Vị vua triều Nguyễn từng lệnh chém đầu kẻ gây tai nạn giao thông làm chết người

Giáo dụcThứ Bảy, 04/05/2019 15:41:00 +07:00

Khi hay tin thuộc hạ của con đua ngựa ngoài hoàng thành làm chết người, vua Minh Mạng đã xử phạt con trai và ra lệnh chém đầu kẻ gây tai nạn thương tâm.

Năm 1835, vua Minh Mạng từng ra lệnh chém đầu kẻ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thậm chí, người liên quan dù là hoàng tử, cũng không tránh khỏi án phạt nặng. Đó là một trong những vụ án điển hình liên quan giao thông thời phong kiến.

Mất mạng vì gây tai nạn giao thông làm chết người

Theo sách "Sử Việt những bất ngờ lý thú", trong số 78 con trai của vua Minh Mạng, Miên Phú có tính tình ngang bướng, không chịu học hành, chỉ thích chơi bời, nhiều lần khiến vua cha buồn phiền, giận dữ.

Vào một đêm tháng 11/1835, Miên Phú cùng các thuộc hạ Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngưạ ở ngoài hoàng thành, gây náo loạn đường phố. Một bà lão không tránh kịp, bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết.

Vua Minh Mạng lập tức sai triều thần điều tra vụ việc. Dù không trực tiếp gây ra cái chết của bà lão, Miên Phú bị vua trách mắng nặng nề.

Sách "Sử Việt những bất ngờ lý thú" và "Đại Nam thực lục" đều chép lời vua rằng: “Nhiều lần trẫm đã nghiêm khắc dạy dỗ nhưng không biết chừa và sửa đổi chút nào. Nay lại gần gũi với lũ tiểu nhân, phi ngựa ở đường lớn trong kinh thành, là nơi quan quân đi lại đông đúc để đến nỗi xéo chết người. Sao còn xứng đáng là hoàng tử nữa, lại không vâng lời cha dạy bảo, thực là đứa con xấu xa, tội nào còn lớn hơn nữa.

vua-minh-mang

Minh Mạng - ông vua nổi tiếng nghiêm khắc của triều Nguyễn. (Ảnh: Tư liệu)

Nay để giữ công bằng, quyết không cho được giảm tội, hoặc dùng tiền chuộc tội. Con cháu hoàng thân chớ nên coi khinh, lấy thân để thử pháp luật, gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính nể”.

Tiếp đó, vua ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cắt lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú (Miên là tên đệm của các hoàng tử con Minh Mạng), phải bồi thường cho nạn nhân 200 lạng bạc.

Những thuộc hạ của Miên Phú có tội đều bị xử theo các mức độ khác nhau. Nặng nhất là Hoàng Văn Vân bị xử chém, anh em Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng nơi xa, khi tới nơi còn bị đánh 100 gậy.

Luật pháp xưa xử phạt tội vi phạm giao thông như thế nào?

Ngay từ thế kỷ 15, bộ luật Hồng Đức ban hành dưới thời vua Lê Thánh Tông đã có những quy định cụ thể với người phạm các tội về trật tự, an toàn giao thông.

Điều 553, bộ luật này quy định người vô cớ mà phóng ngựa chạy trong phố phường, đường ngõ trong kinh thành hay là trong đám đông người thì bị xử phạt 60 trượng.

"Nếu vì thế mà làm bị thương hay chết người thì bị xử tội nhẹ hơn tội đánh bị thương hay chết người một bậc; làm bị thương hay chết các súc vật thì phải đền số tiền theo sự mất giá (ví như con vật đáng 10 phần, nay làm chết giá chỉ còn 2 phần thì phải đền 8 phần; làm bị thương mất một phần thì phải đền giá một phần).

Nếu vì việc công hay tư cần phải đi gấp mà phóng ngựa chạy thì không phải tội, lỡ làm bị thương hay chết người thì xử theo tội vì lầm lỡ để xảy ra vụ việc. Nếu vì ngựa sợ hãi lồng lên, không thể ghìm được, để xảy ra việc làm bị thương, chết người, được xử giảm nhẹ hơn lỗi lầm lỡ hai bậc", trích điều 553 bộ luật Hồng Đức.

luat-hong-duc 3

Luật Hồng Đức - di sản của Việt Nam. (Ảnh: Viện sử học)

Kế thừa thành tựu tiến bộ của thời Hậu Lê, bộ luật Gia Long của nhà Nguyễn cũng có những quy định về hành vi tham gia giao thông. Theo đó, kẻ nào vô cớ phóng xe, ngựa ở nơi phố phường, thị trấn, nhân đó làm người khác bị thương thì giảm một bậc so với tội đánh nhau gây thương tích thông thường. Làm chết người thì phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm.

Kẻ nào vô cớ phóng xe, ngựa ở nơi thôn quê, ngoài cánh đồng vắng vẻ, làm chết người bị phạt đánh 100 trượng. Các tội đã phạm kể trên đều bị truy thu 10 lạng bạc mai táng phí.

Theo quan điểm của những nhà làm luật thời phong kiến, “phố phường là nơi dân cư đông đúc, không thể so với nơi hương thôn ngoài cánh đồng, nên không được vô cớ phóng nhanh xe, ngựa. Do đó, kẻ nào phóng nhanh làm người khác bị thương thì bị xử giảm một bậc so với tội đánh nhau làm người khác bị thương; nếu làm chết người thì phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm.

Nếu vì công vụ sai phái cấp tốc, không thể không phóng xe, ngựa thật nhanh ở nơi phố phường chợ búa, hoặc hương thôn, ngoài cánh đồng, gây sát thương người khác, đều bị xử tội lỡ tay sát thương người khác, chiểu theo luật “đánh nhau gây sát thương”, theo luật thu tiền chuộc tội cấp cho gia đình người bị hại…

Ngoài hình phạt dành cho chủ, luật pháp nhà Nguyễn còn quy định: “Kẻ nào cưỡi ngựa xô vào người khác làm bị thương, ngoài việc xét xử theo luật, còn phải đem con ngựa đã cưỡi đó cấp cho người bị thương. Nếu người bị ngựa xô phải mà chết, con ngựa đó được đem sung công”.

pháp luật thời Hậu Lê và Nguyễn còn có quy định cụ thể để đảm bảo an toàn giao thông. Nếu dân chúng có những hành vi làm gây mất trật tự an toàn giao thông như xâm chiếm, phá hủy đường sá, tụ tập đông người nơi công cộng, đều có thể bị xử phạt theo những hình thức khác nhau như phạt tiền, phạt đòn, thậm chí là phạt tù.

Ngược lại, quan lại các cấp, nhất là ở địa phương mình trị nhậm, nếu để đường sá hư hỏng không chịu tu sửa, dân chúng lấn chiếm đường sá…, đều bị xử tội theo mức nặng nhẹ khác nhau như phạt biếu tư (một hình thức hạ thấp uy tín), giáng chức, cách chức.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn