Vị trí của Apple tại Trung Quốc có thể thêm ảm đạm sau lệnh cấm

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 12/12/2018 15:39:00 +07:00

Trung Quốc không chỉ là nơi Apple sản xuất iPhone, thị trường này còn chiếm tới 1/5 doanh thu của họ.

Ngày 10/12, tòa án Phúc Châu (Trung Quốc) ra lệnh cấm bán và nhập khẩu đối với iPhone 6s cho đến iPhone X chạy iOS 11 trở về trước do vi phạm hai bằng sáng chế của Qualcomm.

SCMP cho rằng doanh số iPhone được dự đoán không bị tác động nhiều vì đa số iPhone hiện nay đều hỗ trợ iOS 12, nhưng phán quyết có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của Apple ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo Counterpoint Research, thị phần của của Apple ở Trung Quốc giảm từ 15% trong quý IV/2017 xuống chỉ còn 9% trong quý III/2018. Họ thậm chí không có mặt trong Top 5 nhà sản xuất smartphone ở đây. Những vị trí đó thuộc về Huawei, Oppo, Vivo, Xiaomi và Honor.

1

Apple đang gặp hạn ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa) 

Kitty Fok, Giám đốc IDC Trung Quốc, nhận định: "Nếu phán quyết được thực thi, Apple có thể đánh mất thêm thị phần vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc". Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng cho Apple cũng sẽ bị tác động, nhất là các công ty chuyên cung cấp linh kiện và lắp ráp như Foxconn, AAC Technologies, BYD và BOE Technology.

Trong khi đó, công ty phân tích Canalis lại dự đoán lệnh cấm khó có thể thi hành trong vài tháng tới, bởi còn nhiều bước tố tụng và có thể Apple sẽ tiếp tục kháng cáo. Ngoài ra, công ty có thể lách luật bằng cách yêu cầu smartphone đời cũ nâng cấp lên iOS 12.

Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng với Apple. 1/5 doanh thu của họ đến từ thị trường này. Tim Cook, CEO Apple, luôn chủ động gặp gỡ và trao đổi với các quan chức, thường xuyên tham dự và phát biểu tại các hội thảo do nhà nước tổ chức nhằm thiết lập mối quan hệ thân thiết với chính phủ. Trước sức ép của Bắc Kinh, Apple từng sẵn lòng loại bỏ tất cả các ứng dụng mạng riêng ảo VPN khỏi App Store ở Trung Quốc mà không phản kháng. 

Ông Shaun Rein, nhà sáng lập China Market Research Group, nhận định Apple không dám làm mất lòng chính phủ Trung Quốc bởi nếu điều đó xảy ra, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng vì đa số sản phẩm của họ được sản xuất ở Trung Quốc và đây cũng là thị trường quan trọng thứ hai của họ chỉ sau Mỹ.

Mâu thuẫn giữa hai hãng bắt đầu diễn ra từ tháng 1/2017 khi Qualcomm bị Ủy ban Thương mại Mỹ FTC cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh. Ngay sau đó, Apple kiện Qualcomm, đòi bồi thường 1 tỷ USD - số tiền được Apple khẳng định là Qualcomm đã cố tình giữ lại để "trả đũa" vì Apple hợp tác với các nhà điều tra.

Trong khi đó, Qualcomm khẳng định những cáo buộc của Apple là không có cơ sở, còn che giấu nhiều thông tin khác, cố ý nói sai về thỏa thuận giữa hai bên và tuyên bố sẽ cung cấp các bằng chứng liên quan tại tòa án. Đến giữa tháng 10, cuộc chiến giữa hai bên trở nên căng thẳng khi hãng sản xuất chip đệ đơn ngăn Apple sản xuất và bán iPhone tại Trung Quốc.

Hoàng Phương
Bình luận
vtcnews.vn