Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN

Tư liệuThứ Ba, 22/12/2020 17:04:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, trong 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam có những bước đi “học việc” ban đầu và dần có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ASEAN.

Chia sẻ với VTC News, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, từ 1995 đến 2020, Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn khác trong khả năng hội nhập, đổi mới và trong phát triển kinh tế. Đặc biệt chúng ta tham gia các tổ chức cấp cao khác trong khu vực và thế giới.

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 1

(Tranh cổ động: Hà Thành)

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 2

Theo đánh giá của Đại sứ Phạm Quang Vinh, 25 năm tham gia ASEAN đánh dấu giai đoạn đổi mới vượt bậc của Việt Nam trong hội nhập khu vực và phát triển đất nước trong nhiều lĩnh vực.

Nếu tính Đổi Mới năm 1986, từ giai đoạn 1995-1996 chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng là "Đổi mới và hội nhập khu vực”. Trong vấn đề kinh tế, chúng ta từng bước hoàn thành khâu kinh tế thị trường. Không chỉ mở cửa mà còn hoàn thành khâu chính sách, pháp lý, cơ chế trong chính sách thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, đổi mới này không chỉ trong kinh tế mà còn cả chính trị, pháp luật, xã hội”, ông Vinh chia sẻ.

Cựu Đại sứ Việt Nam nhận định, trong câu chuyện hội nhập ASEAN, từ năm 1995, ban đầu Việt Nam xác định phải “học việc” trong một tổ chức mới, theo cung cách làm việc mới. Trong khoảng vài năm sau đó, Việt Nam vừa “chập chững” hội nhập khu vực, để chuẩn bị cho việc tiến ra biển lớn của thế giới.

Khi đó những câu chuyện được quan tâm như: Thế nào là kinh tế thị trường? Thế nào là giảm thuế quan? Và lộ trình giảm thuế quan đến 2018 của Việt Nam và cả ASEAN giảm xuống 0,5 % ra sao?”, ông Vinh nói. “Hiện ít nhất 95% dòng thuế được giảm trong nội bộ ASEAN. Riêng Việt Nam đến 2015, cơ bản đã hoàn tất”.

Sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào ASEAN, tiếp tục gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đến 2010, về mặt hội nhập đã tương đương với các nước thành viên trong Hiệp hội.

Về mặt kinh tế có thể kém hơn. Nhưng về mặt đổi mới trong nước, cải cách kinh tế và hội nhập khu vực, về cơ bản chúng ta đã thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và các nước ASEAN”, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 3

Theo đó, quá trình 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN là một chặng đường dài và có nhiều ý nghĩa đặc biệt, cho Việt Nam và cho cả ASEAN.

Trước hết, cái lớn nhất của ASEAN, bắt đầu 1995 khi Việt Nam tham gia, là một quá trình mở ra sự khởi đầu cho một ASEAN mới. Đó là một Đông Nam Á không còn phân cực, không đối đầu, mà hướng tới một cộng đồng. Điều này có ý nghĩa to lớn cho cả khu vực.

Hơn nữa, các nước cùng chia sẻ một giá trị và lợi ích chung, cùng với nhau tham gia vào quá trình phát triển và tương tác với các nước lớn, ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Theo nhận định của Đại sứ Phạm Quang Vinh, nếu nhìn cả chiều dài 53 năm thành lập ASEAN, từ khi hình thành đến 1995, Hiệp hội vẫn chưa thể đại diện cho khu vực Đông Nam Á.

Nhưng tính từ 1995 đến nay, ASEAN không chỉ là 10 nước thành viên, mà có 3 điều đặc biệt. Đầu tiên, hợp tác giữa các thành viên ASEAN trở nên sâu sắc. Thứ hai, ASEAN từng bước phát huy vai trò trung tâm, được các nước đối tác trong và ngoài khu vực thừa nhận. Thứ ba, khi ASEAN kết nạp lên 10 nước, đó là một ASEAN dựa trên các quốc gia có thể chế chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tôn giáo rất khác nhau. Và chính vì vậy, đòi hỏi những điểm khác trong từng đồng thuận của ASEAN.

Từ 1995 đến nay, ASEAN có nhiều dấu mốc lớn trong quá trình phát triển cộng đồng. Đặc biệt, giai đoạn 2007-2008 đã hoàn tất Hiến chương ASEAN. Đây là lần đầu tiên ASEAN thể chế hóa nhiều vấn đề và có nhiều điểm khác biệt so với trước đây.

Theo đó, bộ máy ASEAN được ổn định từ cấp cao, các hội đồng và ban thư ký. Ngoài ra, cung các làm việc rất khác, trong đó có hình thức “Single Chairmenship”, tức là một quốc gia làm chủ tịch trong cả một năm.

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 4

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chỉ rõ, năm 1998, Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam đã có những đóng góp lớn ở hai khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất, Chương trình hành động Hà Nội tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên cũ và mới. Thứ hai là câu chuyện chính trị và việc nâng cấp ASEAN lên tầm cao mới, nhằm đóng góp vào quá trình phát triển ASEAN cùng với các nước Đông Nam Á”, nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nói.

Từ 2001, Việt Nam tham gia nhiều hơn vào vấn đề xây dựng đoàn kết ASEAN, tích cực tham gia vào chương trình nghị sự của Hiệp hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.

Giai đoạn 2007-2008, theo ông Vinh, Việt Nam tham gia sâu vào xây dựng Hiến chương ASEAN, tạo một cú hích lớn cho một ASEAN mới trong giai đoạn mới. Đặc biệt trong đó có câu chuyện về tôn chỉ, mục đích cũng như phương cách làm việc của ASEAN (dựa trên đồng thuận, trên tham vấn) và cả tính chất của Hiệp hội.

Từ đó hình thành bộ máy mới, cách làm việc mới của ASEAN. Trong đó bộ máy mới có cấp cao, 4 hội đồng cộng đồng, hội đồng điều phối kinh tế - chính trị - an ninh – văn hóa và xã hội. Và ở dưới là những bộ máy khác của ASEAN. Tiếp nữa là đề ra quy định nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của mỗi nước.

Sau Hiến chương ASEAN, năm 2009 chúng ta xây dựng 4 kế hoạch lớn. Đầu tiên là kế hoạch tổng thể về chính trị an ninh (sau này là nền tảng của cộng đồng chính trị - an ninh). Thứ hai là kế hoạch tổng thể về kinh tế, làm nền tảng cho trụ cột cộng đồng kinh tế. Ba là kế hoạch tổng thể về văn hóa – xã hội và bốn là kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, dựa trên 3 lĩnh vực: Kết nối cứng về hạ tầng cơ sở, kết nối mềm về hài hoa bản sắc văn hóa và kết nối người dân”, ông Vinh chia sẻ.

Trên thực tế, tới năm 2010 chúng ta đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho một ASEAN mới, bao gồm cả Hiến chương và nền tảng cộng đồng. Đó là những điểm khác biệt, có dấu ấn lớn của Việt Nam.

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 5
Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 6

Chưa bao giờ câu chuyện đoàn kết trong ASEAN ngày càng trở nên quan trọng đến vậy. Và có lẽ chỉ có những người làm trực tiếp ASEAN mới biết rằng ASEAN có đoàn kết và có cả không đoàn kết”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.

Câu chuyện đoàn kết xuất phát từ việc các nước đồng ý tham gia vào và có lợi ích trong ASEAN. Từ đó, các nước thành viên phải cùng nhau xây dựng tình đoàn kết và trên thực tế luôn cố gắng gắn kết với nhau. Tuy nhiên, theo ông Vinh, có một sự thật rằng, ASEAN thường được biết đến vì sự “không đoàn kết”.

Tôi cho rằng, ASEAN đoàn kết ở mức 95%, chỉ có 5% còn lại (không đoàn kết). Theo đó, 95% đoàn kết là cộng đồng kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu, phúc lợi người dân, bản sắc ASEAN,… Nhưng có những điều mà các nước ASEAN “cọ xát” lợi ích với nhau. Trong đó nổi bật lên vấn đề can thiệp nội bộ (cụ thể là vấn đề Myanmar) và Biển Đông", Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết.

Theo đó, thách thức lớn đe dọa đến sự đoàn kết của ASEAN liên quan đến vấn đề Myanmar, bắt đầu ở giai đoạn 2007-2008. Khi đó vấn đề không được bàn ở các chương trình họp chính thức mà bàn ở chương trình nghị sự hẹp của ASEAN. Câu chuyện trọng tâm là ASEAN có nên can thiệp hay không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này. 

Myanmar lúc bấy giờ nằm trong bối cảnh quốc tế phức tạp khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận về kinh tế và chính trị. Nếu ASEAN coi là can thiệp vào chuyện nội bộ của Myanmar (do chính quyền quân sự không dân chủ hóa, tự do hóa) thì vi phạm nguyên tắc của Hiệp hội. Nhưng nếu Myanmar không dựa vào ASEAN, thì sẽ không có cú đỡ làm giảm bớt sự cô lập, thậm chí mở ra hướng gỡ bỏ cấm vận. Chính tương tác lợi ích này, chuyện ASEAN có thể bàn bạc và ra những tuyên bố về Myanmar là có sự đồng thuận của bản thân các nước ASEAN.

Phương án cuối cùng của ASEAN là để Myanmar tự chống chọi với lệnh cấm vận từ Mỹ và phương Tây. “Có những lúc vấn đề Myanmar bàn đến khuya, nhưng không ra được tuyên bố. Nhưng sau cùng, ASEAN vẫn đạt được sự đồng thuận và tìm được giải pháp Myanmar”, ông Vinh nhớ lại.

Tiếp theo là vấn đề Biển Đông.

Bắt đầu từ thời điểm tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo dàn khoan Hải Dương-981 đi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền Việt Nam. Tháng 5/2014 cũng diễn ra cấp cao thứ nhất năm chủ tịch của Myanmar. Trước hội nghị cấp cao, ASEAN có họp cấp bộ trưởng ngoại giao và hội đồng điều phối, để duyệt lại tất cả các vấn đề nghị sự.

Với tư cách là trưởng SOM, tôi có báo cáo lên Bộ trưởng Phạm Bình Minh. Sự việc tàu phun nước, giàn khoan Hải Dương-981 và nhiều sự kiện liên quan có thể coi là sự vi phạm nghiêm trọng vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tình hình khá khẩn cấp. Tôi có đề nghị rằng, nếu Bộ trưởng Ngoại giao họp, dù chỉ bên lề chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao, cần đề cập câu chuyện bức xúc xảy ra trên Biển Đông lúc bấy giờ”.

Lúc đó chúng ta thử nghiệm điều chưa từng có trong ASEAN, tức là các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông, gồm 4 điểm. Sau đó Indonesia bổ sung thêm và các thành viên khác góp ý về câu chữ. Và bây giờ vẫn là tuyên bố 4 điểm về Biển Đông”, ông Vinh nói và khẳng định điểm nhấn quan trọng của Việt Nam trong tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ngoài ra, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, có một số điểm “cọ xát” tức thời khác trong ASEAN, nhưng không thành vấn đề kéo dài. Ví dụ như vấn đề tranh chấp đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia hay câu chuyện khói bụi giữa Indonesia, Malaysia và Singapore.

Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, sự khác biệt của ASEAN là điều bình thường, bởi vì 10 nước thành viên có cơ sở kinh tế, xã hội và chế độ chính trị khác nhau.

Nhưng cơ bản ASEAN đã giải quyết được 95%. Phần 5% còn lại nằm ở 2 yếu tố: một là những vấn đề địa chiến lược và hai là liên quan đến vấn đề cốt lõi nội bộ một nước hoặc liên quan nước lớn.

Cho nên, đừng vì cái bộc lộ mâu thuẫn đó mà không tham gia vào quá trình gắn kết ASEAN”, ông Vinh bình luận.

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 7
Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 8

(Tranh cổ động: Hà Thành)

Năm 2009 là thời điểm các nước Hiệp hội xây dựng các trụ cột và các kế hoạch tổng thể về kinh tế, chính trị, an ninh. Năm này, Thái Lan giữ cương vị nước chủ tịch ASEAN, theo cung cách mới của Hiến chương. Lúc này các nước thành viên bàn luận nhiều về các danh mục ưu tiên để triển khai cộng đồng chính trị-an ninh. Có một loạt vấn đề được nêu ra.

Việt Nam kiến nghị đưa câu chuyện triển khai Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) lên bàn nghị sự. Tuy nhiên, Thái Lan lúc đó nêu câu hỏi: Liệu ASEAN muốn đánh nhau với Trung Quốc sao? Từ đó cho thấy, chỉ mới nhắc đến DOC trong khuôn khổ ASEAN chung, đã xuất hiện các ý kiến khác nhau”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhớ lại.

Sau đó, Việt Nam đã giải thích cho các nước hiểu rằng, Biển Đông là vấn đề chung của ASEAN. An ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông gắn chặt với sự phát triển, hòa bình ở khu vực.

Hơn nữa, DOC là thành quả lớn của ASEAN và Trung Quốc để “quản trị rủi ro và xây dựng lòng tin”. Do đó việc thúc đẩy DOC là việc chung của các nước thành viên.

Và kể từ tháng 7/2009 – 7/2012, Việt Nam tham gia điều phối tích cực quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Tại các cuộc họp, khi đề cập đến Biển Đông, tất cả các trưởng SOM khác của ASEAN đều tin tưởng vào ý kiến từ Việt Nam.

Lúc này, Việt Nam không chỉ nêu ra lập trường của chúng ta, mà còn phải nói cái chung của khu vực và nói về cái đúng-sai của các nước đối tác; đồng thời nêu ra mong muốn của toàn khu vực”, ông Vinh phân tích. “Nếu kết nối các sự kiện từ 2009-2010, chúng ta thấy rằng, vấn đề Biển Đông dần nằm trong chương trình nghị sự của khu vực và trở thành mối quan tâm chung của ASEAN".

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 9

Mặc dù ý kiến các nước lúc đó còn khác nhau, song không quốc gia nào có thể nói đó là câu chuyện nước này chống nước kia được. Nếu không có những hành động mạnh mẽ trong giai đoạn 2009-2010 (của Việt Nam), tôi nghĩ rằng vấn đề Biển Đông sẽ gặp khó khăn rất nhiều”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.

Theo ông Vinh, Việt Nam đã thành công chia sẻ với các nước về vấn đề Biển Đông ở 3 khía cạnh. Thứ nhất là an ninh, an toàn tự do hàng hải vì hòa bình, ổn định. Thứ hai là thực tế có việc chồng lấn về đòi hỏi chủ quyền. Do đó các nước liên quan phải giải quyết với nhau, nhưng phải tuân theo quy tắc ứng xử trên biển, để không ảnh hưởng đến an ninh và tự do hàng hải.

Thứ ba, khi có các tranh chấp, để giảm thiểu rủi ro và căng thẳng, các bên cần đối thoại để giải quyết vấn đề và dần xây dựng lòng tin. Và đó chính là vai trò của kênh đối thoại ASEAN – Trung Quốc về DOC và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 10

Năm 2012, Campuchia là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Tháng 7/2012, Hội Nghị Bộ trưởng ASEAN diễn ra tại Phnom Penh. Theo đó, về cơ bản các vấn đề đều được hoàn tất, trừ câu chuyện Biển Đông.

Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng của khối kết thúc mà không đưa ra được một tuyên bố chung.

Bối cảnh quốc tế lúc đó có một số vấn đề nóng hổi đang xảy ra. Tháng 4/2012 xảy ra sự cố về bãi Scarborough, kéo dài hơn 2 tháng. Trước đó, giai đoạn 2010-2011 trên Biển Đông cũng xảy ra vụ cắt cáp Bình Minh 2 và Viking của Việt Nam. Ngoài ra, năm 2011, ASEAN thông qua bản hướng dẫn thực hiện DOC, sau 9 năm hoàn thiện văn bản. Theo kế hoạch vào tháng 7/2012, ASEAN và Trung Quốc có thể bàn bạc về COC, theo đó dự kiến tháng 9/2012 là sẽ có COC.

Tuy nhiên, những vấn đề phức tạp trên Biển Đông lúc bây giờ liên quan đến tranh chấp Scarborough là thách thức lớn cho ASEAN. Với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN năm 2012, Campuchia lúc đó cho rằng, Biển Đông là câu chuyện song phương của các nước liên quan với Trung Quốc, đồng thời không chấp nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến Scarborough.

Nhiều nước thành viên cố thuyết phục và cho rằng không nói được cách này thì bằng cách khác. Song nước chủ nhà Campuchia vẫn không đồng ý.

Đến buổi tối 12/7, các nước tìm các phương án khác nhau cho vấn đề, thậm chí lúc giải lao các bộ trưởng vẫn đứng tại chỗ để thảo luận. Việt Nam và các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore tích cực trao đổi để tìm ra giải pháp chung”, ông Vinh nhớ lại. “Indonesia sau đó thay mặt nhóm các nước đưa ra khá nhiều đề xuất khác nhau. Song Campuchia đều không đồng ý”.

Nếu không thống nhất thì khó có thể ra thông cáo chung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN trong 45 năm thành lập.

Sáng 13/7, các đoàn bắt đầu về nước. Phái đoàn Singapore đã ra sân bay. Tuy nhiên đại diện của Indonesia đề nghị với nước chủ nhà và các nước khác thực hiện cuộc tham vấn nhanh lúc 11 giờ. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã lên phòng làm việc ở Cung Hòa bình ở Phnom Penh.

Các bộ trưởng cố gắng gỡ vấn đề. Indonesia là nước tích cực thuyết phục, đồng thời gọi điện mời phái đoàn của Singapore từ sân bay trở lại bàn nghị sự. Và phương án cuối cùng không có Scarborough. Kết quả vẫn thất bại. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng quan trọng nhất trong năm không có tuyên bố chung.

Câu chuyện không chỉ là vấn đề Biển Đông hay tuyên bố chung, mà nó bộc lộ một ASEAN không chỉ mất đoàn kết và không thể dàn xếp được với nhau vì những khác biệt.

Nhiều chuyên gia sau đó nói rằng, họ không thể tưởng tượng được một ASEAN có lịch sử 45 năm phát triển, với nhiều vấn đề nan giải hơn, nhưng không tìm được “từ ngữ, công thức” để đồng thuận với các bên.

Đó là nỗi đau của ASEAN. Nhưng đó là bài học cho các nước khi nhận nhiệm vụ chủ tịch luân phiên”.

Năm 2015 ở Malaysia hay năm 2016 ở Lào cũng có những trục trặc tương tự, song các nước ASEAN cố gắng tham vấn hết sức, tìm các công thức khác nhau để đi đến thống nhất.

Việt Nam ‘đi học việc’ và những dấu ấn đặc biệt trong ASEAN - 11

Hiện nay, ASEAN bước sang giai đoạn mới trong bối cảnh quốc tế khác và cạnh tranh chiến lược cũng khác. Và thực tế rằng, các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ đang cần đến ASEAN.

ASEAN đã trải qua giai đoạn 53 năm hội nhập và xây dựng cộng đồng. Đây là thời cơ để nâng cấp ASEAN.

Tôi cho rằng, đầu tiên chúng ta cần nhìn lại quá trình 12 năm thực hiện Hiến chương ASEAN. Hai là, năm 2020 này chúng ta kiểm điểm lại các nội dung nêu trong Hiến chương. Đó cũng là lúc để xem xét việc ASEAN phải nâng cấp, thực hiện Hiến chương tốt hơn, tăng cường hiệu quả hơn, đồng thời khẳng định vai trò trung tâm ra sao.

Thứ 3, trong năm nay chúng ta có cơ hội không chỉ kiểm điểm giữa kỳ xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2015-2025, mà còn là lúc định hướng cho khối phát triển sau 2025”, ông Vinh nói.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, hiện nay bối cảnh quốc tế là toàn cầu hóa, hội nhập và đan xen lợi ích với nhau. Cạnh tranh Mỹ - Trung không như Chiến tranh Lạnh để triệt tiêu nhau, mà vẫn có những cánh cửa hợp tác. Tức là cạnh tranh để phân định lợi ích, phân ngôi thứ, nhưng vẫn đan xen lợi ích.

Ngoài ra, các nước khác sẽ không tham gia theo kiểu phân tuyến, theo hai hệ thống đối lập như Chiến tranh Lạnh. Các nước vẫn có không gian chơi với Mỹ và Trung Quốc.

Tôi cho rằng, khó có bất cứ tập hợp nào tồn tại chỉ để chống Trung Quốc một cách thuần túy. Họ phải dựa vào sự song trùng lợi ích, mà không dựa chủ yếu vào mục tiêu chống Trung Quốc”, ông Vinh nhận định. “Sẽ không thể có một NATO ở khu vực Đông Nam Á. Khu vực này sẽ không tạo ra một trật tự cứng, mà sẽ là trật tự dựa trên lợi ích, nguyên tắc chung”.

Theo đó, cần kết hợp cái nội khối ASEAN với cái cục diện bên ngoài đang thay đổi, lúc này phải có tầm nhìn dài hơn. Đó là tầm nhìn đưa ASEAN lên cao. Nhưng phải có chọn lọc.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN và nâng cấp, hội nhập kinh tế ASEAN. Tức là sau cơ bản hội nhập trên cơ sở giảm tối đa thuế quan, ASEAN nên hướng tới gắn kết của mình ở chuỗi cung ứng cao hơn, với các trung tâm kinh tế thế giới”.

ASEAN là một thị trường kinh tế 650 triệu dân, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. “Khi liên kết ASEAN từng bước nâng lên cấp cao hơn, và Việt Nam chúng ta sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Vinh nhận định.

Năm 2020, nước ta lần thứ 2 trở thành nước Chủ tịch ASEAN, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. VTC News xin gửi đến quý độc giả tuyến bài viết tìm hiểu về chặng đường này qua góc nhìn của các nhà ngoại giao cũng như điểm lại các dấu mốc lịch sử quan trọng.

Đọc lại kỳ trước: Việt Nam gia nhập ASEAN: Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Brunei

Bài tiếp theo: Xây dựng cộng đồng ASEAN: Biển Đông có là rào cản?

Minh Tuấn - Duy Thành(Đồ họa: Hà Thành)
Bình luận
vtcnews.vn