Việc nhẹ lương cao: Cạm bẫy của nạn buôn bán người

Bản tin 113Thứ Bảy, 27/08/2022 19:15:00 +07:00
(VTC News) -

Phía sau những lời mời gọi hấp dẫn lại là những cái bẫy được giăng sẵn với nạn bóc lột, cưỡng ép lao động, nếu muốn được trả tự do phải nộp tiền chuộc.

Với chiêu thức dụ dỗ “làm việc nhàn nhã lại có thu nhập cao”, thời gian gần đây, nhiều người đã bỏ lại gia đình, mẹ già, vợ trẻ, con thơ nghe theo lời người xấu xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để làm việc bất hợp pháp.

Thế nhưng, đằng sau những lời mời gọi hấp dẫn lại là những cái bẫy được giăng sẵn với nạn bóc lột, cưỡng ép lao động, bị đối xử tàn tệ, nếu muốn được trả tự do phải nộp một khoản tiền chuộc rất lớn. Đặc biệt hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm về mua bán người, tổ chức môi giới cho người xuất nhập cảnh trái phép…

Gần đây nhất, tại chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 40 người, gồm 35 nam và 5 nữ đã trốn từ Casino Rich World, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Ghi để về Việt Nam.

Việc nhẹ lương cao: Cạm bẫy của nạn buôn bán người - 1

Theo lời kể của các nạn nhân, phần lớn họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam, sau khi sang Campuchia họ làm việc tại Casino Rich World; một số khác trước đó đã làm việc tại các casino ở phía Campuchia do người Trung Quốc quản lý ở đối diện các tỉnh Tây Ninh, Long An.

Hàng ngày, những người này làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino người Trung Quốc. Do phải làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi) và không được trả lương, nên nhóm người này đã thống nhất và bàn bạc với nhau để tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Trả lời báo chí, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, liên quan vụ 40 người Việt tháo chạy từ casino ở Campuchia về Việt Nam, Công an tỉnh An Giang xác định được 4 đường dây mua bán người. Cũng theo Giám đốc Công an tỉnh An Giang, khi bị bán vào casino ở Campuchia để làm các công việc bất hợp pháp, nhiều công dân không đồng ý làm hoặc không làm đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập, uy hiếp. Đặc biệt, có trường hợp bị bán từ casino này qua casino khác.

Cũng liên quan đến câu chuyện này, bà Đặng Thị Hạnh, Quản lý Chương trình Hợp tác Asean – Australia Phòng, chống mua bán người tại Việt Nam chia sẻ: 40 người chạy trốn khỏi những cạm bẫy bóc lột lừa gạt để trốn về Việt Nam là những số phận may mắn. Có lẽ sẽ còn nhiều hơn thế những thân phận người Việt đang mắc kẹt đâu đó trong các sòng bài, các công ty tại Campuchia. Và rất có thể giờ đây họ còn bị canh gác rất cẩn thận và khó có thể trốn thoát, thậm chí họ còn có nguy cơ bị bán cho các cơ sở kinh doanh online trá hình. 

Thực tế vụ việc 40 người lao động Việt Nam phải nhảy sông để trốn khỏi sòng bạc tại Campuchia trong tuần qua không phải là lời cảnh báo đầu tiên về tình trạng buôn người xuyên biên giới. Vậy vì sao nhiều người dân vẫn dễ bị dụ dỗ bởi viễn cảnh "việc nhẹ, lương cao”, thậm chí hiện tượng này còn đang có xu hướng lan rộng ở khắp các địa phương trong cả nước?

Trả lời câu hỏi này, bà Đặng Hạnh cho biết, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến, đó là do cuộc sống quá khó khăn, người dân thiếu hoặc không có cơ hội tiếp cận việc làm ổn định tại địa phương.

Đặc biệt đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất thu nhập và mất việc làm khiến người dân phải tìm kiếm việc làm tại các quốc gia khác. Ngoài ra, sự bùng nổ của internet và sử dụng internet thiếu định hướng an toàn, kỹ năng phân tích thông tin cũng là một nguyên nhân dẫn đến nhiều nạn nhân, đặc biệt là thanh thiếu niên rất dễ tiếp cận các quảng cáo gian dối và rơi vào bẫy của đối tượng mua bán người.

“Với các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, giao nhận người, thủ đoạn như rủ rê, dụ dỗ, lừa gạt và với mục đích cưỡng bức và bóc lột lao động, đặc biệt là việc con người bị coi như hàng hóa, bị mua đi bán lại giữa các cơ sở, công ty, thì có thể nói những trường hợp như vậy, theo quan điểm quốc tế là mua bán người vì mục đích cưỡng bức và bóc lột lao động”, bà Đặng Hạnh nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của bà Hạnh, với xu hướng đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia làm việc, đa số các đối tượng lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, đăng các thông tin quảng cáo về việc nhẹ lương cao qua các nhóm kín và nhóm công khai để tiếp cận, lôi kéo nạn nhân. Tuy nhiên khi đến nơi, khác với những lời chào mời ban đầu, những người này sẽ phải làm việc nhiều giờ, không được trả lương hoặc trả rất ít lương, thậm chí còn ép nạn nhân vào các khoản nợ với lý do là kinh phí ăn ở và bố trí đưa nạn nhân sang Campuchia.

Có những trường hợp nạn nhân bị ép thực hiện các hành vi lừa đảo trên mạng, vận hành các hoạt động đánh bạc trực tuyến với khối lượng “chỉ tiêu” rất cao lên đến hàng trăm triệu đồng/ngày/tuần. Trong trường hợp nạn nhân không đạt yêu cầu có thể bị đánh đập hoặc bị bán cho đối tượng khác. Đa số các nạn nhân bị giam lỏng, bị đe dọa, đánh đập, bị chích điện và nếu muốn trở về gia đình sẽ phải trả một khoản tiền chuộc rất lớn.

Kể từ năm 2011, Việt Nam đã có Luật phòng chống mua bán người để xử lý loại tội phạm nguy hiểm và phi nhân tính này. Cơ quan chức năng cũng nỗ lực trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc mua bán người. Tuy nhiên, việc đi lại giữa các quốc gia, các châu lục ngày càng mở rộng như hiện nay một mặt tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động giao thương, du lịch ngày càng thuận lợi, nhưng mặt khác nó cũng khiến cho hoạt động mua bán người ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp, khó đối phó.

Công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài ra bà Hạnh còn cho rằng, thủ đoạn phạm tội thường xuyên thay đổi, sử dụng nhiều các nền tảng trực tuyến nên cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy tìm và xử lý.

“Nhiều vụ việc mua bán người xảy ra rất lâu, hoặc gây ra hậu quả mới bị phát hiện. Việc bóc lột cưỡng bức xảy ra ở nước ngoài sẽ khó cho việc thu thập chứng cứ, nên chúng ta chỉ có cách thực hiện thông qua hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp”, bà Hạnh chia sẻ.

Khách quan mà nói, nạn mua bán người là thách thức với bất kỳ quốc gia nào.  “Mua bán người là một vấn đề xảy ra ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế và cần những cách tiếp cận toàn diện, tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ giải quyết”. Trong bối cảnh đó, theo bà Hạnh, để phòng chống nạn mua bán người hiệu quả, chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh có đường biên giới giáp với các nước bạn, cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép, lừa bán vào các tụ điểm đánh bạc.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh lao động trái phép. Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán người; tập trung vào những địa bàn trọng điểm, các khu vực cửa khẩu, nhất là đường mòn, lối mở, đường tắt qua lại biên giới.

Tăng cường quan hệ, hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và tổ chức tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Việc nhẹ lương cao: Cạm bẫy của nạn buôn bán người - 2

Sản phẩm truyền thông hỗ trợ công tác phòng, chống mua bán người của Tổng đài điện thoại quốc gia 111.

Về phía người dân, theo bà Hạnh cần phải hết sức cảnh giác, kiểm chứng các thông tin trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài tại các cơ sở, tổ chức có uy tín tại địa phương như trung tâm giới thiệu việc làm, Hội Phụ nữ, đoàn thanh niên… hoặc liên hệ với các cơ quan, tổ chức được Nhà nước cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình. Khi được Nhà nước cấp phép đi xuất khẩu lao động thì sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu có hành vi ngược đãi hoặc tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân cần liên hệ cơ quan công an để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để điều tra, hỗ trợ nạn nhân.

Đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép để có biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Chương trình Hợp tác ASEAN-Australia là một chương trình cấp khu vực kéo dài 10 năm với kinh phí hỗ trợ cho toàn bộ chương trình và 10 nước là 80 triệu đô la Úc. Chương trình là hoạt động tiếp nối và được xây dựng dựa trên 18 năm kinh nghiệm của Australia trong lĩnh vực PCMBN. Chương trình được Chính phủ Australia tài trợ cho các quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm chia sẻ trong buổi ngày hôm nay là quan điểm của cá nhân tôi chứ không phản ánh quan điểm của Chính phủ Australia.

Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN xây dựng hê thống tư pháp hình sự hiệu quả trừng phạt kẻ buôn người và bảo vệ quyền con người của nạn nhân.

Tại Việt Nam, chương trình hợp tác với các cơ quan chính phủ, đặc biệt là các cơ quan tư pháp hình sự và các cơ quan hỗ trợ nạn nhân để nâng cao năng lực cho các quan chức tăng cường hiệu quả công tác vào điều tra, truy tố và xét xử tội phạm MBN, cũng như bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

Thanh Hương(VOV2)
Bình luận
vtcnews.vn