Việt Nam sắp có 'Thung lũng Silicon'?

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Tư, 29/08/2018 11:53:00 +07:00

VinTech City sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, tương tự mô hình Silicon Valley của Mỹ, nơi các công ty khởi nghiệp về công nghệ hoàn toàn yên tâm phát huy hết khả năng của mình mà không phải lo tới các chuyện "bên lề" ngoài chuyên môn”, ông Nguyễn Việt Quang Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết về kế hoạch bứt phá trong lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp mà tập đoàn này vừa công bố.

Hỗ trợ nhưng không bao cấp

- Một trong các thông tin “hot” nhất tuần này là Vingroup công bố sẽ hỗ trợ các start up công nghệ, thậm chí thành lập cả một khu công nghệ cao tương tự Silicon Valley. Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về công bố này?

Công nghệ là chìa khoá thúc đẩy sự phát triển, mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ khắp thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhưng chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và nhận thấy chỉ có tiền thôi thì chưa đủ tham gia cuộc cách mạng 4.0. Chúng ta phải tạo ra được cái nôi để những ý tưởng phát triển, một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ hết sức chuyên nghiệp như kiểu Thung lũng Silicon, Mỹ.

Sau khi nghiên cứu rất kỹ mô hình này, Vingroup quyết thành lập Công ty Phát triển Công nghệ VinTech với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái như vậy, gọi là VinTech City ở Đông Anh (Hà Nội). Đây sẽ là môi trường tốt nhất cho các ý tưởng, dự án công nghệ được phát triển và đi vào cuộc sống

- Cụ thể thì VinTech City sẽ hỗ trợ thế nào cho các start up công nghệ, thưa ông?

Tại Đông Anh chúng tôi có hơn 70ha mặt bằng, xây dựng các tòa văn phòng được trang bị đầy đủ máy tính đến hệ thống mạng nội bộ, internet... để các công ty khởi nghiệp có thể làm việc. Ngoài ra còn có các điều kiện cần thiết như lưu trữ dữ liệu, các bộ phận hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ về nhân sự, thủ tục, hỗ trợ về tài chính kế toán…thậm chí cả lưu trú. Trong thời gian 1-3 năm đầu, các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuê VP và 1 phần hoặc toàn bộ các phí dịch vụ còn lại.

- Vậy có thể hiểu Vingroup là “Mạnh Thường Quân” tài trợ cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ, thưa ông?

Phần hỗ trợ là cho không, các dự án họ làm xong thì họ hưởng. Trong điều kiện cần vốn để phát triển thêm, nếu phù hợp, chúng tôi sẽ đầu tư; nếu chưa phù hợp với định hướng của Vingroup, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ tìm nhà đầu tư và các giải pháp tài chính khác cho các start up này. Tuy nhiên, đó không phải là sự bao cấp, vì bao cấp không tạo ra động lực phát triển. VinTech City chỉ tạo ra sự hỗ trợ mang tính thúc đẩy, gỡ bỏ một phần các áp lực để cho các nhà khởi nghiệp chuyên tâm phát triển.

ong_nguyen_viet_quang_jnbr

Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup. 

Một mình Vingroup không thể làm được

- Tại sao Vingroup lại quyết tâm xây dựng nền tảng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác khởi nghiệp, Vingroup kỳ vọng sẽ được lợi gì trong chiến lược bứt phá lần này?

Đây không phải câu chuyện của Vingroup, nhưng Vingroup sẽ là doanh nghiệp đầu tiên tạo nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Chúng ta hãy tính đến câu chuyện dài hơi, làm sao có thể cùng nhau tạo ra được những sản phẩm công nghệ mang “IP Việt Nam”, mang thương hiệu Việt và là niềm tự hào Việt.

Điều chúng tôi mong muốn các cá nhân, doanh nghiệp có đủ khả năng hãy cùng chung tay tạo ra những chất xúc tác, giúp mọi người có nền tảng ban đầu, thúc đẩy cho nước ta phát triển. Đó là trách nhiệm xã hội của Vingroup, nhưng một mình Vingroup không thể làm được, cần sự chung tay của tất cả mọi người và cần có cách làm sáng tạo hơn.

- Quay trở lại câu chuyện của chính Vingroup. Vingroup đặt mục tiêu trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong 10 năm tới. Ông có thể cho lý do vì sao Vingroup lại quyết định “bẻ lái” sang lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với thế mạnh hiện tại?

Thứ nhất như tôi đã đề cập từ đầu, công nghệ là thời cơ phát triển. Thứ hai, trải qua 25 năm đầu tư và tích lũy, đến nay, Vingroup đã hội đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp là: uy tín quốc tế, tiềm lực tài chính, năng lực triển khai hiệu quả và hệ sinh thái đa dạng để có thể hiện thực hóa, thương mại hóa các ý tưởng công nghệ vào đời sống.

- Vingroup là tập đoàn thương mại- dịch vụ, kinh nghiệm về công nghệ gần như là số O.Vậy các ông làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ trong vòng 10 năm tới?

Chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, mảng Thương mại - Dịch vụ hiện có sẽ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới. Mảng công nghiệp gồm ô tô và sản phẩm điện thông minh - gia dụng, sẽ được đẩy mạnh trên cả phương diện sản xuất lẫn tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu.

Còn mảng chủ lực là công nghệ sẽ được tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự và hạ tầng. Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon, lập ra Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu; Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu KHCN ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án trong nước và cấp học bổng cho các sinh viên tài năng...

Mới đây, ngày 21/8, chúng tôi đã ra mắt Công ty VinTech, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT) và Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ Ứng dụng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã ký kết với hơn 50 trường ĐH trong lĩnh vực KHCN hàng đầu Việt Nam để chuẩn bị nguồn nhân lực gồm 100.000 kỹ sư cho 10 năm tới. Đó là những bước đi đầu tiên trong chiến lược đầu tư trọng điểm vào Công nghệ - Công nghiệp của chúng tôi.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn