Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh Điện Biên bị kiện

Pháp luậtThứ Tư, 15/12/2010 08:59:00 +07:00

Người đâm đơn cho rằng ông Vi Văn Hùng, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh Điện Biên đã vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm đến danh dự của mình.

Cho rằng ông Vi Văn Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đã vu khống, bịa đặt nhằm xúc phạm đến danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như của vợ nên ông Trần Quốc Trải ở đội 24, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã kiện ông Hùng ra tòa.

Bị cáo Trần Thị Nguyệt tại phiên xét xử sơ thẩm 
Trong đơn khởi kiện, ông Trải yêu cầu TAND TP Điện Biên Phủ sớm đưa vụ án ra xét xử để buộc ông Vi Văn Hùng, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh Điện Biên phải xin lỗi công khai cũng như phải bồi thường danh dự, uy tín cho mình và vợ.

Đây là lần đầu tiên ở tỉnh Điện Biên, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh bị kiện ra tòa.

Vụ việc này có liên quan đến “kỳ án” cướp tài sản ở Điện Biên. Ông Trần Quốc Trải - người khởi kiện ông Viện trưởng Vi Văn Hùng là chồng của bị cáo Trần Thị Nguyệt trong vụ “kỳ án” này.

Trong đơn khởi kiện của ông Trần Quốc Trải nêu hành vi vu khống, bịa đặt được thể hiện rõ trong văn bản số 58/VKSĐB đề ngày 8/12/2010 mà ông Viện trưởng Vi Văn Hùng đã trình đọc, báo cáo trước kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XII vừa qua.

“Trong văn bản báo cáo, ông Hùng đã thừa biết là vợ tôi chưa bị coi là có tội nhưng ông lại nói vợ tôi là 'phạm tội cướp tài sản công dân' là hoàn toàn không hiểu biết pháp luật và cố ý vu khống, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của vợ tôi,” ông Trải bức xúc nói.

Trong báo cáo của ông Viện trưởng Vi Văn Hùng có đoạn “Về việc Ly, Chía thay đổi lời khai cơ quan điều tra đã thu thập được tài liệu chứng minh Trần Quốc Trải là chồng của Nguyệt đã mua chuộc Ly, Chía và một số người khác khai sai sự thật và hướng dẫn cho Trần Thị Nguyệt lời khai sai sự thật để trốn tội.”

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Trải khẳng định: “Bản thân tôi chưa bao giờ được cơ quan tiến hành tố tụng huyện Điện Biên mời lên để lấy lời khai và lấy lý do đâu mà ông Viện trưởng Vi Văn Hùng khẳng định tôi mua chuộc Ly, Chía? Bên cạnh đó, trong suốt quá trình vợ tôi bị tạm giam, tôi không hề được gặp vợ thì làm sao tôi hướng dẫn vợ tôi khai sai sự thật để trốn tội?”

Ngoài những nội dung khiếu kiện ở trên, ông Trần Quốc Trải còn cho rằng trong văn bản số 58/VKSĐB do ông Viện trưởng Vi Văn Hùng trình trước Hội đồng còn nói sai, báo cáo không đúng sự thật rằng “vụ án đã được viện kiểm sát truy tố và TAND huyện Điện Biên đưa ra xét xử nhưng các phiên tòa đều phải hoãn vì luật sư xin hoãn do có công việc không tham gia được.”

Ông Vi Văn Hùng là anh trai của ông Vi Hoàng Hải, Viện trưởng VKS nhân dân huyện Điện Biên - cơ quan tham gia tố tụng trong vụ án Trần Thị Nguyệt cướp tài sản.

Dư luận ở tỉnh Điện Biên cho rằng trong “kỳ án” này, các cơ quan hành pháp ở huyện Điện Biên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng. Và cũng chính vì vậy, theo ông Trải, việc ông Viện trưởng Vi Văn Hùng trình báo với Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên sai sự thật, vu khống, bịa đặt là “đặc biệt có vấn đề và có nguyên nhân”.

Cũng liên quan đến “kỳ án” này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Điện Biên có văn bản số 72/BC-BPC ra ngày 6/12/2010, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo nội dung và việc giải quyết vụ án. Và cũng tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khoá XII (diễn ra từ ngày 7-10/12) nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung vụ việc với nhiều câu hỏi gửi lãnh đạo ngành kiểm sát tỉnh đề nghị làm rõ một số nội dung mà báo chí, dư luận phản ánh.

Ngày 8/12/2010, VKS nhân dân tỉnh Điện Biên có Văn bản số 58/VKSĐB, khẳng định, cơ quan điều tra Công an huyện Điện Biên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh khám xét và bắt tạm giam Trần Thị Nguyệt về tội Cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự đúng pháp luật, dựa trên nhân chứng, vật chứng rõ ràng; Không có việc hình sự hoá quan hệ dân sự như một số thông tin đưa ra.

Mặt khác, việc thư ký, chủ toạ phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án Trần Thị Nguyệt từ ngày 9-10/11/2010, không thông báo đầy đủ các kiểm sát viên duy trì công tố tại phiên toà, đấy là thiếu sót, chứ không phải vi phạm thủ tục tố tụng. Vì Viện trưởng VKS nhân dân huyện đã có quyết định phân công hai kiểm sát viên duy trì công tố tại phiên toà này là đúng pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng văn bản trả lời trên còn chung chung, chưa phản ánh được rất nhiều nội dung báo chí nêu xung quanh diễn biến 3 phiên toà sơ thẩm. Ví như thông tin bị hại tố cáo điều tra viên ngay tại tòa về một loạt tình tiết liên quan, đúng hay không? Nếu đúng thì cơ quan chủ quản đã làm gì để xác minh thông tin? Kết luận xử lý thế nào? Bên cạnh đó, là các tình tiết: Vì sao Ly A Ly lại được chuyển thành “người bị hại” tại phiên toà sơ thẩm ngày 9 - 10/11/2010, trong khi Quyết định 208/2010/QĐ-HSST ngày 16/9/2010 và Quyết định hoãn phiên toà số 09 ngày 29/9/2010 của TAND huyện Điện Biên, đều xác định Ly A Ly là “nhân chứng” của vụ án?

Cơ quan điều tra không thu giữ, không tổ chức giám định chiếc mũ bảo hiểm của Ly A Ly - vật chứng duy nhất của vụ án, điều này được giải thích thế nào... là những vấn đề được nhiều đại biểu vô cùng quan tâm, song Văn bản số 58/VKSĐB của VKS nhân dân tỉnh không đề cập.

Thay vì trả lời làm rõ các vấn đề trên, ông Vi Văn Hùng, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị đại biểu HĐND tỉnh và những người quan tâm đến vụ án, tiếp tục theo dõi diễn biến vụ án và phiên toà sơ thẩm do TAND huyện Điện Biên tổ chức vào ngày 23/12/2010.

 Phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Thị Nguyệt ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cướp tài sản diễn ra từ 9 – 12/11. Điều đặc biệt trong “kỳ án” này, cả bị cáo và bị hại đều nhất mực kêu oan, trong đó, đáng chú ý là việc bị hại nhất quyết không chịu nhận mình là bị hại mà còn đứng ra bảo vệ, kêu oan cho bị cáo.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Nguyệt của Tòa án Nhân dân huyện Điện Biên đã phải tạm hoãn do tình hình sức khỏe của bị cáo không đảm bảo. Đây là lần thứ 3, phải hoãn phiên tòa, trong đó, hai lần trước vắng mặt nhân chứng.

Thực tế qua mấy phiên xử, các bị cáo cũng như người làm chứng liên tục phủ định các lời khai, phủ định chính các bút lục của mình. Thậm chí tại phiên sơ thẩm ngày 9/11, Ly cho rằng lời khai trước đó là do các điều tra viên hướng dẫn viết; rằng nay xin khai lại trước tòa và đó mới là lời khai đúng với bản chất sự vật. Luật sư Nguyễn Hồng Bách (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng kiểm sát viên Phạm Thu Hằng đưa ra 3 biên bản ghi lời khai của Ly A Chía để chứng minh Chía là bị hại, nhưng cả 3 biên bản này đều vi phạm Bộ Luật TTHS, vì thế chúng không có giá trị pháp lý. Đặc biệt, biên bản lấy lời khai ngày 25/3/2010, Ly A Ly lại là người phiên dịch cho Ly A Chía và như thế là vi phạm Điều 61 và 125 Bộ luật TTHS, sai so với quy định tại Điều 4 của Thông tư Liên tịch số 01, giữa Bộ Công an - TAND Tối cao - Viện KSND Tối cao. Phải chăng cơ quan điều tra không hiểu một điều đơn giản trong nguyên tắc tố tụng: Người phiên dịch không thể đồng thời là bị hại trong vụ án, cũng không thể là người thân của bị hại?

Có những điều tra viên mặc dù không được giao nhiệm vụ, nhưng không hiểu sao vẫn tham gia lấy lời khai của Ly A Chía. Một chi tiết cũng khá “khôi hài” nữa giữa chốn pháp đình, là cả bị cáo và bị hại đều nhất mực... kêu oan.

Riêng bị hại tỏ ra bức xúc không chịu nhận mình là bị hại, đã thế còn khăng khăng kêu oan cho bị cáo. Ngay cả khi Ly A Ly và Ly A Chía chủ động gặp anh Trần Quốc Trải (đại diện cho gia đình bị cáo Nguyệt), để thực hiện hòa giải trước sự chứng kiến của người khác, nhưng bị cán bộ cơ quan điều tra huyện Điện Biên ngăn cản và đe dọa không cho hoà giải.


P.V (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn