Việt Nam thua to ở Olympic: Muối mặt vì bệnh thành tích

Thể thaoThứ Ba, 14/08/2012 02:02:00 +07:00

Đây là một thất bại có thể nhìn thấy trước. Nó phản ánh hoàn toàn chính xác trình độ của VĐV, cũng như quá trình chuẩn bị của ngành thể thao.

Ngay trước thềm Thế vận hội 2012, ông Nguyễn Hồng Minh- nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam đã từng thẳng thắn cảnh báo về nguy cơ trắng tay của thể thao Việt Nam do sự sai lệch về mục tiêu, cũng như những hạn chế trong khâu chuẩn bị.

Theo vị chuyên gia kì cựu này thất bại không bất ngờ tại London này thực sự đáng báo động vì nó chứng tỏ rằng cách nghĩ cách làm “không giống ở đâu” của ngành thể thao chưa có gì thay đổi sau nhiều năm.


+ Đang có sự khác biệt rất lớn giữa đánh giá của các nhà quản lý của ngành thể thao với giới chuyên môn cùng người hâm mộ về kết quả thành bại của đoàn thể thao Việt Nam. Về điều này, xin được biết đánh giá của ông, một người từng nhiều lần làm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam?

Theo tôi, việc TTVN không giành nổi huy chương nào phải coi là một thất bại. Có hàng loạt lý do để chứng minh cho việc chúng ta có thể và phải giành được thành tích cao, cụ thể là huy chương Olympic, không chỉ từ khả năng mà còn  xuất phát từ bối cảnh, nhiệm vụ của TTVN trong thời kỳ phát triển hội nhập mới. Ngay trong chiến lược phát triển TTVN đến 2020 được Chính phủ phê duyệt, cũng đã nêu rõ chỉ tiêu có huy chương tại London 2012.

Ở đây, điều minh chứng rõ nhất cho thất bại này chính là TTVN thực sự có một số tuyển thủ có khả năng tranh chấp huy chương, đơn cử như trường hợp của đô cử Quốc Toàn, song đã để vuột huy chương vì mục tiêu nửa vời, không được đầu tư chăm lo đến nơi đến chốn.

Thực tế đây là một thất bại có thể nhìn thấy trước. Nó phản ánh hoàn toàn chính xác trình độ của VĐV, cũng như quá trình chuẩn bị của ngành thể thao.

Gồng mình cõng "bệnh thành tích"

+ Như vậy, vấn đề vẫn nằm ở cách nghĩ cách làm của ngành thể thao chứ không phải việc giành huy chương là một mục tiêu quá sức?

Chính xác. Điều chúng ta rất buồn, rất đau lòng là tại sao sau chừng ấy năm nó vẫn không có gì thay đổi? Đến giờ Olympic vẫn là một đấu trường ngoài tầm, ngoài trọng tâm của TTVN, mà không giành nổi huy chương nào người ta vẫn có thể coi như chuyện… bình thường, cho dù tầm quan trọng hàng đầu của cuộc đấu này, rồi cơ hội và khả năng sáng sủa của VN ai cũng thấy rõ.

Nếu ngành thể thao sớm nhìn nhận đúng, thực hiện đầy đủ quy trình chuẩn bị Olympic, theo tôi, TTVN đã có thể tăng trưởng rất tốt số VĐV, số môn giành quyền tranh tài, và quan trọng hơn có thể “lấy” huy chương, thậm chí không chỉ 1 tấm và màu đồng, một cách ổn định, vững vàng.

+ Rõ ràng TTVN đã thua vì không đặt Olympic vào đúng tầm mức của nó. Mấu chốt của vấn đề này nằm ở đâu, thưa ông?


Đó vẫn là sự dàn trải và ôm đồm trong điều kiện nguồn nhân lực và kinh phí vốn hạn hẹp lại ngày càng khó khăn, gắn với căn bệnh thành tích trước mắt. Việc phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào SEA Games đã và đang ảnh hưởng tệ hại đến các mục tiêu cao và thực chất của TTVN. Chúng ta chuẩn bị Olympic  hay ASIAD theo đúng kiểu cách của một “hội làng” bảo làm sao không thất bại.


Tôi cũng xin lưu ý rằng, kết quả tại London đã cho thấy TTVN chịu hậu quả nặng nhất từ những mặt trái của SEA Games trong cả khu vực ĐNÁ.cũng trải qua một kỳ Olympic đầy thất vọng .

+ Có nghịch lý không khi chính nhiều người có trách nhiệm của ngành thể thao dường như lại vẫn quá “yên tâm” với SEA Games, còn Olympic phần nào đó được tới đâu hay tới đó?


Đó mới thực sự là điều đáng sợ và đáng lo ngại. Nếu chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật để quyết tâm làm lại và làm khác, tôi e rằng rất có thể đâu lại vào đấy. Chúng ta chờ xem lần “tổng kết” Olympic này có khác gì với sau ASIAD 2010? Rất khó. Sang năm đã lại đến SEA Games rồi.

Xin cảm ơn ông

“Không thể hy vọng gì ở taekwondo”

Đó là cảm nhận riêng, đã đeo đẳng tôi suốt 8 năm nay kể từ khi làm Trưởng đoàn TTVN dự tranh Olympic 2004. Năm ấy, taekwondo VN có Quốc Huân lọt được vào tới BK, Văn Hùng cũng thắng được 2 trận, song trình độ vẫn còn thua nhóm đầu một khoảng cách rõ ràng, không thể bù lấp được bằng nỗ lực, hay trông chờ vào may mắn.

Thầy trò võ sĩ Lê Huỳnh Châu

Điều này càng được kiểm nghiệm qua 2 kỳ ASIAD trước và sau kỳ Olympic đó, đặc biệt năm 2002 khi 4 võ sĩ giành quyền vào chơi CK đều không thể đoạt nổi HCV.

Theo tôi, đấy cũng đã là lứa võ sĩ tốt nhất của taekwondo từ đó đến giờ.  Và quả thật, các lứa sau này, những người làm nhiệm vụ tại Olympic 2008 & 2012, rồi ASIAD 2010 đều cho thấy rõ điều này.

Thực chất chúng ta đã chẳng thể hy vọng gì vào taekwondo, và tới đây cũng vẫn vậy nếu như không tạo ra một bước đột phá mới.

Ngoài lý do khách quan rất lớn khi bản đồ của taekwondo TG đã thay đổi nhanh cả về diện lẫn chất, dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận điều quyết định là do chính chúng ta đã tụt hậu, thiếu sự đầu tư cần thiết và gần như không đổi mới gì.



Phúc Tường (Thể thao 24h)

























Bình luận
vtcnews.vn