Viện phí bệnh viện thuộc TP Hà Nội chính thức tăng giá

Sức khỏeThứ Tư, 09/07/2014 04:12:00 +07:00

(VTC News) - HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

(VTC News) - HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Thành phố.

Chiều 9/7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP đã thảo luận và thông qua Nghị quyết “Về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội”.
Theo tờ trình liên quan đến vấn đề này được đưa ra tại cuộc họp, ngày 17/7/2013, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 13/2013/NĐ-HĐND (Nghị quyết 13) ban hành Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội. 
Nghị quyết số 13 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Các cơ sở khám chữa bệnh cũng có điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung vật tư, trang thiết bị phục vụ người bệnh. Nghị quyết 13 còn tạo không khí phấn khởi trong cán bộ y tế, khiến tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh được nâng lên. 

UBND TP khẳng định, Nghị quyết 13 đã nhận được sự ủng hộ của người dân và các cấp chính quyền, tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm y tế. Số lượt khám chữa bệnh BHYT cũng tăng từ 4,9 triệu lượt năm 2012 lên 5,1 triệu lượt năm 2013.
Tuy nhiên, sau 10 tháng thực hiện Nghị quyết 13, UBND nhận thấy có một số khó khăn phát sinh. 
Thứ nhất, còn 1.348 dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn giữ nguyên giá theo quy định của UBND từ năm 2009. Trong khi đó, sau 8 năm (từ 2006 – 2014), giá cả thị trường đã có nhiều biến động, tác động đến chi phí đầu vào của giá dịch vụ (thuốc, vật tư tiêu hao, điện, nước… đều tăng). 
Mặt khác, hiện nay nhiều bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành trên địa bàn thành phố áp dụng mức giá tối đa (100% mức giá trần) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006.
Như vậy, trên một địa bàn, cùng một kỹ thuật nhưng có 2 mức giá khác nhau. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người có thẻ BHYT. Người có thẻ BHYT đã không lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội do không được BHYT thanh toán như ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành.
Thứ hai, hiện có 135 dịch vụ kỹ thuật có tên trong Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1/2/2014 đã được các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội thực hiện nhưng chưa có giá trong Nghị quyết 13. Vì vậy, bảo hiểm xã hội Thành phố chưa có cơ sở để thanh quyết toán.
Thứ ba, một số bệnh viện hạng II của thành phố có chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao nhưng không được áp dụng mức giá dịch vụ của bệnh viện hạng I, trong khi chi phí đầu vào như nhau dẫn tới thu không bù chi.
Với những lý do trên, UBND TP cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bênh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội là cần thiết.
Cụ thể, UBND đề xuất tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện hạng I từ 80% lên 100%, bệnh viện hạng II từ 75% lên 95%, bệnh viện hạng III, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%, trạm y tế từ 65% lên 85%.
Tờ trình của UBND TP cũng ghi rõ: “Đối với các bệnh viện tuyến dưới nếu đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên thì được áp dụng mức giá tương đương với mức giá đang áp dụng đối với dịch vụ kỹ thuật cùng loại của các bệnh viện tuyến trên.”
Trong phần thảo luận dự thảo Nghị quyết nói trên, nhiều đại biểu đã lo ngại Nghị quyết này “vênh” so với Luật giá và Luật khám chữa bệnh. Một số đại biểu cho rằng việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh là một vấn đề nhạy cảm, đề nghị HĐND xem xét cẩn trọng.
Cũng chính vì lý do trên, phải mất khá nhiều thời gian thảo luận và cũng cần tới 2 lần biểu quyết HĐND mới có thể thông qua được Nghị quyết “Về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội”.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn