Vì sao vốn đầu tư tuyến buýt nhanh Số 1 của TP.HCM giảm 13 triệu USD?

Tin tức 24h quaThứ Tư, 12/08/2020 07:49:08 +07:00

Tổng mức đầu tư tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên của TP.HCM được đề xuất điều chỉnh từ 156 triệu USD xuống còn 143 triệu USD, giảm 13 triệu USD so với trước.

Tuyến BRT Số 1 dài 23km chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đi qua các quận, huyện: Bình Chánh, Bình Tân, 6, 5, 1, 2) là tuyến đầu tiên trong mạng lưới 6 tuyến BRT được quy hoạch của TP.HCM. Tuyến buýt nhanh này sẽ giao cắt với các tuyến Metro số 1, 2, 3A và số 5 trong tương lai.

Điểm đầu tuyến tại Bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (Quận 2) gồm các hạng mục: 1 depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt (sử dụng khí nén thiên nhiên - CNG).

Vì sao vốn đầu tư tuyến buýt nhanh Số 1 của TP.HCM giảm 13 triệu USD? - 1

Phối cảnh trạm BRT Số 1. (Ảnh: UCCI)

Nguyên nhân tổng mức đầu tư giảm do đã cắt giảm hết lãi vay trong thời gian xây dựng vì nguồn vốn vay được chuyển từ Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRT) sang vốn vay của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), cùng với việc tăng phần vốn đối ứng từ ngân sách thành phố thêm 7 triệu USD (từ 13,6 triệu USD thành 20,6 triệu USD).

Cũng trong văn bản về Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới (WB) gửi Thủ tướng ngày 10/8, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kéo dài thêm 3 năm so với quyết định trước đây (2014-2023).

Dự án xây dựng tuyết buýt nhanh Số 1 của TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/11/2013 với tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD (sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới). Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014 đến 2019).

Với các ưu điểm như tốc độ nhanh, chở được nhiều khách, chi phí đầu tư rẻ, thời gian thi công ngắn... các tuyến xe buýt nhanh được xem là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả tại TP.HCM.

6 tuyến BRT được phê duyệt tại TP.HCM:

- Tuyến số 1 chạy dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với chiều dài gần 23km.

- Tuyến số 2 theo đường Nguyễn Văn Linh từ Bến xe Miền Tây tới cầu Phú Mỹ, dài khoảng 24km.

- Tuyến số 3 dọc theo đường vành đai 2 từ ngã tư An Sương đến Bến xe Miền Tây mới có chiều dài khoảng 19km.

- Tuyến số 4 theo trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi từ đường Kha Vạn Cân đến công viên Chiến Thắng dài khoảng 14,5km.

- Tuyến số 5 theo trục đường Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong - nối dài ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh dài gần 9km.

- Tuyến số 6 dọc theo đường Quang Trung, theo hướng tuyến Monorail số 3 dài khoảng 8,5km.

(Nguồn: vnexpress.net)
Bình luận
vtcnews.vn