Vì sao Tổng thống Joe Biden chưa điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình?

Thời sự quốc tếThứ Tư, 10/02/2021 07:06:00 +07:00

Gần 3 tuần từ sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tìm thời cơ thích hợp để lãnh đạo hai nước có cuộc điện đàm đầu tiên.

Cả Washington và Bắc Kinh đều mong muốn định hướng lại mối quan hệ song phương, vốn đang trong trạng thái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970.

Dẫu vậy, hai bên đều không có quá nhiều kỳ vọng. Ít ai tin rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nhanh chóng đảo chiều quan hệ Mỹ - Trung.

Khó hơn dự đoán ban đầu

Các thảo luận về khả năng tiến hành điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo khó khăn hơn nhiều so với những suy nghĩ ban đầu.

Điều đó phản ánh lập trường khác biệt đang đẩy hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng xa nhau, theo South China Morning Post.

Trong cuộc phỏng vấn với CBS được phát sóng cuối tuần qua, Tổng thống Biden nói hai nhà lãnh đạo "chưa có cơ hội trò chuyện với nhau", nhưng ông chủ Nhà Trắng bổ sung "không có lý do gì để không gọi" cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Washington và Bắc Kinh ban đầu đều coi Tết Âm lịch có thể là cơ hội để sớm phá băng, khởi động lại quan hệ. Tuy nhiên, cơ hội cuộc điện đàm diễn ra ngày càng mờ mịt, một nguồn tin từ Trung Quốc cho biết.

Vì sao Tổng thống Joe Biden chưa điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình? - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Getty)

Hôm 6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, người được coi là kiến trúc sư trưởng cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Cuộc gọi Blinken - Dương Khiết Trì được xem là để chuẩn bị trước cho điện đàm giữa lãnh đạo hai nước. Ông Blinken và ông Dương đã nêu ra những kỳ vọng và "quan tâm cốt lõi" của hai bên.

Nhưng khác biệt giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn rất lớn.

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ sẽ lên tiếng bảo vệ quyền con người, và "buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho âm mưu đe dọa ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì tuyên bố Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất với Trung Quốc, đồng thời Washington không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ khác của Bắc Kinh ở Tân Cương, Tây Tạng hay Hong Kong.

Hôm 8/2, Tân Hoa Xã đăng tải bài bình luận cho rằng cần có đối thoại "thẳng thắn và mang tính xây dựng" để hai bên hiểu rõ hơn ý định chiến lược của bên kia, và tái xây dựng lòng tin.

Tân Hoa Xã tuyên bố đã đến lúc Washington làm theo lời khuyên của Henry Kissinger, chính trị gia giúp thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung vào thập niên 1970. Hãng thông tấn này nói hai nước nên phối hợp để "xây dựng", thay vì làm rung chuyển thế giới.

Chính quyền Biden sẽ không hấp tấp

Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với CBS rằng ông biết "khá rõ" Chủ tịch Tập Cận Bình, nhờ 8 năm làm cấp phó của cựu Tổng thống Barack Obama.

"Tôi có lẽ là người dành nhiều thời gian nhất với ông Tập hơn bất cứ lãnh đạo thế giới nào khác", ông Biden nói.

Ông chủ mới của Nhà Trắng khẳng định sẽ có cách tiếp cận Trung Quốc khác với người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Tập Cận Bình cũng biết điều đó, bởi Bắc Kinh cũng đang "gửi đi tín hiệu".

"Chúng ta cần tránh xung đột, nhưng sẽ có cạnh tranh gay gắt. Tôi không định đi theo con đường ông Trump đã đi, và chúng ta sẽ tập trung vào luật pháp quốc tế", Tổng thống Biden nói.

Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc nói sớm hay muộn liên lạc trực tiếp cũng sẽ được thiết lập. Dẫu vậy, điều quan trọng là liệu liên lạc cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo có tác động thực chất lên quan hệ song phương hay không.

Vì sao Tổng thống Joe Biden chưa điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình? - 2

Ông Biden và ông Tập Cận Bình. (Ảnh: TNS)

"Hai nhà lãnh đạo hiểu đối phương đã thay đổi và trở nên thù địch hơn nhiều sau những năm qua", cố vấn giấu tên nhận định.

Sau khi đánh bại cựu Tổng thống Trump, ông Biden trao đổi với gần như tất cả lãnh đạo các nước lớn trên thế giới, trong đó có cuộc điện đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 1.

Nhưng ông Tập đến nay vẫn là một ngoại lệ.

Trước khi tiếp quản Nhà Trắng, đội ngũ của ông Biden đã phát đi thông điệp sẽ không vội vã xây dựng chính sách Trung Quốc. Chính quyền của ông Biden nói sẽ cần thời gian để đánh giá di sản cựu Tổng thống Trump để lại.

Dù tuyên bố sẽ dừng những công kích mang tính tuyên truyền, như gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc", chính quyền mới ở Washington sẽ thắt chặt quan hệ với các quốc gia có chung hệ giá trị để củng cố vị thế trước khi làm việc với Bắc Kinh.

"Đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại nhất"

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tuần trước, Tổng thống Biden gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh đáng lo ngại nhất" đối với Mỹ.

Tổng thống Biden cam kết "phản đối hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại những hành động cưỡng ép và hiếu chiến, đẩy lùi những cuộc tấn công về nhân quyền, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu từ Trung Quốc".

Trước đó, phát biểu trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 25/1, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận có sự cạnh tranh giữa hai cường quốc. Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc nói quan hệ giữa hai bên nên là cuộc cạnh tranh công bằng, thay vì triệt hạ lẫn nhau.

Các nhà quan sát nhận định Bắc Kinh đã chuẩn bị để phản kích nếu chính quyền Tổng thống Biden tăng cường áp lực.

Vì sao Tổng thống Joe Biden chưa điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình? - 3

Hôm 4/2, tàu khu trục USS John McCain đã đi qua eo biển Đài Loan lần đầu tiên dưới thời ông Biden. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ding Yifan, chuyên gia kỳ cựu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói dù hai ông Biden - Tập Cận Bình có quan hệ cá nhân như thế nào trong quá khứ, điều đó sẽ chỉ có tác động hết sức hạn chế tới tổng thể quan hệ song phương.

"Ông Biden phải thỏa hiệp với các lực lượng bài xích Trung Quốc ở Mỹ. Giờ không phải thời điểm thích hợp để ông Biden điện đàm (với ông Tập), khi mà Mỹ đang vật lộn chống đại dịch, còn Trung Quốc đã kiểm soát được sự lây lan của virus", ông Ding nói.

"Nhưng cuộc phỏng vấn với CBS gửi đi một tín hiệu khôn ngoan và hợp lý rằng Mỹ muốn tránh chiến tranh nóng với Trung Quốc, trong khi cạnh tranh về thương mại và công nghệ sẽ tiếp tục", ông Ding nhận định.

Lu Xian, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng thời điểm cuộc điện đàm không có nhiều ý nghĩa trong việc định hình lại mối quan hệ mà hiện "đã đi vào vùng biển động".

Chuyên gia người Trung Quốc cho rằng hai bên cần đặt ra luật lệ cho cạnh tranh song phương, thay vì né tránh vấn đề.

Điều Bắc Kinh muốn là nhìn thấy bức tranh toàn cảnh, ý tưởng tổng thể về cách ông Biden nhìn nhận quan hệ song phương.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp