Video: Bầu Đệ tố lãnh đạo Hải Phòng lật kèo

VideoThứ Tư, 17/05/2017 17:42:00 +07:00

Phát biểu của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam nhận được nhiều tràng pháo tay tán thành từ phía hội trường, Thủ tướng cũng vỗ tay tán thưởng.

 Nguồn: VTC1

Đặc biệt khi ông Đệ thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong thực thi chính sách của nhiều địa phương hiện nay. Ông Đệ cho rằng có đến 50% số cán bộ ở địa phương hiện nay đi chơi nhiều hơn đi làm, họ chỉ giỏi hoạnh họe doanh nghiệp. Vì thế kiến nghị Chính phủ phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ.

Ông Đệ nêu vấn đề cụ thể ở Hải Phòng và kiến nghị Trung ương sớm kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tại đây để thấy được sự hoạnh họe của cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao của TP Hải Phòng. 

Theo ông Đệ, tại TP Hải Phòng chính quyền động viên cho một doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng một bãi xe. Sau khi doanh nghiệp đầu tư xong thì chính quyền lật kèo, trở mặt với doanh nghiệp.

Với tư cách là Ủy viên BCH Phòng thường mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ trưởng tổ công tác pháp chế của VCCI, tôi đã liên hệ bằng đủ mọi phương tiện từ nhắn tin, gọi điện cho Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhưng không được hồi âm và UBND thành phố Hải Phòng cũng không có văn bản trả lời.

“Đến một doanh nhân được ủy quyền của Chủ tịch VCCI đến giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vẫn không được tiếp thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp xúc bằng cách nào? Phải chăng Hải Phòng có “vùng cấm” trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp?”, ông Đệ đặt câu hỏi tại hội nghị.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Đệ kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư bến xe Thượng Lý tại TP Hải Phòng, đồng thời làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 4 khóa XII của Đảng và Nghị quyết 35 của Chính phủ tại địa phương này.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu lên đầy bức xúc, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét. Đó là bất cập trong chính sách y tế.

Theo ông Đệ, Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ một số cơ chế, chính sách phát triển y tế khi triển khai thực hiện đang nảy sinh bất cập, đó là việc kết hợp công tư trong đầu tư cơ sở khám, chữa bệnh như xây bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công dẫn đến những hệ lụy sau: kinh nghiệm, uy tín, nhân lực, kỹ thuật, máy móc, đất đai, vốn và các ưu đãi khác của bệnh viện công được sử dụng vào mục đích tư.

“Nếu quản lý, giám sát không tốt, đây sẽ là mầm mống để nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, trở thành nơi làm giàu cho một nhóm người. Tôi đề nghị, cần tập trung xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư y tế theo hướng công ra công, tư ra tư, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng. Khuyến khích đầu tư y tế tư nhân cũng là biện pháp để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, giảm tải cho bệnh viện công”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam lên tiếng.

Cũng theo ông Đệ, có những địa phương không muốn cho y tế tư nhân phát triển. Mặc dù nhà đầu tư đã đề nghị xây dựng bệnh viện bằng 100% vốn tư nhân nhưng chính quyền vẫn trả lời theo hướng: mạnh ai nấy làm, nhà nước vẫn làm bằng 100% vốn ngân sách. Rõ ràng, trong câu chuyện này, người ta có quyền hoài nghi về động cơ đầu tư xây dựng bệnh viện công, không đúng với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ; không đúng với tinh “nhà nước chỉ đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân không làm.”

Nguồn: Nông Nghiệp
Bình luận
vtcnews.vn