt Nam quyết tạo kỳ tích trước Nhật Bản

3. Để có quyền hy vọng, bóng đá Việt Nam đã trải qua bao trầm luân, đau khổ. Từ cuộc khủng hoảng sau chức vô địch AFF Cup 2008, từ thành công bị nghi hoặc chỉ có ở sân chơi trẻ, từ những tháng ngày đấu tranh với những mâu thuẫn nội tại - khi bóng đá, dù chẳng có lỗi lầm gì, lại bị khán giả quay lưng, tẩy chay, dè bỉu. Từ trong bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, hôm nay, chúng ta đã đứng ở đây, ngẩng cao đầu thách thức quyền lực tối cao của bóng đá châu Á.

90 phút (hay có thể là 120 phút) với Nhật Bản còn hơn cả một trận đấu. Bóng đá Việt Nam từ giải vô địch quốc gia, đào tạo trẻ đến chiều sâu thực lực đều thua kém Nhật Bản rất nhiều. Nhưng hôm nay, để được ở đây, đường đường chính chính tranh tài với nền bóng đá ưu tú nhất châu Á, hãy cảm ơn thầy trò HLV Park Hang Seo.

Họ quá giỏi, quá nỗ lực, quá mạnh mẽ để vượt mọi chông gai trên chặng đường tưởng như trải đầy hoa hồng. Cũng như Nhật Bản, chúng ta có Tsubasa để canh giữ giấc mơ cho riêng mình, nhưng chẳng nền bóng đá nào có thể vươn lớn chỉ bằng niềm tin.

viet-nam-1738055

Đừng để uổng phí công sức của các cầu thủ hôm nay.

Tsubasa giúp người Nhật yêu bóng đá hơn, song để có được vị thế hôm nay, đất nước mặt trời mọc đã xây dựng hệ thống bóng đá khoa học, chặt chẽ và vô cùng hợp lý, trải dài từ trường học đến CLB. Họ không chỉ mơ, mà họ còn tỉnh dậy và cụ thể hoá giấc mơ đó. Thế mới nói, thắng Nhật Bản đã khó, học hỏi Nhật Bản còn khó hơn nhiều.

Hôm nay, tuyển Việt Nam ở đây để tranh tài cùng Nhật Bản. Dù có lọt vào bán kết hay trở về nhà sau trận đấu này, bóng đá Việt Nam cũng không được tự mãn. Bởi tranh đấu với đối thủ mạnh bậc nhất châu Á, không có nghĩa chúng ta đã đạt đẳng cấp châu Á. Không cố gắng, mà cứ dậm chân tại chỗ để tận hưởng thành quả, tất sẽ bị thời cuộc đẩy trôi. Trận đấu tối nay là cơ hội để tuyển Việt Nam tạo nên lịch sử, song cũng là lời nhắc cho tất cả. 

Bóng đá Việt Nam còn phải cố gắng, cải thiện rất nhiều, chứ không thể trông đợi vào mồ hôi và máu của một thế hệ cầu thủ. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn