Video: Hố đen khổng lồ 'nuốt chửng' một ngôi sao

Thế giớiThứ Bảy, 28/11/2015 05:18:00 +07:00

Các nhà khoa học phát hiện ra hiện tượng lạ khó giải thích khi hố đen khổng lồ phá hủy và 'nuốt chửng' một ngôi sao.

(VTC News) - Các nhà khoa học phát hiện ra hiện tượng lạ khó giải thích khi hố đen khổng lồ phá hủy và 'nuốt chửng' một ngôi sao.
Hồi cuối tháng 10, các nhà thiên văn học công bố video cho thấy khoảnh khắc một ngôi sao bị hố đen khổng lồ xé toạc và nuốt chửng.
Khoảnh khắc hố đen khổng lồ xé toạc và nuốt chửng một ngôi sao
Khoảnh khắc hố đen khổng lồ xé toạc và nuốt chửng một ngôi sao 
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới công bố hôm 26/11, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra hiện tượng lạ mà đến nay khoa học vẫn chưa có lời giải thích.
Theo đó, bên cạnh những hình ảnh cho thấy khoảnh khắc một ngôi sao bị hố đen khổng lồ có kích thước lớn hơn Mặt trời đến vài triệu lần xé toạc và nuốt chửng, người ta còn nhìn thấy luồng ánh sáng kỳ lạ phát ra.
Trước đó, hố đen đã xuất hiện nhưng không có sự liên kết trực tiếp với ngôi sao. Sau đó ngôi sao này bị xé toạc và nuốt chửng. Đây vẫn được xem là hiện tượng cực kỳ hiếm.
Sjoert van Velzen, nhà nghiên cứu tại đại học Johns Hopkins cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể theo dõi mọi thứ từ sự phá hủy một ngôi sao và tiếp theo là sự xuất hiện của một dòng chảy hình nón”.
Ngôi sao này ở cách Trái Đất khoảng 300 triệu năm ánh sáng và hố đen nuốt chửng nó có kích thước khổng lồ ở ngay vùng trung tâm dải thiên hà.
Theo VnExpress, video đồ họa do Trung tâm Nghiên cứu Không gian Goddard thuộc NASA sản xuất, hé lộ số phận của ngôi sao khi đến gần hố đen và chịu tác động của lực thủy triều mạnh. 
Video: Hiện tượng lạ khi hố đen khổng lồ 'nuốt chửng' một ngôi sao
Trường hợp này có tên gọi là "sự gián đoạn thủy triều", khi một số mảnh vụn sao lao vụt đi ở tốc độ cao trong khi phần còn lại rơi vào hố đen, tạo ra vầng ánh sáng năng lượng cao dạng tia X lưu lại vài năm.
Video đồ họa ra đời dựa trên những phát hiện từ bộ ba kính viễn vọng xoay quanh quỹ đạo Trái Đất tên Chandra X-ray Observatory, Swift Gamma-ray Burst Explorer và XMM-Newton, có nhiệm vụ thu thập những phần dữ liệu khác nhau về môi trường khắc nghiệt xung quanh hố đen.
Jon Miller, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, chia sẻ về tầm quan trọng của các phát hiện trên tạp chí Nature hôm 21/10. 
"Chúng tôi đã quan sát dấu hiệu của một số trường hợp gián đoạn thủy triều trong các năm và phát triển nhiều quan điểm về hiện tượng này. ASASSN-14li mang đến cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để chúng tôi thực sự hiểu rõ những gì xảy ra khi hố đen xé rách một ngôi sao", Miller nói.


Minh Lý (Theo Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn