Vì sao ông Trump ra lệnh ‘đóng băng’ các khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine?

Thế giớiThứ Ba, 24/09/2019 15:26:00 +07:00

Tổng thống Trump ra lệnh tạm ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine do lo ngại tình trạng tham nhũng sẽ "ăn mòn" số tiền này, The Washington Post cho biết.

Quyết định được đưa ra ít nhất một tuần trước cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời không liên quan gì tới nhà lãnh đạo Ukraine, The Washington Post, dẫn lời 3 quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, hôm nay, 24/9, cho biết.

Theo các nguồn tin này, chỉ lệnh của ông Trump được chuyển tới Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc hồi giữa tháng 7, trong khi cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo mãi đến ngày 25/7 mới diễn ra. The Washington Post cũng cho biết, ông Trump cảm thấy hoài nghi về sự cần thiết phải phân bổ số tiền này, và ông muốn tìm hiểu kỹ về cách chúng được chi tiêu.

Theo lời khẳng định của một quan chức trong chính quyền Mỹ, Tổng thống Trump đang rất lo ngại về tình trạng tham nhũng "vượt tầm kiểm soát ở Ukraine". Trong khi đó, một nguồn tin khác lại bác bỏ các cáo buộc cho rằng ông Trump đã có ý định gây áp lực lên nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky. “Ở đây không có bất cứ sai phạm nào liên quan đến nguyên tắc” - nguồn tin khẳng định.

1

Tham nhũng mới là lý do khiến ông Trump ra lệnh ‘đóng băng’ các khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine. (Ảnh: The White House)

Không những thế, quyết định “đóng băng” nguồn tài trợ này, theo đại diện chính quyền Mỹ, trên thực tế đã được rục rịch đề cập tới từ thời điểm năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9 năm ngoái. Tuy nhiên, khi đó, Nhà Trắng lo sợ rằng nếu số tiền mà Quốc hội đã phê chuẩn trước đó không được sử dụng, thì điều này có thể bị coi là hành vi vi phạm luật.

Vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Vào cuối tháng 8, tờ Politico của Mỹ đưa tin ông Trump đã ra lệnh xem xét lại nguồn hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Theo tờ báo này, người đứng đầu chính quyền Mỹ muốn đảm bảo rằng số tiền này sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất từ quan điểm lợi ích của Mỹ. Trong thời gian kiểm toán, số tiền này đã bị “đóng băng”.

Quyết định của ông Trump vấp phải sự phản đối gay gắt từ cơ quan lập pháp. Các nghị sỹ từ cả đảng Cộng hòa cầm quyền và đảng Dân chủ đối lập, công khai cảnh báo Nhà Trắng rằng họ sẽ khôi phục các khoản tài trợ trong chương trình hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nếu như chính quyền ngừng cung cấp hoàn toàn hoặc cắt giảm số tiền này. Trong trường hợp đó, Tổng thống Mỹ chỉ có thể ngăn chặn các hành động của Quốc hội bằng cách sử dụng quyền phủ quyết.

Ngày 12/9, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tiết lộ với hãng tin TASS rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này đang bắt tay thực hiện các cam kết hỗ trợ quốc phòng – an ninh cho Ukraine. Đó là các khoản hỗ trợ khoảng 250 triệu USD từ Lầu Năm Góc và khoảng 140 triệu USD nữa từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nội dung điện đàm giữa hai Tổng thống

Ngày 20/9, tờ The Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin thân cận, cho biết trong cuộc điện đàm hồi tháng 7, “có khoảng 8 lần” ông Trump đề cập đến việc yêu cầu Tổng thống Zelensky tạo điều kiện hỗ trợ cho luật sư riêng của ông là Rudolph Giuliani – người ủng hộ tiến hành điều tra vụ việc liên quan tới cựu Phó Tổng thống Mỹ Jose Biden và con trai ông Biden.

Theo tờ báo Mỹ, ông Giuliani thừa nhận rằng các cuộc gặp gỡ của mình với các quan chức Ukraine trong tháng 6 và tháng 8 là nhằm thảo luận về vấn đề này. Luật sư riêng của ông Trump khẳng định ông Biden, với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ, có thể đã gây áp lực với Kiev để chấm dứt cuộc điều tra chống lại công ty khí đốt Burisma – công ty Ukraine có mối liên hệ với con trai ông là Hunter. Các nhà chức trách ở Kiev thông báo rằng không có bất kỳ sự kết án nào đối với ông Joe Biden lẫn con trai ông cả.

Các đối thủ chính trị của ông Trump trước đó có lên tiếng về một kịch bản mà theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ bóng gió trong cuộc điện đàm với ông Zelensky rằng ông sẽ chặn đứng việc phân bổ viện trợ quân sự cho Ukraine, nếu Kiev từ chối điều tra.

Các nghị sĩ Dân chủ tại 3 Ủy ban của Hạ viện Mỹ khởi xướng một cuộc điều tra liên quan đến nội dung trao đổi giữa hai Tổng thống. Họ tin rằng ông Trump, cũng như luật sư Giuliani và những người thân cận xung quanh ông Trump, đang cố gắng “xúi giục” Ukraine gián tiếp giúp đỡ người đứng đầu chính quyền Washington tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.

Ông Biden hiện là đối thủ tiềm năng của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông đang đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn