Việt Nam vận động được 4,3 tỷ USD từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Thời sựThứ Năm, 05/07/2018 15:08:00 +07:00

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996-2017 của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996-2017 của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban).

thutuong2

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về kết quả rất lớn trong 20 năm với con số khoảng 4,3 tỷ USD. (Ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Ủy ban, hiện nay, Việt Nam có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài, trong đó, khoảng 500 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.

Các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án mỗi năm và khoản viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD theo hình thức không hoàn lại.

Hoạt động của các tổ chức được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Những hoạt động này đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế..

Thủ tướng bày tỏ vui mừng về kết quả rất lớn trong 20 năm qua với con số khoảng 4,3 tỷ USD, trong đó, năm cao nhất vận động được 300 triệu USD và năm 2017, đạt 280 triệu USD.

Thủ tướng cho rằng: “Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta vận động được số tiền như vậy cho nhân dân, cho đồng bào của chúng ta thì quý lắm".

“Đặc biệt, các đồng chí tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn nhiều khó khăn, có nhu cầu hợp tác thực sự như y tế, giáo dục, xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó biến đổi khí hậu…”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, trong mọi chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các Bộ, ngành, địa phương phải luôn chú trọng xem xét xử lý hài hòa trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, an ninh và đối ngoại.

Bộ, ngành, địa phương nào làm chưa tốt, để xảy ra sai phạm, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Thủ tướng đề nghị cần có cơ chế liên ngành đủ mạnh để phối hợp quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm của từng ủy viên Ủy ban và cơ quan giúp việc để tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong công việc thường xuyên và các vấn đề đột xuất, phức tạp, nhạy cảm.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc của Ủy ban và các bộ phận giúp việc.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để tham mưu tích cực, có hiệu quả hơn nữa cho Chính phủ trong chỉ đạo, trong đó cần chú ý các hoạt động lợi dụng để chống phá, gây mất ổn định.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn