Việt Nam gia nhập TPP: Điện, xăng có hết độc quyền?

Kinh tếThứ Năm, 08/10/2015 07:52:00 +07:00

Việt Nam gia nhập TPP: Theo TS. Võ Trí Thành cam kết trong TPP không trực tiếp liên quan đến giá điện, giá xăng, nhưng sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực này.

(VTC News) - Theo TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cam kết trong TPP không trực tiếp liên quan đến giá điện, giá xăng, nhưng sẽ có tác động tích cực đến lĩnh vực này.

Những vấn đề thiết thực liên quan đến cuộc sống người dân như giá điện, xăng, ô tô, khả năng cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm sau khi Việt Nam gia nhập TPP.

Theo ông Võ Trí Thành, các cam kết trong TPP không quá trực tiếp liên quan đến một số lĩnh vực như giá xăng, giá điện. Tuy nhiên, TPP có thể có ảnh hưởng rất tích cực đến tái cấu trúc, cải cách lĩnh vực này.

Việt Nam gia nhập TPP: Điện, xăng có hết độc quyền?
Việt Nam gia nhập TPP: Điện, xăng có hết độc quyền? 
"Ví dụ như yêu cầu về minh bạch hóa, điều khoản TPP về doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. Hay là chương về mua sắm Chính phủ, ở đó không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, mà cả các công ty nước ngoài cũng có thể tham gia. Đây sẽ là bước đệm quan trọng để cải cách các doanh nghiệp Nhà nước và những ngành có tính độc quyền", ông Thành lấy dẫn chứng.


Đối với "bão" hàng giá rẻ từ Trung Quốc, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bão hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam không trực tiếp liên quan tới những cam kết hội nhập mà chúng ta đã có hoặc sẽ có với các đối tác mới như TPP.

Để cho hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp, thậm chí gây độc hại cho người tiêu dùng tràn vào Việt Nam quá nhiều trong thời gian qua, trước hết là lỗi của chính chúng ta đã không tự bảo vệ được mình.

TPP cũng như những công cuộc hội nhập khác như FTA vơi EU, FTA với Hàn Quốc, AEC... mở ra cho chúng ta những cơ hội lớn để tiếp cận với các sản phẩm từ các thị trường này.

"Chúng ta rất cần tận dụng cơ hội đó để sắp xếp lại một cách hợp lý quan hệ thương mại của chúng ta với các đối tác khác, tránh làm cho chính mình bị tổn thương vì những luồng hàng giá rẻ như kiểu Trung Quốc", bà Lan nhấn mạnh.

Về giá ô tô trong nước có giảm mạnh khi Việt Nam gia nhập TPP không, hay cũng sẽ diễn ra tương tự như WTO, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi tham gia WTO, thuế nhập khẩu ô tô của chúng ta có cam kết giả nhưng với một lộ trình rất dài. Vì vậy, người tiêu dùng chưa thực sự được hưởng lợi nhiều từ WTO.

Đối với TPP, do biểu thuế của các sản phẩm chưa được công bố nên tôi không biết thuế với ô tô ở Việt Nam sẽ ra sao. Tuy nhiên, với WTO, lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô của chúng ta sắp kết thúc, ngoài ra, theo cam kết trong cộng đồng kinh tế ASEAN thì thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ về mức 0% vào năm 2018.

"Các dòng ô tô của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây đầu tư ở các nước ASEAn sẽ được vào Việt Nam qua kênh đó. Vì vậy, tôi tin, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được mua ô tô với giá rẻ hơn trong những năm tới, chưa cần chờ TPP sẽ áp thuế thế nào đối với Việt Nam", bà Lan nhận định.

Điều này là hợp lý bởi vì không có lý gì mà Việt Nam có mức thu nhập bình quân thấp hơn đáng kể so với các nước ASEAN tiên tiến mà lại phải chịu mức giá ôtô cao hơn rất nhiều so với người dân các nước đó.

Đối với các doanh nghiệp đang tham gia sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tôi mong, sức ép cạnh tranh sẽ thúc đẩy họ cố gắng cao nhất để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh cho họ cũng là làm lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta không nên trông đợi ở chiếc đũa thần TPP hay bất cứ một hiệp định FTA nào khác".

Doanh nghiệp có mạnh lên hay không, người dân Việt Nam có được hưởng lợi hay không, trước hết phải dựa vào sức của chính mình. Nếu nền kinh tế chúng ta thực hiện được cuộc đổi mới lần thứ 2, tập trung cải thiện chất lượng hiệu quả năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thì nền kinh tế sẽ vượt lên.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, phải tự vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình nếu không muốn là kẻ bại trận trên thương trường. Chỉ trong điều kiện nền kinh tế của doanh nghiệp chúng ta mạnh lên thì người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự được hưởng lợi.

"Chiếc đũa thần" nằm trong tay chính chúng ta chứ không phải ai khác", bà Lan nói.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn