Vì sao xe túc túc được đề xuất đưa vào Việt Nam?

Thời sựThứ Hai, 10/09/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội vừa tiết lộ 3 lý do chính khiến họ đề xuất chi cả trăm triệu đồng mua xe túc túc hoạt động ở Việt Nam.

(VTC News) - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội vừa tiết lộ 3 lý do chính khiến họ đề xuất chi cả trăm triệu đồng mua xe túc túc hoạt động ở Việt Nam.

Liên quan tới đề xuất cho nhập khẩu và lưu hành loại xe 3-4 bánh (còn gọi là xe túc-túc), PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội.

- Lý do khiến Hiệp hội vận tải Hà Nội đưa ra đề xuất trên là gì, thưa ông?

Xuất phát từ đề án nhằm hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy, chúng tôi mới có đề xuất trên.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thành phố Hà Nội  
Xe máy là phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân Việt Nam nên chưa thể hạn chế ngay được bởi nó sẽ gây ảnh hưởng tới các vấn đề về kinh tế, xã hội và nhiều vấn đề khác nữa của họ.


Do vậy, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đề nghị, trước mắt không nên hạn chế xe máy, cũng không nên cấp chỉ tiêu số lượng xe máy hay làm niên hạn sử dụng xe máy mà nên tiếp tục để bà con sử dụng xe máy là phương tiện đi lại.

Tất nhiên, chúng ta vẫn nên hạn chế xe máy, nhưng nên bằng phương pháp khác để người dân vẫn thuận lợi trong việc đi lại.

Với mục đích hạn chế xe máy ở nông thôn vào nội đô, chúng tôi đề xuất vận chuyển hành khách công cộng từ các thôn, xóm, làng, xã, quận, huyện ra các điểm đỗ xe buýt để họ bắt xe buýt đi vào nội đô.

- Lợi thế ưu việt của xe túc túc so với các loại phương tiện hiện hành khác là gì?

Lợi thế thứ nhất phải kể đến của xe túc túc là chở được nhiều người. Như ở bên Indonesia, mỗi xe túc túc có thể chở được khoảng 10 người, còn bình thường là 5 – 6 người. Kể cả trên xe chỉ có 2 người, mức tiêu thụ xăng của nó cũng chỉ tương tự như một chiếc xe máy thôi – 4,6 lít/100 km.

Lợi thế thứ hai là dễ sửa chữa.

Lợi thế thứ 3 là diện tích chiếm mặt đường của xe nhỏ. Về tới nhà, có thể vứt nó vào xó này, xó kia được, chứ không phải “bảo quản” như ô tô.

Tóm lại, xe túc túc có những ưu việt về giá thành, dễ quản lý, dễ sửa chữa.

- Vậy giá thành của mỗi chiếc xe như vậy là bao nhiêu và kế hoạch sử dụng chúng mà Hiệp hội vận tải Hà Nội đã đề xuất ra sao?


Đây là dự án xã hội hóa có điều kiện, chứ không phải phát triển tùm lum, tự do. Nó liên quan tới giao thông nông thôn và giao thông đô thị.

Theo ước tính, mỗi xe túc túc có giá từ 70 – 150 triệu đồng (tùy chất lượng) – ngang với 1 chiếc xe máy cao cấp hiện nay 

Vì vậy, chúng tôi cho rằng phải lập kế hoạch, tùy địa phương, nếu đường rộng và xa thì phải nhiều xe. Nếu đường hẹp, gần đường quốc lộ thì mỗi xã chỉ cần vài ba xe thôi.


Những xã như ở Ba Vì (Hà Nội), thôn, xóm nằm sâu, xa, khó tiếp cận với hành khách hơn thì phải dùng tới 5 – 7 xe.

Theo ước tính, mỗi xe túc túc có giá từ 70 – 150 triệu đồng (tùy chất lượng) – ngang với 1 chiếc xe máy cao cấp ở Việt Nam hiện nay.

Để đề án này phát triển, chúng tôi đã liên hệ với Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể của các liên minh hợp tác xã.

Khi nhập xe về, chủ sở hữu của nó phải là các đơn vị doanh nghiệp hoặc tập thể. Chứ nếu để nhập lung tung thì nó sẽ chạy lung tung, gây ách tắc giao thông nên chúng tôi mới đề xuất mỗi xã chỉ có chỉ tiêu nhất định.

 

Chúng tôi xin nhắc lại, phương tiện này chỉ phục vụ ở đường liên thôn, liên xã, liên huyện thôi, chứ không được chạy trên đường quốc lộ. Trong đô thị thì tuyệt đối cấm rồi.

Ông Bùi Danh Liên

- Khó khăn lớn nhất Hiệp hội vận tải Hà Nội dự tính sẽ gặp phải khi đưa ra đề xuất trên là gì?


Chỉ cần có một chủ đầu tư, một nhà nhập khẩu đứng lên là chúng ta sẽ nhập được thôi, không khó khăn gì. Chiều 23/9 tới đây, 3 vị Chủ nhiệm hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội, 1 chuyên gia về môi trường, khí thải sẽ cùng sang nhà máy chuyên sản xuất xe túc túc ở Trung Quốc để tham quan, kiểm tra chất lượng loại xe đó.

Chúng tôi chưa chắc sẽ nhập xe của Trung Quốc. Đó chỉ là bước tiếp cận ban đầu để xem xét xe của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ …bên nào tốt hơn.


Hiện tại, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải chưa có phản hồi nào trước đề xuất trên.

Trong trường hợp đề xuất đó không được chấp nhận thì chúng tôi buộc phải chấp nhận thôi.

Chúng tôi xin nhắc lại, phương tiện này chỉ phục vụ ở đường liên thôn, liên xã, liên huyện thôi, chứ không được chạy trên đường quốc lộ. Trong đô thị thì tuyệt đối cấm rồi.

Theo tôi, phương pháp này chưa phải là triệt để, nhưng ít ra cũng hạn chế được số lượng xe máy vào đô thị.

Xe túc túc rất phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Hiện nay các nước hiện đại như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ…họ sử dụng xe này rất phổ thông. Chỉ cần bước qua biên giới là đã thấy xe túc túc rồi.

Xin cảm ơn ông!


Trao đổi với PV VTC News chiều 10/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng cho hay: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin gì cả. Do vậy, chưa thể trả lời báo chí vào lúc này”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ - Giảng viên ngành Quy hoạch và Quản lý Giao thông đô thị thuộc trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội nói: “Nếu xe thỏa mãn nhu cầu đi lại thì tốt chứ có gì đâu. Nói chung xe đi đâu chả phù hợp. Vấn đề đặt ra là nếu người ta cảm thấy phù hợp thì người ta mua thôi. Nếu nhập được vào thì càng tốt, đa dạng hóa chủng loại phương tiện”.

Tuy nhiên, ông Thụ bày tỏ lo ngại: “Việc mua xe túc túc về sử dụng chẳng liên quan gì tới việc hạn chế các phương tiện cá nhân như xe máy cả. Hai cái việc ấy khác nhau chứ.

Nếu nhập về đắt quá người ta cũng chẳng mua. Nếu không thích hợp, người ta cũng chẳng mua mà vẫn mua xe máy. Bản chất là các công ty kinh doanh đứng ra mua về bán như một loại hàng hóa bình thường ấy mà.

Xét về mặt văn hóa, văn hóa hay không ở con người chứ không phải ở cái xe. Muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì phải phát triển nhanh vận tải công cộng, đặc biệt là hệ thống metro. Thế thôi!”.
Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn