Video: Cuộc giải cứu nhà báo Foley bất thành của đặc nhiệm Mỹ

VideoThứ Hai, 25/08/2014 07:03:00 +07:00

Chiếc trực thăng Black Hawk, được vũ trang hạng nặng, thả khoảng 20 lính biệt kích Lực lượng đặc nhiệm Delta xuống một thị trấn ở Syria vào nửa đêm 4/7.

Chiếc trực thăng Black Hawk, được vũ trang hạng nặng, thả khoảng 20 lính biệt kích Lực lượng đặc nhiệm Delta xuống một thị trấn ở Syria vào nửa đêm 4/7, bắt đầu chiến dịch đặc biệt nhằm giải cứu các con tin người Mỹ bị lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo giam giữ.

Nhà báo James Foley 

Đội đặc nhiệm Delta được thả xuống Akrishi, thị trấn nhỏ gần thành phố Raqqa, miền đông Syria, bên bờ sông Euphrates. Tuy nhiên, trước khi đổ bộ để tìm kiếm các con tin Mỹ, trong đó có nhà báo James Foley, họ đã phá hủy một mục tiêu quan trọng. Đó là kho vũ khí phòng không tại một căn cứ của nhóm phiến quân cách Raqqa khoảng 5 km về phía đông nam. Raqqa được coi là thành trì của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), những kẻ đang tìm cách thiết lập một vương quốc Hồi giáo.

Video Cuộc giải cứu con tin ở Syria của biệt kích Mỹ:

Video: CNN

Thông tin trên cùng với chi tiết cuộc đột kích được các nhân chứng kể lại với người tự xưng là Abo Ibrahim al Raqaoui, thành viên một nhóm hoạt động đối lập ở Syria. Người này cung cấp các thông tin về vụ việc cho hãng tin Reuters của Anh từ Syria, thông qua phỏng vấn trực tuyến.

Nhóm hoạt động của Raqaoui đăng tải thông tin về vụ đột kích mà các nhân chứng kể lại lên Facebook ngay sau khi nó diễn ra. Tuy nhiên, những thông tin này đã bị gỡ bỏ.

"Cuộc đột kích diễn ra sau nửa đêm", Raqaoui nói. "Các trực thăng trước tiên bắt đầu phá hủy những vũ khí phòng không". Tuy nhiên, hãng tin của Anh chưa xác thực thông tin này.

Trong khi đó, Nhà Trắng hôm 20/8 cũng công bố chi tiết cuộc đột kích, một ngày sau khi nhóm phiến quân IS đăng tải đoạn video chặt đầu nhà báo Foley. Nhà Trắng cho biết lính biệt kích không tìm được Foley cũng như các con tin khác, và phải công bố thông tin sau khi một số hãng tin Mỹ biết về chiến dịch giải cứu.

Cuộc đột kích của lính Mỹ vào trung tâm vùng lãnh thổ IS kiểm soát, diễn ra vào ngày Quốc khánh Mỹ, kết thúc trong thất vọng khi không có con tin nào được tìm thấy.

"Đốt doanh trại"

Sau khi tiếp đất, nhóm biệt kích phong tỏa con đường chính tới Raqqa và di chuyển đến một nhà giam tạm thời, nơi họ cho là đang giam Foley cùng các con tin khác, Raqaoui cho biết. Khi không tìm thấy Foley, họ liền tấn công căn cứ, được phiến quân đặt tên là "Bin Laden", giống với tên của trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden. Sau đó, nhóm biệt kích châm lửa đốt căn cứ.

"Những người dân làng kể lại rằng, biệt kích Mỹ đã đốt doanh trại và tiêu diệt toàn bộ các tay súng ISIS ở đó", Raqaoui nói, sử dụng một tên gọi khác của lực lượng Nhà nước Hồi giáo.

Washington cũng xác nhận tiêu diệt "nhiều" tay súng IS và một binh sĩ Mỹ bị thương khi trực thăng Mỹ bị tấn công. Trong khi đó, thông tin của Raqaoui cho biết có hai binh sĩ Mỹ bị thương.

Chiến dịch đặc biệt này được Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn và dựa trên thông tin tình báo Mỹ, trong đó có thông tin từ những con tin được thả. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không xác nhận chiến dịch diễn ra hôm 4/7.

Đây cũng là cuộc đối đầu trực tiếp trên bộ đầu tiên giữa Mỹ và phiến quân Nhà nước Hồi giáo, đồng thời là hoạt động quân sự trên bộ đầu tiên của Washington tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này nổ ra năm 2011.

Cuộc đột kích thất bại trong việc giải cứu con tin đã phơi bày những hạn chế của tình báo Mỹ về cuộc xung đột hỗn loạn ở Syria. "Chúng tôi tin rằng mình đã có chứng cứ về vị trí con tin bị giam giữ", một quan chức Mỹ giấu tên nói.

Vị trí thành phố Raqqa. Đồ họa: understandingwar.org.

Phiến quân đoán trước được cuộc đột kích

Một người Syria thân cận với IS, tiết lộ rằng nhóm phiến quân đã biết trước về cuộc đột kích khi nhìn thấy những người Mỹ hỏi thông tin về các con tin ở thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới với Syria khoảng 20 km.

"Người Mỹ tìm kiếm các con tin của họ và cũng tìm kiếm thông tin một cách tuyệt vọng", người này nói. "Họ tìm gặp và hỏi thăm những người dân ở Antakya. Sau đó, cuộc đột kích diễn ra. IS dự đoán được và đề phòng trước. Đó là lý do chúng có thể đã thay đổi địa điểm giam con tin".

Rami Abdelrahman, người sáng lập Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, cho biết vào thời điểm diễn ra cuộc đột kích tháng trước, các nhà hoạt động của tổ chức này ở Raqqa nhận được thông báo từ một nguồn tin thân cận với IS rằng lính Mỹ đã mở một cuộc đột kích ở khu vực. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria chuyên giám sát tình hình bạo lực trong cuộc chiến ở nước này thông qua mạng lưới các nhà hoạt động.

"Người dân nói họ nghe thấy tiếng ồn từ máy bay và tiếng súng nổ nhưng không có gì thêm", Abdelrahman kể lại, đồng thời cho biết nguồn tin thân cận với IS nói một số người Mỹ đã bị giết vào thời điểm đó, các tay súng IS cũng bị thương.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, một tổ chức độc lập của Mỹ, ước tính có 24 nhà báo, cả trong và ngoài nước, bị bắt cóc và đang ở Syria. Trong số này có Steven Sotloff, nhà báo Mỹ xuất hiện ở cuối đoạn video hành quyết James Foley do IS đăng tải hôm 19/8. Chúng cảnh báo Sotloff sẽ là nạn nhân tiếp theo nếu Mỹ vẫn tiếp tục không kích ở Iraq.

Chiến đấu cơ cùng máy bay không người lái của Mỹ hàng ngày vẫn tiến hành không kích nhằm vào những vị trí của IS ở Iraq. Giới chức Mỹ cho biết họ không loại trừ khả năng tăng cường hành động quân sự nhằm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan IS, nhóm liên tục đe dọa chống lại Mỹ kể từ khi Washington bắt đầu chiến dịch không kích hai tuần trước.

Theo VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn