Vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm rất chặt ngón tay người lớn?

Đời sốngThứ Ba, 22/08/2017 08:00:00 +07:00

Trẻ khi mới sinh ra, cơ thể thường rất yếu ớt nhưng lại có thể nắm rất chặt ngón tay của mẹ. Vì sao lại như vậy?

Phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh

Ngay từ lúc mới chào đời, nếu bạn đưa tay vào lòng bàn tay bé, bé sẽ có phản xạ túm chặt lấy tay mẹ. Tuy nhiên đây chỉ là phản xạ nguyên thủy chứ chưa phải hành động cầm nắm có chủ đích. Phản xạ này có nguồn gốc tiến hóa từ loài linh trưởng.

Nhờ có phản xạ này mà linh trưởng con mới có thể bám chặt vào lông của linh trưởng mẹ để được che chở hoàn hảo hơn. Phản xạ này ở bé cũng chính là biểu hiện tìm kiếm sự an toàn nên cha mẹ có thể giúp con ổn định tâm lý hơn khi cho bé cầm tay. Vì khả năng điều khiển của bộ não còn thô sơ nên bé chỉ biết nắm chặt chứ chưa thể duỗi các ngón tay ra được.

Đây là lời giải đáp nếu mẹ thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm rất chặt ngón tay người lớn - ảnh 1

Phản xạ cầm nắm của trẻ sơ sinh là phản xạ nguyên thủy có nguồn gốc từ loài linh trưởng

Sự phát triển của phản xạ cầm nắm trong những tháng tiếp theo

Khi trẻ lớn dần lên, các phản xạ nguyên thủy cũng phát triển dần trở thành những kỹ năng vận động của cơ thể. Phản xạ cầm nắm cũng như vậy, từ tháng thứ 3 trở đi, phản xạ cầm nắm dần trở thành kỹ năng và hành động có ý thức.

- 3 tháng tuổi: các đầu ngón tay bắt đầu cử động được tương đối linh hoạt và bé có thể cầm nắm được một số loại đồ chơi.

- 4 tháng tuổi: Lúc này hệ thần kinh vận động của bé đã phát triển hơn, do đó em bé có thể tự mình tiếp cận đồ vật khiến bé bị thu hút, chẳng hạn như vật nào đó được đưa đến gần và nằm trong lòng bàn tay, bé sẽ ra sức giữ chặt món đồ yêu thích của mình.

- 5 tháng tuổi: bé đã có khả năng giữ chặt được đối tượng hay đồ vật giữa 2 lòng bàn tay của mình với kích thích nho nhỏ như quả bóng nhựa tròn chẳng hạn.

 - 6 tháng tuổi: Lúc này, bàn tay của trẻ đã linh hoạt hơn, bé có thể cào và với những vật nhỏ mà bé bị thu hút. Vì vậy, ở giai đoạn này cần đặt bé ở nơi an toàn đủ rộng, không nên để những vật nhọt nguy hiểm xung quanh bé.

- 7 tháng tuổi: bé đã có khả năng với tay lấy hay đòi món đồ chơi từ trong tay của bạn hay tay của người khác.

- 8 tháng tuổi: bé đã có thể điều khiển các ngón tay theo ý muốn của mình như cầm, nắm, nhặt một đồ vật bất kỳ mà bé muốn.

- 9 tháng tuổi: bé đã có thể vẫy tay chào mọi người theo lời mẹ bảo hoặc chơi trò vỗ tay một cách thích thú mỗi khi mẹ khuyến khích bé biểu diễn cho mọi người xem.

- 10 tháng tuổi: Lúc này bàn tay của trẻ đã linh hoạt và vững vàng hơn, phản xạ của bàn tay cũng chuẩn xác hơn. Bé đã có thể dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ để giữ thật chặt món đồ chơi yêu thích của mình.

- 11 tháng tuổi: Đến giai đoạn này, các động tác tay của trẻ đã vững chắc và bé có thể hoàn toàn kiểm soát được các hành động như nắm, kéo, giữ, cào, vỡ tay, vẫy tay…

Đây là lời giải đáp nếu mẹ thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm rất chặt ngón tay người lớn - ảnh 2

Phản xạ cầm nắm sẽ phát triển dần trong các tháng tiếp theo

Phản xạ cầm nắm có vai trò quan trọng với sự phát triển trí tuệ của trẻ

Phát triển và phân chia vai trò chỉ huy

Sau giai đoạn phản xạ cầm nắm nguyên thủy, bước sang tháng thứ 3, trẻ bắt đầu chú ý nhiều hơn đến môi trường xung quanh. Khi đó, não bộ sẽ đóng vai trò chỉ huy các hoạt động và phản xạ giúp bé từng bước bắt chước hoạt động cầm nắm của ngưới lớn. Đồng thời, thông quan hoạt động cầm nắm, não bộ được kích thích trở lại để phát triển. Dần dần, trẻ sẽ có khả năng điều khiển và phối hợp linh hoạt đôi tay của mình.

Đây là lời giải đáp nếu mẹ thắc mắc vì sao trẻ sơ sinh có thể nắm rất chặt ngón tay người lớn - ảnh 3

Phản xạ cầm nắm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ

Cảm nhận thế giới xung quanh

Trong năm đầu đời, cầm nắm là hoạt động chủ yếu giúp trẻ cảm nhận và khám phá mọi vật xung quanh của mình. Đó cũng là lý do các bé thường cố gắng tóm lại những đồ vật mới lạ khi được đưa lại gần. Sau quá trình cảm nhận, bé sẽ dần nhận thức được các tính chất của vật như mềm – cứng, ấm – lạnh… Đó là những bước đầu tiên trong quá trình tự học hỏi của trẻ.

Hình thành các cảm xúc tích cực

Ở độ tuổi sơ sinh, cảm xúc của bé thường mang tính chất bản năng tồn tại. Dần dần qua thời gian, cảm xúc sẽ dần chi phối bản năng. Để bé phát triển tốt hơn, mẹ hãy cố gắng hình thành những cảm xúc tích cực ngay từ nhỏ. Hoạt động cầm nắm chính là một cơ hội tốt để mẹ giúp con tạo được những cảm giác tích cực như vui vẻ, thích thú, hào hứng… từ khi còn nằm nôi.

Như Quỳnh (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn