Việt Nam ghi nhận biến chủng SARS-CoV-2 mới lai giữa chủng Ấn Độ và Anh

Tin tứcThứ Bảy, 29/05/2021 12:35:35 +07:00
(VTC News) -

Biến chủng virus mới ghi nhận tại Việt Nam có sự lai tạo giữa 2 chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ và Anh, đặc điểm lây nhanh, phát tán rộng trong không khí.

Đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, sáng 29/5.

Theo ông Long, qua giải trình tự gen virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Trong đó, chủng của Ấn Độ đang phổ biến nhất, chủng Anh có ở Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và một số địa phương khác.

Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, cơ quan y tế phát hiện chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh. Theo đó, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh.

Đặc điểm của chủng này lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng rất nhanh và lan rộng trong thời gian ngắn. "Bộ Y tế sẽ công bố chủng này trên bản đồ gen thế giới", ông Long nói.

Việt Nam ghi nhận biến chủng SARS-CoV-2 mới lai giữa chủng Ấn Độ và Anh - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Tại Hội nghị, người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết, đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có một vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn. Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có xu hướng phức tạp hơn.

Theo ông Long, Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm.

Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP.HCM có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Về các khu công nghiệp, Bộ Y tế nhận định, việc bảo vệ các khu vực này trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát.

Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh.

Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiệp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn