Viện quá tải: Trộm nằm cạnh, ôm, móc hơn 10 triệu đồng

Sức khỏeThứ Bảy, 19/01/2013 08:31:00 +07:00

(VTC News) – Bệnh viện quá tải, không có chỗ ngủ đêm cho người nhà bệnh nhân. Đêm đến, họ nằm chen chúc ở hành lang. Kẻ trộm đến xin ngủ cùng, ôm và móc tiền.

(VTC News) – Bệnh viện quá tải, không có chỗ ngủ đêm cho người nhà bệnh nhân. Đêm đến, họ nằm chen chúc ở hành lang. Kẻ trộm đến xin ngủ cùng, ôm và móc tiền.

Mất tiền, mất giầy là chuyện thường

Bà N.T.V ở Hưng Yên lên Hà Nội chăm con đang mang bầu phải nằm trong bệnh viện phụ sản TW để giữ thai chờ ngày đẻ. Trời lạnh, người nhà bệnh nhân không có chỗ lưu trú qua đêm nên cứ tối đến lại trải chiếu nằm ở hành lang bệnh viện.

Người nhà nằm ngủ, trộm dễ dàng vào ngủ cùng và móc túi.
Cùng cảnh đi trông người nhà nằm viện, nên họ cũng gắn bó, giúp đỡ nhau. Vì vậy, cùng một chiếu, cùng một  chăn khi có người đến ngủ nhờ bà V. cũng cho ngủ chung vừa ấm vừa tình cảm. Đêm ấy có một bà xin vào ngủ cùng. Vì cùng giới, nên người đó quàng tay ôm bà V. cho đỡ lạnh. Ai ngờ, sáng dậy, hơn 10 triệu đồng bà cất trong túi đã không cánh mà bay. Bà V. chả biết trách ai, chỉ trách mình không cẩn trọng. Khi vào viện, bà đã được nhắc nhở phải giữ gìn tiền, đồ đạc cẩn thận nhưng bà V. cũng không ngờ.

Không chỉ bà V. ông Tr. H. D. tối 16/1 ngủ ở hành lang tầng 5, nhà G của bệnh viện phụ sản TW, sáng ra mới biết bị mất giầy, kẻ gian để lại 2 đôi giầy vải rách.
Một bác sĩ cho biết: Đi viện, chuyện mất đồ xảy ra khá nhiều nếu người nhà của bệnh nhân không cảnh giác và giữ tiền, đồ đạc cẩn thận. Ở viện, chúng tôi cũng đã dán hình của những kẻ hay trà trộn vờ làm người nhà bệnh nhân để trộm cắp.

Khi thực hiện bài viết này, chính phóng viên cũng chui vào chăn cùng người nhà bệnh nhân ở viện này. Buổi trưa, nhưng trời rất lạnh, tất cả chùm chăn bông nằm, ngồi co ro ở dưới mái hiên tầng 1, nhà G.  
 

Xếp hàng tại viện Phụ sản TW 
Anh Lê  Quang Huy (Đông Anh, Hà Nội) đi chăm vợ có thai đã 36 tuần. Anh vừa kể về nỗi vất vả của người bệnh vừa hài hước: “Tối đến, đàn ông, đàn bà nằm chung chiếu la liệt ở hành lang”. Bà Nguyễn Thị Vịnh (Hải Dương) trông con bị rau tiền đạo, đã ở viện hơn tuần nay. Bà cho biết: Ở đây, mỗi giường có thể 1 bà bầu, nhưng  nhiều khi là 2.


Hiện nay, tình trạng bệnh nhân đông, người nhà đi theo chăm sóc có khi đến 2 người khiến bệnh viện quá tải. Không có chỗ nghỉ, họ phải nằm vạ vật ngoài hành lang, trên ghế.

Tại viện Nhi TW, mỗi cháu nhỏ đi cấp cứu thường có bố, mẹ và bà đi theo. Chị Liên ở Lào Cai đang tranh thủ nằm nghỉ trưa sau những giờ trông con mệt mỏi. Con chị bị sốt cao rồi co giật nên gia đình đưa xuống viện Nhi TW cấp cứu. Khuôn mặt chị không giấu nổi mệt mỏi, đang cố chợp mắt chút. Phía trong phòng bệnh đã có bà ngoại lo. Còn chồng chị loay hoay giữ đồ, mỗi khi vợ cần gì thì chạy đôn chạy đáo đi mua, đi đóng tiền.
Còn bà Y. (Thái Nguyên) theo cháu đi cấp cứu ở viện này. Bà vừa ôm chăn, chiếu vừa bảo: Tôi lang thang suốt từ sáng đến giờ. Mẹ cháu đang đợi kết quả xét nghiệm không biết thế nào. Thuê ở trọ thì tôi không có tiền.

 

Đêm ấy có một bà xin vào ngủ cùng. Vì cùng giới, nên người đó quàng tay ôm cho đỡ lạnh. Ai ngờ, sáng dậy, hơn 10 triệu đồng tôi cất trong túi đã không cánh mà bay.

Bà N.T.V (Hưng Yên)
 
Tại viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, người nhà bệnh nhân cũng nằm la liệt vào buổi trưa, buổi tối ngoài sân. Viện cũng có phòng cho người nhà bệnh nhân tá túc với giá rất rẻ chỉ 20 ngàn đồng/ngày/người nhưng đa số người nhà bệnh nhân không dám thuê.


Anh Huy (Nam Định) đi trông bố bị tai biến tại đây vừa nằm co ro trong chăn trên chiếc giường gấp tại sân của viện này nói: Trông  bố tôi ốm hàng tháng trời.  Tiền đi lại, ăn uống đã rất tốn kém rồi. Dù tiền thuê mỗi ngày chỉ 20 ngàn đồng nhưng ở viện lâu như vậy thì tiền thuê cũng thành nhiều. Tiền đâu ra.  Tôi thấy rất mệt mỏi. Nhưng ở đây, bệnh viện vẫn tốt, cho chúng tôi ngả giường ra nằm nên có chỗ nghỉ ngơi, chứ nếu không cho kê giường chắc chúng tôi còn khổ nữa.

Còn chị Lương (Vĩnh Phúc) đi chăm mẹ bị tai biến cũng tranh thủ kê giường ra ngủ trưa ở khuôn viên viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Chị bảo: Buổi trưa, buổi tối chúng tôi đều nằm ở ngoài trời hết. Dù biết là sương, là lạnh nhưng phải làm sao bây giờ. Tôi ở đây đã 20 ngày rồi.  Gia đình nghèo, không có tiền, chúng tôi là nông dân nên làm gì có đồng ra đồng vào. Hai chị em tôi phải thay nhau trông mẹ. Một người đêm ở trong phòng với mẹ, một người phải nằm ngoài trời thôi.


Ngoài ra, người nhà bệnh nhân ở những viện như Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K, cơ  sở 2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội)… cũng phải  vật vờ không kém.

Bà bầu trải chiếu nằm đất


Bà bầu nằm đất.
Theo bà N.T. Xuyến, đi chăm con ở viện Phụ sản TW thì: Bác sĩ tại đây rất tốt, rất nhiệt tình và nhẹ nhàng, thường xuyên đến tận phòng thăm hỏi bệnh nhân. Thậm chí, có đưa phong bì, bác sĩ, y tá đều bảo: “Chúng tôi không thiếu tiền, chị không phải đưa phong bì. Đây là trách nhiệm của chúng tôi, chị yên tâm, cháu sẽ được chăm sóc tốt”.


Bà còn cho biết: Con bà nằm viện, đồ ăn đã được đưa đến tận cửa phòng nên bệnh nhân không phải ra ngoài. Trong phòng có vệ sinh khép kín. Thậm chí, trẻ sinh ra có sẵn quần áo. Nói  chung, bác sĩ chăm sóc tốt. Tuy nhiên, vì chúng tôi luôn lo lắng cho con nên cứ chầu chực ở ngoài.

Bà Vịnh tâm sự: Con tôi ở đây chờ sinh và vừa đẻ bé 3,4 kg. Tôi mừng lắm. Các bác sĩ  ở đây trình độ cao, tôi không lo lắng điều gì cả. Nhưng cháu vừa đẻ, vết mổ đau, không chăm con được nên tôi phải ở  cạnh đỡ. Bác sĩ bận làm sao tôi dám nhờ những việc nhỏ như vậy.

Ở viện nhi TW, chính phóng viên đã chứng kiến sự tận tâm của các bác sĩ phòng cấp cứu mỗi khi có cháu nhỏ vào cấp cứu. Như trường hợp cháu L.T.G (10 tháng tuổi) vừa bị bố đẻ bóp cổ khiến tim ngừng đập, tay chân lạnh.

Hay ở Khoa tim mạch- lồng ngực; khoa Phẫu thuật Nhi, bệnh viện Việt Đức. Tôi đã chứng kiến nỗi trăn trở, sự tỉ mẩn trong từng ca phẫu thuật mới thấu hiểu tấm lòng, trách nhiệm của nhiều bác sĩ với lời thề Hypocrat.
Tuy nhiên, do điệu kiện xã hội, do nhận thức của người dân, do trình độ quản lý… mà tình trạng quá tải vẫn diễn ra.

Tại viện phụ sản TW, phòng nội trú của bệnh nhân luôn trong tình trạng đông đúc. Thậm chí, có phòng, bệnh nhân thấy chật chội nên tự trải chiếu xuống đất nằm trong khi đó, nhiệt độ ngoài trời chỉ trên 10 độ C.Ở viện Nhi TW, phòng cấp cứu được ưu tiên, còn lại nhiều phòng có 2,3 trẻ/giường là chuyện thường tình.  Anh Hùng (Thái Bình) có con nằm phòng hồi sức tích cực kể: “Con tôi vừa bị viêm phổi vừa bị bệnh tim bẩm sinh. Tôi vào đây được hơn 1 tháng rồi. Trước đó, cháu có nằm bên khoa ngoại thì phải đến 3 cháu 1 giường. Mẹ cháu ở trong trông, còn tôi cứ lang thang ngoài này suốt”.

Còn chị Hương (Thanh Hóa)  trông chồng bị u lưỡi nằm ở viện K, cơ sở 1 vừa tranh thủ ăn cơm vừa kể: Chồng tôi vừa phẫu thuật nên được nằm riêng 1 giường, chứ với bệnh nhân khác thì phải 2 người/giường. Tôi không có chỗ nào nằm nên cứ ngồi vạ vật, mệt mỏi lắm nhưng biết làm thế nào được.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm


Bình luận
vtcnews.vn