Vị thế đặc biệt của Việt Nam khi trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ

Thế giớiThứ Bảy, 08/06/2019 08:01:00 +07:00

Trúng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ vai trò, vị thế đặc biệt trong mắt bạn bè quốc tế.

Khoảng 22h20 (giờ Việt Nam), ngày 7/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu bầu 5 nước Ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Kết quả đúng như dự đoán, Việt Nam giành được sự ủng hộ của 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Đại hội đồng LHQ, vượt xa số phiếu cần thiết 129 phiếu, trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 đại diện Nhóm châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là số phiếu kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ.

vietnam

Niềm vui của đoàn Việt Nam khi Đại hội đồng LHQ thông báo kết quả cuộc bỏ phiếu. 

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tự hào thông báo tin vui trên Twitter cá nhân: "Việt Nam tự hào và vinh dự được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của một thành viên Hội đồng với khả năng tốt nhất của chúng tôi để đóng góp cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".

HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi Hiến chương LHQ. Khác với 5 cơ quan còn lại, các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện thay vì chỉ mang tính khuyến nghị. Vì vậy HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.

HĐBA có 15 thành viên với 5 ủy viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ cùng 10 ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới được bầu.

Điều đáng lưu tâm là so với 5 nước thành viên thường trực, các vị trí ủy viên không thường trực thậm chí còn được đánh giá cao hơn về uy tín do phải trải qua quá trình bỏ phiếu. 

Với các thành viên thường trực, họ có quyền bỏ phiếu phủ quyết bất cứ nghị quyết nào và chỉ cần một phiếu chống, nghị quyết đó sẽ không được thông qua. Các nước thành viên không thường trực không có quyền hạn này nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.

hdba

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Sputnik)

Trên thực tế, việc trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA là mục tiêu của đại đa số nước thành viên LHQ. Riêng với Việt Nam, vị trí đặc biệt này tạo điều kiện giúp chúng ta tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn thông qua việc tham gia thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, chiếc ghế Ủy viên không thường trực lại giúp chúng ta nâng vị thế trên trường quốc tế lên một tầm cao mới.

Như ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định đây là vị thế đặc biệt “độc nhất vô nhị”, vì hiếm có khi một quốc gia vừa là thành viên Hội đồng Bảo an, vừa là Chủ tịch một tổ chức quốc tế khu vực như ASEAN.

Việt Nam sẽ thay thế Kuwait đại diện nhóm châu Á- Thái Bình Dương và theo cơ chế luân phiên, Việt Nam sẽ là chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ ngay trong tháng 01/2020.

"Đối với bất cứ quốc gia nào, việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đều rất quan trọng. Đây là cơ quan có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Nếu được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, quốc gia đó sẽ có cơ hội tốt để đóng góp cho các vấn đề toàn cầu, đồng thời tăng cường vai trò và sự hiện diện của mình trên trường quốc tế", ông Takehiko Kajita - Phó Trưởng Phân xã Kyodo News tại Mỹ phân tích. 

Trong khi đó, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam khẳng định thế giới cần những tiếng nói như Việt Nam để giúp gìn giữ những giá trị của chủ nghĩa đa phương, giá trị của hợp tác, cùng tìm kiếm giải pháp và quan điểm chung, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi đang cần một thể chế đa phương đủ mạnh để giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường xuống cấp, hòa bình và an ninh, di cư và áp lực dân số.

"Đây là những vấn đề chung mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt và tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiếng nói của Việt Nam vì các bạn hiểu rõ bản chất và tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, phát triển đất nước và bảo vệ quyền con người", ông nhấn mạnh. 

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh thì cho rằng khi ngồi vào vị trí ghế nóng lần thứ 2 sau hơn 10 năm, Việt Nam sẽ không chỉ xử lý những vấn đề trên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an mà phải tính đến các sáng kiến, đề xuất riêng của Việt Nam và đảm bảo những đề xuất đưa ra có thể được áp dụng hiệu quả.

Cây viết chuyên về châu Á James Borton của Geopolitical Monitor nhận định với tư cách ủy viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam có thể thể hiện tiếng nói ngày càng lớn của ASEAN, triển khai chiến lược ngoại giao mềm của mình và mở rộng hội nhập quốc tế. Chiếc ghế tại HĐBA LHQ lần này đưa Việt Nam lên vị trí cao nhất trong hội nhập quốc tế của đất nước.

Việc trở thành Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ giúp Việt Nam tiếp tục có những thành công trong hoạt động đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế như cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Mun từng nói: “Việt Nam đang cho cả thế giới thấy bài học của việc vượt qua mất mát trong chiến tranh để hướng tới một hiện tại và một tương lai tốt đẹp”.

Theo Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn Thụy Điển tại HĐBA Liên Hợp Quốc, khi Việt Nam trúng cử vào vị trí quan trọng của cơ quan cơ quan quyền lực nhất LHQ, các nước trông đợi Việt Nam tiếp tục thể hiện là một bên đáng tin cậy khi đề cao các luật lệ quốc tế nói chung, trong đó có luật biển như những gì mà chúng ta thể hiện nhiều năm qua. 

Tuy nhiên, ông cũng nêu lên một số thách thức mà các thành viên không thường trực của HĐBA phải đối diện là chương trình nghị sự có yêu cầu rất cao, những bất đồng đang ngày càng gia tăng giữa các nước thành viên thường trực. Dù vậy, ông cho rằng các thành viên không thường trực không nên đánh giá thấp những gì mình có thể làm.

"Nếu chuẩn bị tốt, các nước có thể đóng vai trò tích cực với các vấn đề quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các thành viên thường trực đôi lúc gần như ở trong tình trạng chiến tranh lạnh", ông cho hay.

Diệu Hoa
Bình luận
vtcnews.vn