Vì sao siêu dự án Gamuada xin rút khỏi khu B?

Kinh tếThứ Tư, 23/07/2014 07:30:00 +07:00

(VTC News) - Do chi phí giải phóng mặt bằng đội lên tới khoảng 10 lần, nên mới đây chủ đầu tư của siêu dự án Gamuda đã xin rút khỏi khu B của dự án này.

(VTC News) - Do chi phí giải phóng mặt bằng đội lên tới khoảng 10 lần, nên mới đây chủ đầu tư của siêu dự án Gamuda (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) đã xin rút khỏi khu B của dự án này.

Vào tháng 12/2007, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã chính thức được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Theo đó, Công ty Gamuda Land Việt Nam sẽ xây dựng 2 hạng mục là nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và công viên Yên Sở. Đối lại, Gamuda Land sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên với tổng diện tích lên tới gần 500 ha.

Gamuda, bất động sản, địa ốc, nhà đất,
Dự án Gamuda. Ảnh: Châu Anh 
Đến tháng12/2011, sau 3 năm triển khai, Gamuda Land Việt Nam đã xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải và Công viên Yên Sở với chi phí lên tới 350 triệu USD. Trong đó, 250 triệu USD cho nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và 100 triệu USD cho công viên Yên Sở.


Sau khi 2 hạng mục này hoàn thành, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định giao 82ha đất nằm trên địa bàn phường Yên Sở và Trần Phú, thuộc quận Hoàng Mai cho doanh nghiệp này để xây dựng Khu dân cư Gamuda Gardens. Trong 82ha đất này có 22,5ha đất dự án sẽ dành để xây dựng nhà liền kề, biệt thự, chung cư.

Hiện dự án mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1 của Khu đô thị Gamuda Gardens được triển khai từ năm 2012. Giai đoạn 1 của Dự án gồm 364 căn nhà liền kề, biệt thự. Hiện các căn hộ đã được hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách vào cuối tháng 3 này.

Gamuda City do tập đoàn Gamuda Berhad, Malaysia đầu tư bao gồm 4 hạng mục chính: Công viên Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes.

Trong đó, Công viên Yên Sở là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ba hạng mục còn lại là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes được xây dựng dưới hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT).


Mới đây, ngày 8/7/2014 Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản thông báo kết luận của về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với dự án công viên Yên Sở.

Đáng chú ý, Chủ tịch Thành phố đã chấp thuận đề nghị của chủ đầu tư dừng triển khai dự án khu B thuộc dự án Gamuda City.


Lý giải về việc xin dừng triển khai dự án khu B thuộc dự án Gamuda City này, ông Cheong Ho Kuan, Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land Việt Nam cho hay, để triển khai dự án, việc giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể là UBND quận Hoàng Mai và Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai. Nhà đầu tư sẽ ứng trước tiền để thanh toán các chi phí đền bù GPMB để đẩy nhanh tiến độ và sẽ được thanh toán số tiền đã ứng trước.

Đối với khu B thuộc Dự án Công viên Yên Sở, do những thay đổi về luật đền bù, chi phí GPMB tăng đột biến từ 20 triệu USD cho cả hai dự án Khu A & Khu B (đã được cấp phép trong Giấy phép đầu tư ngày 3 tháng 12 năm 1997) lên đến khoảng 150 triệu USD chỉ riêng cho Khu B tại thời điểm hiện tại. Do đó, nhà đầu tư không thể tiếp tục ứng trước chi phí này trong khi chính quyền địa phương không thể tiến hành việc GPMB.

Về tương lai của Khu B, theo văn bản số 140/TB-VP của Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Khu B Công viên Yên Sở sẽ được triển khai theo hình thức BT.

Đối với Gamuda, trong trường hợp chính quyền địa phương thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng cho Khu B, Gamuda vẫn sẽ tiếp tục triển khai đầu tư vào dự án này. Việc thay đổi hình thức đầu tư của khu B thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố và Nhà đầu tư sẽ tuân thủ theo quyết định của UBND Thành phố.

Cách đây không lâu, chủ đầu tư của siêu dự án này cũng đã đề xuất xin điều chỉnh quy hoạch công viên Yên Sở, bổ sung thêm chức năng nhà ở thương mại.

Việc điều chỉnh này được giải thích là để tạo thêm nguồn thu bù đắp chi phí. Điều này đã khiến dư luận một lần nữa đặt câu hỏi về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án này.

Lý giải về đề xuất xin điều chỉnh này, ông Cheong Ho Kuan - Tổng Giám Đốc công ty Gamuda Land Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và dựa trên thực tế cơ sở hạ tầng và sự phát triển chung của khu vực, việc xin điều chỉnh chức năng sử dụng đất của khu chức năng đô thị ngoài việc giúp tháo gỡ khó khăn trong việc thu hồi vốn trong việc đầu tư phát triển công viên Yên Sở, thì còn là giải pháp làm tăng tính khả thi của Khu chức năng đô thị này, nhất là với thực trạng phân khúc thương mại cho thuê và bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Sau gần 8 năm triển khai dự án, nguồn doanh thu từ việc bán nhà mới thu được khoảng 10% tổng giá trị đầu tư. Rõ ràng dự án vẫn chưa có lợi nhuận, chủ đầu tư chưa có lãi. Nhiều ý kiến cho rằng dự án này đang bị “sa lầy”.

Vị Tổng Giám Đốc công ty Gamuda Land Việt Nam cũng thừa nhận: “Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam năm 2007, chúng tôi đã chuẩn bị gặt hái thành công cũng như lường trước để đối mặt với những khó khăn và mọi tình huống của thị trường”.

Về vấn đề thị trường và tính thanh khoản của sản phẩm, ông Cheong Ho Kuan cho rằng, có những giải pháp linh hoạt như cam kết tiến độ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, xây dựng chính sách thanh toán linh hoạt và tạo thêm rất nhiều tiện ích nhằm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm.

Về mặt tài chính và đầu tư, ông Cheong Ho Kuan cho biết, hiện công ty vẫn nhận được sự hậu thuẫn từ công ty mẹ là Tập đoàn Gamuda Berhard.

“Chúng tôi tin với những yếu tố đó, chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp tục tiến hành đầu tư và hoàn thành dự án như chiến lược đã ban đầu”, ông Cheong Ho Kuan.

Kế hoạch phát triển tiếp theo của dự án được ông Cheong Ho Kuan  tiết lộ là, khi giai đoạn I của Khu đô thị Gamuda Gardens hoàn thiện và số lượng sản phẩm bán ra đã được 70%, chúng tôi đã bắt đầu triển khai kế hoạch cho giai đoạn II với một loạt các sản phẩm mới bao gồm biệt thự đơn lập, nhà liền kề tiêu chuẩn và chung cư. Chúng tôi sẽ sớm công bố và giới thiệu các sản phẩm này tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, trong khuôn khổ giai đoạn I của dự án, Nhà câu lạc bộ đã hoàn thành 95% và sẵn sàng đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Dãy nhà phố thương mại đang được chào thuê cũng sẽ góp phần hoàn thiện các tiện ích cơ bản cho dân cư Gamuda Gardens trong thời gian tới.

Đồng thời, trường Quốc tế Singapore đã hoàn thành giai đoạn đóng cọc, chuẩn bị tiến hành phần móng và dự kiến sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên trong năm học mới tới đây.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn