Việt Nam sẵn sàng 'mở đường' cho blockchain

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 15/06/2018 14:29:00 +07:00

Đó là ý kiến đại diện cho các quốc gia đã ứng dụng thành công blockchain, có hành lang pháp lý sớm, thu hút được vốn đầu tư quốc tế cho ngành công nghiệp chuỗi khối toàn cầu như Singapore, Malta, Trung Quốc… trong Diễn đàn “Blockchain: Xu hướng và tầm nhìn phát triển”.

Blockchain, lợi ích và tiềm năng lớn

Blockchain được định nghĩa là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Nói cách khác, blockchain giống như một bảng tính excel nhưng nó được chia sẻ với các đối tượng cần sử dụng thông tin lưu trữ đó, được đồng bộ hóa (lưu trữ điện toán đám mây) và quản lý bởi một chủ thể (lưu trữ trong kho dữ liệu), có thể là Googe, Microsoft hoặc Apple.

Ở kho dữ liệu ấy, người dùng được kiểm soát thông tin. Tất cả các thành viên trong hệ thống sở hữu thông tin giống nhau; mỗi máy tính trở thành một máy chủ. Các dữ liệu được đồng bộ hóa trên toàn hệ thống khi có bất kỳ thay đổi nào.

Blockchain (1)

Quang cảnh Diễn đàn “Blockchain: Xu hướng và tầm nhìn phát triển”

Công nghệ này mang lại 6 lợi ích chính, bao gồm: sự đáng tin cậy, an toàn và có sẵn; sự bất biến; không thể thu hồi; sát giờ thực tế; đặc biệt là tiết kiệm chi phí và mang lại sự minh bạch.

Lấy ví dụ, anh A (quê Hà Nội) và chị B (quê Nha Trang) công tác và muốn đăng kí kết hôn tại TP.HCM. Để làm được điều này, họ cần phải về quê quán để xin giấy xác nhận tình trạng độc thân của mình tại địa phương. Đây là sự quản lý tập trung, gây lãng phí nhiều thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, khi công nghệ blockchain được đưa vào, thông tin cá nhân, sơ yếu lý lịch và tình trạng hôn nhân của anh A và chị B được đưa lên công nghệ chuỗi khối (blockchain) có sự kết nối của đơn vị chính quyền TP.HCM, với đặc tính phi tập trung, sẽ được chính quyền TP.HCM nắm bắt rõ ràng mà không cần phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc để xin giấy xác nhận tình trạng độc thân như trước nữa. Đây chỉ là một trong số những ví dụ đơn giản về lợi ích của blockchain đối với các lĩnh vực.

Vì những lợi ích đó, blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối ở nhiều nước trên thế giới đang mang lại những kết quả, con số ấn tượng. Theo ông Adam Vaziri, Tổng Giám đốc QRC Group, blockchain giúp tiết kiệm tới 70% chi phí trong báo cáo tài chính, 30 – 50% chi phí khiếu nại, 50% chi phí vận hành tập trung và 50% chi phí vận hành kinh doanh.

Về tiềm năng phát triển blockchain ở Việt Nam, ông Wayne Grixti, Cố vấn Lực lượng đặc trách Quốc gia Maita, chia sẻ: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ chuỗi khối, đặc biệt là yếu tố con người với sự thông minh, sáng tạo và không ngại đổi mới.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Dane Elliott, Giám đốc Kinh doanh Achain nhận định: “Trong khu vực Châu Á, Việt Nam sẽ là một trong 4 nước phát triển trọng điểm du lịch và phát triển công nghệ blockchain, nó sẽ đóng vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Nó là dữ liệu công cộng cho các nhà ứng dụng, nhà phát triển, startup có cơ hội phát triển trong tương lai để xây dựng những dự án, nền tảng của mình trên hệ sinh thái blockchain. Blockchain sẽ hỗ trợ rất nhiều về mặt kỹ thuật, tư vấn và cả nguồn vốn để ứng dụng cho thị trường của Việt Nam”.

Đẩy nhanh việc “mở đường”

Tuy nhiên, để đạt được thành công trong việc ứng dụng blockchain vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đang gặp những rào cản nhất định.

Trước tiên, vấn đề thiếu nguồn nhân lực là một trong những khó khăn đầu tiên mà doanh nghiệp ứng dụng blockchain ở Việt Nam gặp phải. Bởi đây là một công nghệ mới ở cả Việt Nam và thế giới cho nên nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cao của nó là không nhiều.

Trong khi đó, vấn đề pháp lý cũng là vấn đề được hầu hết các diễn giả, những trực tiếp sáng lập và phát triển doanh nghiệp ứng dụng blockchain ở Việt Nam và nước ngoài để cập đến.

Blockchain (2)

Ông Dane Elliott, Giám đốc Kinh doanh Achain

Vì vậy, muốn phát triển công nghệ tiềm năng này một cách hiệu quả ở nước ta, phải có sự đào tạo nhân lực chuyên sâu về công nghệ blockchain ngay từ ban đầu; tạo không gian startup cho các doanh nghiệp, sinh viên, trao đổi kinh nghiệm để họ bày tỏ những ý tưởng sáng tạo, xây dựng một môi trường gọi vốn, không chỉ là vốn từ nước ngoài mà còn là cả những nguồn vốn từ trong nước cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng thí điếm ứng dụng blockchain cũng cần được quan tâm, chú trọng.

Về mặt pháp lý, cần xây dựng khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số và blockchain; thành lập ban chuyên ngành, liên ngành để nghiên cứu và phát triển ứng dụng trên toàn quốc; thiết lập khung pháp lý cho việc cấp vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thực tế, ở góc độ quản lý nhà nước, Việt Nam đã và đang sẵn sàng để tiếp nhận blockchain. Cụ thể, Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2017 về xây dựng đề án, khung pháp lý quản lý tiền ảo, tài sản ảo; Nghị quyết 23 của BCH TƯ Đảng ngày 22/3/2018 về chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 đã khẳng định Việt Nam phải đi tắt, đón đầu trong cách mạng 4.0, yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ ngành để xác định trọng tâm của blockchain.

Do vậy, điều quan trọng ở đây là cần phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và làm rõ khung pháp lý. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp nhận định, hai điểm mấu chốt cần giải quyết ở đây là: Thứ nhất, các cơ quan nhà nước phải xác định được những lĩnh vực, hoạt động của Nhà nước mà Nhà nước có thể ứng dụng công nghệ blockchain.

Video: Kết nối chuyển giao công nghệ: Nấm Vân chi, Linh chi

Thứ hai, giải quyết khung pháp lý: làm rõ vấn đề ứng dụng và tài sản trên blockchain được coi là tài sản, từ đó khuyến khích tài sản đó phải được trao đổi; khuyến khích các doanh nghiệp vận dụng, áp dụng các ứng dụng phi tập trung (decentralized app) vào blockchain; tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, dễ dự đoán để bảo vệ cả 3 bên: người tiêu dùng và nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển, chức năng quản lý của nhà nước; rà soát lại hệ thống pháp luật Việt Nam để loại bỏ những quy định hạn chế sự phát triển của blockchain và tạo ra những quy định chi tiết cho phát triển blockchain.

Diễn đàn Blockchain 2018 với chủ đề “Xu hướng và tầm nhìn phát triển” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng báo VnExpress tổ chức ngày 14/6 với sự tham gia của các đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng nhà nước.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn