Vỉa hè ở TP.HCM lại bị chiếm

Thời sựThứ Hai, 28/05/2018 07:16:00 +07:00

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, người phụ trách lĩnh vực đô thị TP, đã phải ra công văn khẩn chỉ đạo việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.

Cấp trên nhiều lần có lệnh

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Thường trực Ban An toàn giao thông TP căn cứ nội dung bản giao ước thi đua đã ký với 24 quận - huyện và thông tin của báo chí, phản ánh của người dân, tổ chức kiểm tra thường xuyên tình hình quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên từng địa bàn quận - huyện để đề xuất kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Song song đó, Phó Chủ tịch UBND TP cũng giao Ban Thi đua - Khen thưởng TP phối hợp với Thường trực Ban An toàn giao thông TP đề xuất khen thưởng hoặc không xét thi đua đối với các quận - huyện, sở - ngành thiếu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, quản lý vỉa hè yếu kém.

Vỉa hè lại bị chiếm - Ảnh 1.

Lực lượng trật tự xử phạt, thu giữ bàn ghế, còn khách vẫn cứ ung dung (vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh) Ảnh: SỸ ĐÔNG 

Đây không phải lần đầu lãnh đạo TP yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để địa bàn quản lý xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Nếu để vỉa hè bị lấn chiếm thì mời chủ tịch, trưởng công an phường làm việc khác. Phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu".

Ông cũng nhiều lần yêu cầu các quận, huyện phải quyết liệt hơn trong việc lập lại trật tự vỉa hè, chú ý đến tính bền vững chứ không làm theo phong trào, nhất là không để bị tái lấn chiếm.

"Vấn đề là sau khi dọn dẹp xong, phải bảo đảm duy trì chứ không để sau một thời gian rồi đâu lại vào đấy" - ông Phong chỉ đạo.

Cấp dưới thực thi chưa nghiêm

Lãnh đạo UBND TP thường xuyên chỉ đạo quyết liệt là thế, song quay lại những "điểm nóng" về lấn chiếm vỉa hè, chúng tôi nhận thấy nhiều tuyến đường bị tái lấn chiếm vô tội vạ để làm nơi đậu xe, buôn bán.

Đầu tiên phải kể đến tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) - nơi được mệnh danh "thiên đường" nhậu, phục vụ cho đủ giới, từ bình dân đến sang "chảnh".

Dù mới 17 giờ nhưng không khí đã tấp nập bởi các quán dọn sẵn bàn ghế ra vỉa hè chờ đón khách. Đến 20 giờ, nơi đây càng rôm rả hơn khi các quán nhậu kê bàn ghế la liệt, khách đông, chỗ còn trống thì trở thành bãi giữ xe. Quán nhậu trùng trùng, điệp điệp dài hàng trăm mét, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Cũng trên địa bàn quận Bình Thạnh, một trạm xe buýt ở đường Lê Quang Định thường xuyên bị chủ quán cà phê trưng dụng làm nơi giữ xe cho khách vào ban đêm.

Vỉa hè lại bị chiếm - Ảnh 2.

Vỉa hè đường Nguyễn Thị Thập (phường Tân Hưng, quận 7) Ảnh: LÊ PHONG 

Chẳng kém cạnh, vỉa hè nhiều quận khác cũng bị lấn chiếm tràn lan. Như đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), tuyến đường đăng ký kiểu mẫu về lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng nhiều đoạn bầy hầy với đủ quầy hàng, xe đậu lộn xộn.

Còn tại quận 7, bà Lê Thị Thu An (phường Tân Hưng) bức xúc khi đường Nguyễn Thị Thập cứ đến chiều là nhiều quán nước "mọc lên". Nhiều người dân địa phương khẳng định hiếm khi thấy lực lượng chức năng ra quân chấn chỉnh nên các hàng quán cứ để mái che di động tràn lan.

Trong khi đó, bên hông chung cư cũ Ngô Gia Tự (quận 10), lúc chiến dịch dẹp vỉa hè rầm rộ, chính quyền đã yêu cầu chủ 2 quán nhậu giải tỏa do chiếm dụng phần đất của chung cư. Thế nhưng, đến nay, các quán nhậu lại tiếp tục bày biện, lấn chiếm.

Ở đường Trần Nhân Tôn gần đó, các quán cà phê để xe dưới lòng đường, trên vỉa hè thì kê bàn ghế cho khách ngồi.

Còn tại quận 1, nhà hàng Biển Dương 3, từng bị xử phạt 2 lần về việc lấn chiếm vỉa hè. Nhà hàng nằm đối diện UBND phường Cầu Ông Lãnh và chủ tịch UBND quận 1 đã đề nghị phải chấn chỉnh nhưng vỉa hè dường như trở thành "của riêng" nhà hàng này.

Như chưa hề có cuộc ra quân

Tối 21/5, chúng tôi chứng kiến lực lượng trật tự đô thị kiểm tra đường Phạm Văn Đồng ở địa bàn phường 13, quận Bình Thạnh. Quay lại tuyến đường này chiều tối hôm sau, chúng tôi ghi nhận quán nhậu vẫn tiếp tục chiếm dụng vỉa hè như chưa hề có cuộc ra quân chấn chỉnh nào.

Vỉa hè lại bị chiếm - Ảnh 3.

Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần giao lộ Lê Quang Định bị chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường Ảnh: GIA MINH 

Nói về việc vỉa hè quận 1 bị tái lấn chiếm, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải cho biết thời gian qua, các phường thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng không quyết liệt và ngại đụng chạm. "Hiện UBND quận đã giao cho phường lên kế hoạch kiểm tra hằng tuần. Khi nào phường gặp khó khăn thì đích thân tôi và các đơn vị cấp quận sẽ kiểm tra, xử lý" - ông Hải nói.

Ở cấp độ phường, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão Cao Hoàng Việt cho hay thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Phường sẽ làm xuyên suốt để chuyển hóa những địa bàn phức tạp như đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai… UBND phường cũng ban hành kế hoạch từ nay đến cuối năm, phối hợp cùng công an quận kiểm tra, xử lý. Qua đó đã gặp một số trường hợp chống đối, phản ứng gay gắt nhưng đều xử lý.

Về trách nhiệm của người đứng đầu, ông Việt thông tin chủ tịch phường sẽ là người chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu để tái lấn chiếm. Ở phường thì phó chủ tịch phụ trách đô thị và trưởng công an phường sẽ chịu trách nhiệm trước UBND phường. Do đó, mỗi buổi kiểm tra với sự tham gia của nhiều lực lượng thì trưởng đoàn sẽ do chủ tịch và phó chủ tịch phụ trách đô thị thay phiên nhau. 

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, kinh tế vỉa hè mang lại lợi ích quá lớn, không chỉ với "người giàu" mà còn là nguồn sống của nhiều gia đình. Để giải quyết, cần có chính sách vĩ mô, thực hiện theo từng lộ trình.

Một lãnh đạo UBND quận Tân Phú:

Mấu chốt là cán bộ địa bàn

 Trong các kế hoạch chấn chỉnh, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường đều có giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, từng cấp cơ sở. Trong đó, phân công vai trò của từng cán bộ khu phố. Vỉa hè cơ bản ổn hơn trước chứ chưa hẳn đã tốt. Thế nên, quận Tân Phú thường xuyên kiểm tra, không lơ là. Quận đang ứng dụng "Tân Phú trực tuyến", kết nối người dân cùng chính quyền chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, phần mềm chỉ là công cụ hỗ trợ, chủ yếu vẫn là cán bộ địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân NGUYỄN GIA THÁI BÌNH:

 Tránh tái chiếm mới là điều quan trọng

Dẹp vỉa hè bền vững và tránh tái chiếm mới là điều quan trọng. Hiện trên địa bàn quận có "điểm nóng" về lấn chiếm vỉa hè là khu vực KCN Pou Yuen. "Số hàng rong rất đông trong khi cán bộ thì rất ít nên quận đã kêu gọi các cửa hàng tiện ích kinh doanh thực phẩm và tổ chức các gian hàng bình ổn giá. Việc này giúp công nhân có nhiều lựa chọn mua hàng tiện ích chứ không nhất thiết mua ở hàng rong. Khi ấy bảo đảm thực phẩm chất lượng, an toàn và giải tỏa được việc lấn chiếm vỉa hè. Quận Bình Tân cũng đề xuất nên đầu tư trung tâm thương mại tại KCN Pou Yuen.

Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP NGUYỄN NGỌC TƯỜNG:

 24 quận, huyện đã cam kết

 Tình hình lập lại trật tự lòng lề đường dù đã thực hiện nhiều năm qua nhưng hiện vẫn không có nhiều chuyển biến, kể cả 159 tuyến đường điểm mà chủ tịch UBND 24 quận, huyện đã đăng ký với TP từ năm 2012. Tình trạng này còn gây ra nhiều hệ lụy khác như ùn tắc, tai nạn giao thông. Hiện nay, chủ tịch của 24 quận, huyện đã đăng ký đến cuối năm 2018 sẽ thực hiện việc lập lại trật tự lòng đường vỉa hè ở 157 tuyến đường, trong đó nhiều khu vực sẽ trắng các điểm buôn bán, lấn chiếm và có hơn 100 điểm được cam kết sẽ có sự chấn chỉnh. Đồng thời, chủ tịch UBND của 24 quận, huyện cũng đã ký xong với chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn để quy trách nhiệm cụ thể trong việc lập lại trật tự lòng lề đường.

(Nguồn: Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn