Vì sao quan tham Trung Quốc thích có "bồ nhí"?

Thế giớiThứ Năm, 10/01/2013 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tân Hoa Xã từng thống kê rằng: 95% các quan tham nước này có “phòng nhì”, 65% quan tham bị pháp luật sờ gáy do các cô bồ xinh đẹp.

(VTC News) - Cảnh sát và xe cấp cứu vội vã tới hiện trường khi nhận được tin cặp đôi cãi vã rồi nhảy xuống hồ tự tử, nhưng tất cả đã muộn. Vụ chết đuối tưởng chừng không mấy đặc biệt nhưng ẩn sau nó là nhiều câu chuyện bất ngờ.

Vụ chết đuối trong đêm
"Bồ nhí" là xu hướng lựa chọn của các quan tham - Ảnh minh họa 
Sau khi vớt được xác hai nạn nhân từ hồ Minh Nguyệt, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cảnh sát thu được một tấm thẻ công vụ ghi số 10008201.
Ở Dương Châu, mỗi nhân viên nhà nước đều có thẻ ghi số hiệu riêng. Từ đó, danh tính người đàn ông chết đuối được xác định là Trâu Quốc Xuân, Trưởng phòng quản lý khu công nghệ cao của thành phố Dương Châu. Ông Trâu còn kiêm chức Phó trưởng phòng xây dựng khu công nghệ cao.
Việc ông Trâu đã có vợ con và cả cháu nội cháu ngoại đề huề nhưng lại chết bên cạnh một phụ nữ trẻ khiến báo chí các thành phố ở Giang Tô đổ dồn về Dương Châu. Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội, vụ việc cũng được đồn thổi theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Có người bảo đây là mối tình kiểu Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, người khác lại bảo quan hệ tình - tiền v.v. Đồn đoán mãi, cư dân mạng đi đến kết luận: Đợi xem báo chí làm nổi phần chìm của tảng băng trong vụ chết đuối đáng ngờ.
Nhân viên của ông Trâu khai với cảnh sát rằng, sáng 6/5/2012, ông Trâu vẫn làm việc ở văn phòng rồi đến trưa mới rời khỏi, nhưng không ai biết ông đi đâu. Cuộc họp của phòng cũng bị hoãn lại do trưởng phòng không tới, di động không liên lạc được.
Một ngày sau, xác của ông Trâu được vớt lên từ hồ Minh Nguyệt, cách văn phòng làm việc khoảng 20 km.
Các nhân chứng nói, khoảng 7h tối ngày 6/5 họ nghe thấy tiếng một phụ nữ kêu gào dưới hồ: “Cứu tôi với, cứu tôi với”. 
Sau đó, một người đàn ông dáng vẻ vội vã, không kịp cởi áo khoác nhảy từ trên cầu cao cách mặt hồ 5 m xuống, cả hai vật lộn trong vài phút rồi chìm hẳn.
Lượng xe cộ qua lại trên cầu bỗng dồn cứng lại do lượng người hiếu kỳ ngày một đông. Tuy nhiên, không ai dám nhảy xuống hồ trong đêm tối để cứu người.
Trong chiếc xe ô tô của người phụ nữ để lại tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy một quyển sổ tay. Đáng chú ý trong đó là đoạn viết: “Tự tôi biết rằng, đã có quá nhiều chuyện xảy ra. Tôi không chịu đựng nổi nữa, chỉ biết trách mình quá tin người, quá ngu ngốc. Giờ đây tôi chỉ biết căm hận bản thân…".
Có khá nhiều nghi vấn về những phút cuối cùng của hai nạn nhân. Việc họ đi hai chiếc xe lên cầu khiến người ta đặt ra nhiều khả năng: Hai người vô tình gặp nhau trên cầu rồi cãi vã, sau đó chuyện đáng tiếc xảy ra. Khả năng khác là cô gái đã gọi điện cho ông Trâu, nói rằng mình muốn tự tử. Cô gái viết đoạn thư tuyệt mệnh rồi nhảy xuống hồ tự vẫn, ông Trâu nhảy xuống cứu nhưng không kịp.
Cho tới nay, manh mối của vụ việc vẫn chưa được công khai với báo giới, mọi thông tin vẫn chỉ dừng ở những phỏng đoán của cư dân mạng.
Báo mạng china.com.cn dẫn nguồn tin ẩn danh nói đã có mối tình giữa ông Trưởng phòng 56 tuổi và cô gái 25 tuổi. Tuy nhiên, cơ quan của ông Trâu từ chối bình luận trong khi gia đình ông từ chối tiếp xúc báo chí.
Vì sao quan tham Trung Quốc hay bao gái?
Liên quan đến những vụ tham ô, tham nhũng ở Trung Quốc, hồi đầu năm nay, Tân Hoa Xã từng thống kê rằng: 95% các quan tham nước này có “phòng nhì”, 65% quan tham bị pháp luật sờ gáy do các cô bồ xinh đẹp vốn quen thói “dựa bóng nhà quan” để vung tiền mua sắm hoặc làm ăn phi pháp.
Biểu đồ cho thấy số lượng quan tham bị bắt ở Trung Quốc những năm qua 

Cũng có nhiều vụ quan tham bị phát hiện do chính vợ mình khai với cảnh sát. Điều này được cho là sự uất ức dồn nén lâu ngày khi những bà vợ gắn bó với chồng từ thuở nghèo khó nay phải chịu cảnh “phòng không lẻ bóng đi về”.
Xét từ góc độ tâm lý, các chuyên gia ở Trung Quốc cho rằng quan tham nước này khi đã có tiền, có quyền trong tay thường nảy sinh tâm lý: Đã làm quan là phải có thê thiếp, phải được “yến yến oanh oanh ríu rít xung quanh”, hoặc đơn giản hơn là để có thể trở nên “có số má” trong mắt người khác.
Nói về tư cách của một cán bộ, Tân Hoa Xã hồi tháng 5 vừa qua đăng bài xã luận, trong đó khẳng định: Khi xưa người Trung Quốc có câu tục ngữ rằng “Đức bất hậu giả, bất khả sử dân” (Người không có đức thì không thể điều động dân chúng), nhưng nay nên đổi là “Đức bất hậu giả, bất khả vi quan” (Người không có đức thì không thể làm cán bộ).
Vụ vợ tố chồng ăn tiền nhà nước, “lập phòng nhì” xảy ra đầu tiên ở Trung Quốc được cho là từ năm 2011. Khi đó, một phụ nữ lấy tên Lá thu trong ánh hoàng hôn viết trên weibo (một dịch vụ nhật ký trên internet khá phổ biến ở Trung Quốc) rằng chồng cô cậy mình có tiền có quyền nên công khai nuôi bồ nhí.
Nhưng một tháng sau, weibo của cô vẫn chẳng có ai ngó tới. Tận đến khi tên tuổi người chồng được công khai, bài viết trên weibo của cô lan truyền với tốc độ chóng mặt. 
“Có lẽ tôi sắp là kẻ phạm tội giết người. Chồng tôi, Chu Tiểu Hồng, trưởng phòng đất đai huyện Khai Hoa, tỉnh Chiết Giang công khai nuôi bồ nhí, sắm xe, sắm nhà rồi ở với nhau như vợ chồng. Cuộc sống của tôi trôi qua trong đau khổ, dằn vặt từng ngày”.
Nửa tháng sau khi bài viết gây xôn xao cộng đồng mạng, ông Chu bị cách chức và cho tới nay vẫn đang trong quá trình bị điều tra: Số tiền mua nhà, mua xe lấy ở đâu ra. Do vi phạm kỷ luật đảng về lối sống, đạo đức, ông Chu cũng bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Nguyên Vũ (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn