Việt Nam vô địch thuế, phí: Doanh nghiệp nào chịu được?

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Bảy, 14/11/2015 07:56:00 +07:00

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, hiện thủ tục hành chính của Việt Nam cực kỳ phức tạp và nhiêu khê. Một quả trứng phải "cõng" 14 loại thuế phí, 1 con

Theo bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế, hiện thủ tục hành chính của Việt Nam cực kỳ phức tạp và nhiêu khê. Một quả trứng phải "cõng" 14 loại thuế phí, 1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí thì doanh nghiệp nào chịu nổi.

Thủ tục hành chính cực kỳ nhiêu khê


Tại hội thảo "Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN" vừa tổ chức sáng 13/11, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế cho biết, báo cáo Việt Nam đứng thứ 2,3 về sự sẵn sàng khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chỉ là hình thức, khi cùng lúc thực hiện các giải pháp lại phát sinh nghịch lý tích cực tự do hoá bên ngoài và hạn chế tự do hoá bên trong.

Theo bà Lan, mặc dù Việt Nam giảm hàng loạt hàng rào thuế quan đối với các nước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng đối với doanh nghiệp trong nước nhiều hàng rào lại được dựng lên.

Thậm chí, rào cản cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân Việt Nam đang có chiều hướng tăng. “Ngần ấy năm tháo gỡ khó khăn, không tháo được lại tăng thêm các nút thắt khác”, bà Lan nói.


Hiện thủ tục hành chính của Việt Nam cực kỳ phức tạp và nhiêu khê. Ảnh minh họa
Cũng theo bà Lan, hiện thủ tục hành chính của Việt Nam cực kỳ phức tạp và nhiêu khê, các cấp đều có quyền gây khó cho doanh nghiệp. Thậm chí, thuế phí ở Việt Nam quá nhiều, chẳng hạn 1 quả trứng phải "cõng" 14 loại thuế phí, 1 con lợn chịu 51 loại thuế, phí. “Việt Nam vô địch về các loại thuế, phí thì doanh nghiệp nào có thể chịu được?”, bà Lan nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, hiện doanh nghiệp Nhà nước vẫn được bảo hộ và nhận đặc quyền, do đó không quan tâm nhiều đến hội nhập, vấn đề mà khối doanh nghiệp Nhà nước quan tâm là tiếp cận Nhật Bản, EU để có vốn ODA. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ bị mối lo trước mắt quá lớn, phải đối phó với các vấn đề môi trường kinh doanh, và ám ảnh bởi những "kỷ lục" số doanh nghiệp giải thể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, hiện các doanh nghiệp Việt Nam còn bị động và có mức độ sẵn sàng cho hội nhập AEC chưa cao. Khả năng thực thi chính sách nhằm đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với Asean 6 cũng chưa thực sự hiệu quả.

Thâm chí, khả năng nắm bắt, tận dụng cơ hội cũng như chuẩn bị để đối mặt với thách thức từ quá trình hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.


AEC mang đến Việt Nam nhiều thách thức

Cũng tại Hội thảo sáng nay, các chuyên gia cho biết, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) dự kiến sẽ hình thành vào cuối năm 2015. Tuy vậy, quá trình hội nhập của Asean vẫn sẽ tiếp tục được đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn trong giai đoạn 2015.

Đưa ra đánh giá về AEC, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, cũng như các FTA khác, AEC sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội thông qua việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu ở các nước Asean. Đặc biệt, nó có thể khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Sơn cũng cho biết, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi tham gia vào AEC. Trong đó có thể kể đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với doanh nghiệp Asean về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư…, cũng như sự chênh lệch về trình độ và môi trường cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa các nước Asean.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Việt Nam được đánh giá là một thành viên tích cực, thực hiện nghiêm túc các cam kết hội nhập đầu tư trong AEC. Trước sự mở cửa này, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hướng đến mức trung bình của Asean 6 trong năm 2016.

Theo đó, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có tiến bộ trong hai năm gần đây. Cụ thể, trong 10 tiêu chí, những mặt Việt Nam có cải thiện là thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, vay vốn, nộp thuế và xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Riêng ở hạng mục khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực sau Malaysia và Thái Lan. Trong khi đó, xin cấp phép xây dựng lại là tiêu chí Việt Nam được đánh giá cao nhất với xếp hạng 12 trên toàn cầu.

Đưa ra kiến nghị chính sách khi AEC được hình thành, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng, việc Việt Nam tham gia AEC là cơ hội để “tập dượt” tiến tới những sân chơi lớn hơn với những yêu cầu khắt khe hơn.

Chính vì vậy, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế phối hợp thông tin, phản hồi của doanh nghiệp về quá trình hội nhập, xây dựng Luật Hiệp hội. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất Asean và Đông Á, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.



Nguồn: VnMedia
Bình luận
vtcnews.vn