Viêng Chăn! Viêng Chăn!

Tổng hợpThứ Sáu, 03/12/2010 05:53:00 +07:00

Tình cờ gặp, anh Jonathan phóng viên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông thường trú ở Đông Dương, nói với tôi trên chuyến bay từ Hà Nội tới Viêng Chăn năm 2003...

HTML clipboard

Tình cờ gặp, anh Jonathan phóng viên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông thường trú ở Đông Dương, nói với tôi trên chuyến bay từ Hà Nội tới Viêng Chăn năm 2003, rằng người Lào gọi tên hai lần là biểu thị được họ quý yêu. Không biết anh có "lỡm" tôi không, nhưng đặt chân xuống sân bay, bị ám ảnh, tự dưng tôi hét to: "Viêng Chăn! Viêng Chăn!" để chứng tỏ mình yêu Thủ đô này. Đó là lần thứ nhất tôi đến Lào – Đất nước Triệu Voi. Lại đúng dịp có Lễ té nước Bunpimay.

 

Giữa tháng 12 năm ngoái 2009, tôi lại có dịp qua Viêng Chăn lần thứ hai, đúng thời gian Viêng Chăn đang diễn ra Đại hội thể thao Các quốc gia Đông Nam Á (SEAGAM 25). Tại cửa khẩu phi trường, cô gái tiếp viên hàng không Lào trong y phục dân tộc, mỉm cười cúi đầu thi lễ: "Sabadi! Sabadi!". Tôi nói với nhà báo Minh Thu cùng đi: "Cô gái nhắc lại hai lần Sabadi, là bày tỏ tình yêu với chúng mình đấy!" Chị lườm tôi và nguýt dài: "Xạo!"

Và, lần thứ ba này tôi tới Viêng Chăn, lại là qua màn ảnh Led trong khán phòng Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Đây là một phim tài liệu do Kênh Công nghệ HD3 sản xuất mừng tuần có Đại lễ Kỷ niệm 450 năm Thành phố Viêng Chăn, giống như hai tháng trước là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc và lịch sử hai nước Lào – Việt, mà từ lâu, hai đất nước đã là láng giềng anh em, tương đồng văn hóa. Vua Lý Thái Tổ 1.000 năm trước đã rời cố đô Hoa Lư về định đô ở Thăng Long mà nay là Thủ đô Hà Nội. Còn 450 năm trước Vua Sệtthathilạt nước Lang Xay, rời đô từ cố đô Luang Prabang về định đô ở Viêng Chăn xây dựng nhà nước Lào bây giờ. Tôi là một trong những khách mời tham dự xem trước khi phát sóng. Phim có tựa đề "Viêng Chăn! Viêng Chăn!"

Khi người dẫn chương trình xuất hiện trên màn hình Led, tươi cười chắp tay cúi đầu chào khán giả theo nghi thức của người Lào cùng câu nói "Sabadi! Sabadi!", thì tôi đã nghĩ tới Jonathan, tin anh, bẩy năm trước không phải anh đã "lỡm" tôi. Người Âu châu tới thường trú ở Á châu mà tinh sành thế! Tôi từng đọc bài phóng sự anh viết về "Gái bán hoa ở Hà Nội" khi tôi đang tu nghiệp ở Trung tâm đào tạo Deutsche Welle CHLB Đức, mà khâm phục anh hết cỡ, về kỹ năng thâm nhập thực tế kỹ lưỡng và tinh tường.

 

Lần đầu tôi đến Lào, là để dự lễ cưới một cô gái Hà Nội lấy một chàng trai Viêng Chăn. Cô tên là Thư, cử nhân Ngành ngoại thương, con gái gia đình thông gia với gia đình tôi. Chàng trai tên Tu, cử nhân Khoa Luật quốc tế Đại học Luật Hà Nội. Tôi chỉ nghỉ lại một đêm ở Viêng Chăn, hôm sau trên chiếc Jolie bảy chỗ dong duổi tiếp 600 cây số nữa tới Xavẳn Nakhệt "ăn cưới". Vì bố của chú rể đang tại chức Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh đó. Cầu kỳ quá, nhưng là cơ hội để tôi đến với Lào. Vả lại, lời mời thông gia của thông gia không thể khước từ.

Suốt những năm chiến tranh chỉ nghe nói, giờ mới được nhìn Xavẳn Nakhệt. Xavẳn Nakhệt có nghĩa là Thiên Đường của trời. Xavẳn Nakhệt là thành phố lớn nhất và quan trọng nhất của đất nước Lào ở khu vực Nam Lào. Nhưng lại là thành phố xinh tươi và sầm uất nằm bên bờ sông Mê Kông mênh mông nước xanh trong. Xavẳn Nakhệt là đầu cuối của Đường số 9 từ Đông Hà Việt Nam sang. Tôi quen gọi Xavẳn Nakhệt theo cách gọi của người Pháp thời Đông Dương là Xavanakhét. Đường số 9 có từ thời Pháp xâm lược, được xây dựng quy mô và là đường huyết mạch phục vụ cho thực dân Pháp đưa quân đội và thiết bị quân sự vào Lào từ cảng Cửa Việt của Việt Nam. Đến những năm chống Mỹ cứu nước, thì Đường 9 lại được đế quốc Mỹ sử dụng như một chiến lược nhằm cắt ngang Nam – Bắc Việt Nam, cả cắt ngang Đông Dương nữa. Cuộc hành quân có quy mô lớn của quân đội Mỹ và quân lực ngụy Sài Gòn gọi là "Cuộc hành quân Lam Sơn 719" hồi đầu năm 1971 nhằm cắt đứt tuyến chi viện Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, là mưu đồ cắt động mạch chủ của hệ thống mạch chi viện chiến lược phục vụ chiến trường miền Nam từ miền Bắc Việt Nam. Suốt chục năm trời mà "Lam Sơn 719" là đỉnh điểm, Mỹ - ngụy Sài Gòn đã thất bại ê chề dọc Đường 9 từ Khe Sanh của Cửa Việt đến Bản Đông của Lào. Ngoài Đường 9 còn có gần chục con đường to khác nữa cắt ngang biên giới Việt – Lào từ Bắc xuống Nam, cứ như đôi bạn thân cùng giang tay ra nắm chặt lấy nhau đòan kết và đoàn kết.

 

Tu và Thư quen nhau như thế nào thì chúng không kể. Chỉ biết khi Thư thông báo là sẽ lấy một chàng trai Lào thì cả nhà cùng cười phá lên không hiểu. Cho tới khi Thư dẫn Tu về nhà giới thiệu thì cả họ đồng thanh "được đấy!"

Tu là con trai đầu của ông Silửa. Ông có học vị Tiến sĩ triết học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ông chọn Việt Nam làm nơi gửi các con du học. Một con gái tên Toi học Đại học Y. Một con gái nữa tên Tinh học ở Học viện Hành chính quốc gia. Cùng Hà Nội.

Lễ cưới cho Tu và Thư được tổ chức tại khuôn viên khu nhà công sản dành cho Tỉnh trưởng Savẳn Nakhệt. Khách dự mừng đông ơi là đông. Các quan chức Chính phủ từ Viêng Chăn về. Vinh hạnh cho Tu và Thư, Thủ tướng Bunnhăng Vôlachít cùng phu nhân cũng về chúc phúc.

 

Ông Silửa giới thiệu tôi với Thủ tướng. Thủ tướng siết chặt tay tôi, nói:

- Tỉnh trưởng Silửa là biểu tượng của tình hữu nghị Lào – Việt. Có cô dâu Việt. Hôm nay lại có khách là nhà báo Việt.

- Thưa Thủ tướng! Tôi tới đây với tư cách thông gia của thông gia.

Tỉnh trưởng Silửa nói với tôi một câu thành ngữ bằng tiếng Việt làm tôi trố mắt về sự am tường Việt ngữ của ông:

- Thế mới có câu "Thông gia hai nhà như một!"- Rồi ông nói to lại bằng tiếng Lào, thấy mọi người cùng cười rộ lên và vỗ tay.

Thủ tướng Bunnhăng Vôlachít hỏi tiếp tôi:

- Nhà báo tới Lào mấy lần rồi? Và có quen ai trong giới báo chí ở Lào?

- Thưa Thủ tướng! Tôi tới Lào lần đầu. Và có quen biết hai nhà báo, nay là hai nhà văn Chănthi và Xuvănthon!

- Ra thế! Giá ở Viêng Chăn có dịp gặp lại nhau thì hay quá!

Tôi thưa:

- Tôi đã gặp họ trong buổi chiều tối lưu lại Viêng Chăn. Ấy là nhờ ông em trai ông Silửa – Cựu Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Myanmar. Và cũng được ông giới thiệu sơ bộ tình hình kinh tế chính trị của Lào.

Ông cựu Đại sứ nói với Thủ tướng:

- Đúng thế! Chănthi và Xuvănthon ở gần nhà tôi – Rồi ông ghé sát vào

micrô – Xin mời quý khách! Lăm vông đi!

Lăm vông là điệu múa có nguồn gốc Phật giáo Tiểu thừa của Lào.

Đã là người Lào ai cũng biết lăm vông. Người gái thì dùng bàn tay múa vẽ lên bông sen. Bàn tay uốn theo đường khuy áo qua ngực vú rồi uốn ngược lên trước mặt như phác hình một cánh sen. Rồi đến bàn tay còn lại cũng uốn lượn như thế để có một cánh sen đối xứng. Người trai thì dùng bàn tay uốn lượn để vẽ lá sen, không đưa cao mà uốn lượn ở tầm dưới ngực. Đó là cái cách trai gái biểu cảm sự hòa hợp giữa hoa và lá.

Thủ tướng và phu nhân lăm vông. Ông bà Tỉnh trưởng lăm vông. Đôi vợ chồng trẻ cũng lăm vông. Và khách khứa cũng thế.

Bà thông gia với gia đình tôi – mẹ đẻ của Thư – rất tươi trẻ, khách không ai nghĩ bà là mẹ đẻ của Thư nếu không được nghe giới thiệu. Khách trai đua nhau mời bà lăm vông, và bà lăm vông không còn biết trời đất. Có lẽ bà vui quá. Dọc lưng áo dài lụa Việt Nam bà mặc đẫm mồ hôi. Bà lăm vông không theo ước lệ của gái Lào vẽ cánh hoa sen, mà lại là hình … một cái quạt.

Bô pên nhăng! Bô pên nhăng! Nghĩa là "không sao" "không sao" cả!

Người Lào hiếu khách. Chân thành và đáng yêu. Tu dành thời gian đưa mẹ vợ và khách của bà dong duổi bằng xe hơi thăm thú nơi nơi.

 

Lào có hai ngành công nghiệp giàu tiềm năng: Thủy điện và khai thác mỏ, được dư luận trong vùng coi là "nguồn lực của ASEAN", và là "sự thịnh vượng hiện hữu" của đất nước này. Chỉ riêng một mỏ đồng ở Sêpon liên doanh với Australia mới đưa vào khai thác đã nộp thuế 50 triệu đôla Mỹ cho nửa năm đầu. Còn thủy điện, Chính phủ Lào đã đưa ra gần ba chục dự án phát triển cho tới năm 2020, mà ngay bây giờ đã có dự án lên đến hàng ngàn mê-ga-oát.

Còn rừng! Rừng là da thịt của Lào. Không thể nói người Lào sống được mà không có rừng. Tu đưa đoàn khách "nhà vợ" tham quan nhà máy thủy điện và dọc Đường 13 tham quan rừng. Toàn rừng là rừng. Rất vắng bóng người. Và chúng tôi trở nên bé nhỏ giữa những cánh rừng. Rừng che phủ tới 70% diện tích đất Lào.

 

Các ngành kinh tế cơ bản, hoặc có tính mũi nhọn của Lào đều dựa vào rừng. Tu giới thiệu với tôi về phong trào trồng cây cao su lấy nhựa, và trồng một loại thầu dầu để chế xăng sinh học. Tôi bỗng bật cười và kể cho mọi người nghe chuyện về trồng loại cây jatropha này ở Malaysia trên dọc đường từ Malasca về Thủ đô Kuala Lumpur. Leejhuan - hướng dẫn viên du lịch nói rằng: jatropha để chế xăng. Xăng jatropha sau khi cháy ở động cơ đốt trong sẽ tỏa ra mùi thơm như nước hoa, giá thành rất hạ, không ô nhiễm môi trường. Hiềm là, loài chuột lại sinh sản rất nhanh ở cánh đồng trồng jatropha. Bẫy thuốc không xuể. Người ta đã có sáng kiến nuôi rắn xen canh để rắn bắt chuột.. Nói đến đây, Leejhuan ngừng một lúc, rồi anh gieo một câu hỏi xanh rờn cho khách du lịch: Rắn tiêu diệt chuột. Nhưng với con người thì rắn nghĩ sao? Mọi người cười vật vã tỉnh khô cơn ngủ vặt.

Bút ký của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn