Vì sao tân Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang lại làm việc ở Singapore?

Kinh tếThứ Năm, 22/03/2018 07:49:00 +07:00

Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) - 'cô gái vàng' của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam và sẽ làm việc tại trụ sở của Facebook ở Singapore; vì sao vậy?

Các trung tâm máy chủ và kho dữ liệu chính của facebook vẫn là ở Hoa Kỳ, trong khi châu Âu có hai trung tâm ở Ireland và Thụy Điển, ở châu Á, cho đến nay, Singapore là nơi công ty này đặt trung tâm dữ liệu và máy chủ lớn nhất. Bên cạnh Singapore còn có Hồng Kông (Trung Quốc).

Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) - 'cô gái vàng' của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, đồng sáng lập startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể Misfit Wearables, vừa được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam. Lê Diệp Kiều Trang sẽ làm việc tại trụ sở của Facebook ở Singapore.

Cùng với Google, Facebook được xem là con "quái vật" trong làng công nghệ với lượng người dùng khổng lồ, đủ sức chi phối ngành Internet thế giới.

Tính đến quý III/2017, Facebook có hơn 2,07 tỷ người dùng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1,37 tỷ người đăng nhập mỗi ngày và 1,15 tỷ trong số đó là người dùng di động.

Lượng ảnh upload mỗi ngày là 300 triệu. Mỗi 60 giây trên Facebook có 510.000 conment đăng tải, 293.000 status được cập nhật và 136.000 ảnh đăng tải.

1

Lê Diệp Kiều Trang trở thành Giám đốc Facebook Việt Nam. 

Sự bành trướng quá mạnh mẽ của Google, Facebook khiến chính phủ nhiều nước lo ngại và tìm cách đưa ra giải pháp quản lý các doanh nghiệp này. Thực tế, việc yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ hay văn phòng đại diện tại nước sở tại không phải câu chuyện của riêng quốc gia nào.

Câu chuyện “quản” Facebook, Google chỉ xoay quanh 2 vấn đề chính là thuế và dữ liệu người dùng. Ở cả 2 vấn đề này, chính phủ nhiều nước đều đang gặp khó với những ông lớn này. Thậm chí, ngay cả chính phủ Mỹ cũng tỏ ra e ngại với vòi bạch tuộc của các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon.

Mark Zuckerberg - nhà sáng lập Facebook nói ban đầu mạng xã hội này chỉ đặt trong phòng sinh viên của Mark Zuckerberg ở Harvard, và dùng một máy chủ duy nhất.

Nhưng đó là khi Facebook ra đời tháng 2/2004. Còn nay, Facebook phải xử lý mỗi ngày hàng tỷ lần nhấn 'like' và hàng nghìn tỷ tin nhắn, nên họ đã có những trung tâm dữ liệu khổng lồ.

2

  Trung tâm dữ liệu công nghệ cao của Facebook ở Lulea, phía bắc Thụy Điển, cách Bắc Cực 112 km. 

Theo Business Insider (tháng 4/2017), trung tâm dữ liệu chính của Facebook là ở Prineville, bang Oregon, Hoa Kỳ. Tại đây, các máy chủ hiện đại nhất do Facebook tự thiết kế và xây dựng dùng số dây điện và dây cáp chuyên dụng dài tổng cộng 950 dặm.

Theo trang Cnet, Facebook nói nhờ thiết kế máy chủ riêng thay cho máy đi mua, từ 2010 hiệu năng của công tác truyền dữ liệu tăng 38%, cùng lúc chi phí giảm 25%. Nhưng Facebook không đặt máy chủ ở quá nhiều nơi.

Cho đến nay, ngoài việc tăng diện tích và công suất của trung tâm Prineville, họ đã xây thêm các trạm xử lý dữ liệu tại Forest City (North Carolina), Fort Worth (Texas), Altoona (Iowa) và Los Lunas (New Mexico).

Như vậy, các trung tâm máy chủ và kho dữ liệu chính của Facebook vẫn là ở Hoa Kỳ. Châu Âu có hai trung tâm: Clonee (CH Ireland), và Lulea (Thụy Điển).

Ở châu Á, cho đến nay, theo chính các thông tin do Facebook đưa ra, Singapore là nơi công ty này đặt trung tâm dữ liệu và máy chủ lớn nhất. Bên cạnh Singapore còn có Hồng Kông.

Như vậy, Facebook cũng không đi ra ngoài truyền thống của các công ty dùng tiếng Anh trong kinh doanh là chọn Singapore và Hồng Kông để bước vào châu Á.

Nhưng với số người dùng Facebook ở châu Á lên trên 500 triệu, có tin Facebook đang nói chuyện với Đài Loan để đặt thêm một trung tâm máy chủ tại đây.

Suốt từ 2012 đến nay, báo chí Ấn Độ nói ra rả về việc chính phủ yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ tại nước này nhưng câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Theo lý giải của chính phủ Ấn Độ, họ yêu cầu Facebook, Google đặt máy chủ trong nước là để bảo vệ sự riêng tư của công dân mình. “Chính phủ muốn đảm bảo dữ liệu từ Ấn Độ được giữ lại đất nước trên các server địa phương”, trang Next Big What nói. Họ quyết liệt làm điều này sau khi có thông tin về việc chính phủ Mỹ có “cửa hậu” để truy cập dữ liệu lưu trữ bởi 9 công ty lớn, trong đó có Facebook, Google, Microsoft, Apple.

Theo trang TheHindu.com, để đặt máy chủ ở Ấn Độ, các công ty như Facebook phải đăng ký tư cách pháp nhân địa phương như một công ty Ấn Độ, điều mà Facebook không làm.

Có vẻ như là việc xây trung tâm dữ liệu là quyết định kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia mà một chính phủ không thể ép buộc được. Để mời gọi các công ty đặt máy chủ thì quốc gia chủ nhà cần có cơ sở pháp lý tốt về bảo mật, nền tảng công nghệ cao, chính sách ưu đãi đầu tư.

Nước nhỏ như Ireland (4,7 triệu dân) không chỉ dùng tiếng Anh và luật theo hệ thống Anh Mỹ mà còn là cửa ngõ vào EU, đồng thời có chính sách thuế hấp dẫn.

3 3

Văn phòng Facebook ở Singapore.  

Năm 2015, khi Facebook bỏ ra 200 triệu euro để xây thêm trung tâm dữ liệu tại Clonee, cách thủ đô Dublin có 30 phút chạy xe thì Microsoft cũng xin giấy phép xây thêm trung tâm dữ liệu thứ năm ở West Dublin.

Cùng lúc, Apple tuyên bố chi ra con số khổng lồ 850 triệu euro để xây một trung tâm dữ liệu tại Galloway, tỉnh Connacht, phía tây Ireland.

Từ lâu, Ireland đã được IBM chọn (năm 1996) làm nơi đặt trụ sở châu Âu của họ, cũng nhờ môi trường chính sách ưu tiên đầu tư công nghệ rất thoáng.

Tại thị trường Việt Nam, Facebook là một trong những công cụ quảng cáo trực tuyến được sử dụng nhiều nhất cùng với Google. Riêng doanh thu của Google, Facebook tăng chóng mặt, lên đến lần lượt 65 triệu USD và 80 triệu USD trong năm 2014. Năm 2015, doanh thu của Google tại Việt Nam ước khoảng 100 triệu USD, trong khi Facebook là khoảng 150 triệu USD.

Yêu cầu Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam được đưa ra tại Dự thảo Luật an ninh mạng đã gây nhiều tranh cãi.

Video: Một phụ nữ thoát chết nhờ bài đăng trên facebook

Dự thảo Luật an ninh mạng của Việt Nam quy định tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, đến tháng 1/2018, cho ý kiến về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, dự thảo luật lần này đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý thành "các doanh nghiệp nước ngoài phải "đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam khi có 10.000 người sử dụng dịch vụ hoặc yêu cầu của Chính phủ Việt Nam".

Theo The Next Web, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới. Tính đến tháng 7/2017, Việt Nam có 64 triệu người dùng Facebook, chiếm 3% trong tổng số tài khoản Facebook đang hoạt động toàn cầu, đứng thứ 7 thế giới.

>>> Đọc thêm: Toyota Việt Nam thừa nhận hơn 20.000 chiếc ô tô dính lỗi

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn