Vì sao ông Trần Đăng Tuấn từ chối mức lương 10.000 USD?

Thời sựThứ Sáu, 12/11/2010 03:00:00 +07:00

(VTC News) – Theo Thạc sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ tư vấn tâm lý, giảng viên ĐH KHXH&NV Hà Nội, đó là điều hết sức bình thường.

(VTC News) - Việc ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), cho đến thời điểm này, vẫn khước từ lời mời làm việc cho AVG với mức lương 10.000 USD/tháng để làm biên tập viên ở VFC tiếp tục thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Nhưng theo Thạc sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ tư vấn tâm lý, giảng viên ĐH KHXH&NV Hà Nội, đó là điều hết sức bình thường.

- Việc ông Trần Đăng Tuấn làm đơn xin thôi giữ chức Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), theo ông thì đâu là nguyên nhân?

Trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn xin từ chức rời ghế cũng là điều dễ hiểu. Thông thường khi người ta xin rời ghế, thôi giữ chức có nhiều yếu tố sâu xa, thông thường mọi người sẽ nghĩ ra đi vì vấn đề kinh tế. Trường hợp của ông Tuấn, ở một cương vị như ông thì không thể vì mặt kinh tế. Với những người ở vị thế lãnh đạo và tài năng như ông Tuấn thì thu nhập cũng chỉ là vấn đề rất nhỏ bé, thậm chí không là gì cả.

Tôi nghĩ có thể là do môi trường làm việc mà thôi. Những người lãnh đạo như ông Tuấn, họ muốn sự thử thách, muốn trải nghiệm những cái mới, hoặc có thể trong môi trường công việc hiện tại họ cảm thấy quá áp lực... Vì vậy, người ta cần có sự thay đổi để mà cân bằng cuộc sống với gia đình hơn.

Khi nói đến góc độ nghề nghiệp, thường người ta chỉ nói tới giá trị vật chất chứ ít khi nói tới nội dung lao động hay những giá trị mà nghề nghiệp ấy đem lại cho cá nhân.

Theo tôi hiểu, trong trường hợp của ông Tuấn, rõ ràng ông sẵn sàng rời bỏ vị trí cao cấp ấy để mà chọn một vị trí thấp hơn. Như bài thơ mà ông có tâm sự được báo chí đăng tải thì theo tôi hiểu, ông không chịu nổi áp lực của công việc, áp lực của môi trường làm việc. Cũng có thể, những thử thách trong công việc đã không còn nữa, nó trở nên nhàm chán. Trước đây nó là khó khăn, thử thách để ông phấn đấu vượt qua, còn giờ đây, khi mà tất cả những thử thách ấy ông đã vượt qua, mọi thứ đã trở nên bình thường thì ông ra đi để tìm lại một môi trường thử thách mới. Đó là điều dễ hiểu.

Trường hợp của ông Trần Đăng Tuấn rất giống với thời xưa, thời mà khi có những người từ quan về ở ẩn. Đó là chuyện bình thường, bởi vì họ muốn có một số thay đổi, muốn sống cho gia đình, cho bản thân mình nhiều hơn. Tôi nghĩ điều ấy là tốt.

 Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà: "Việc ông Tuấn từ chối mức lương ấy cũng là điều dễ hiểu". (Ảnh: NP)
- Ban đầu có thông tin nói rằng ông Tuấn xin thôi giữ chức Phó TGĐ Đài THVN để chuyển sang một công ty tư nhân. Và trên thực tế hiện nay, đang có xu hướng những người công tác trong các đơn vị nhà nước chuyển sang tư nhân. Theo ông, việc này nói lên điều gì?

Nếu thực sự ông Tuấn rời chức vụ của mình để sang làm cho một công ty tư nhân và xu hướng rời bỏ các đơn vị nhà nước để công tác tại các doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước thì nó cho thấy thực sự đang có sự chảy máu chất xám. Sự chảy máu chất xám này vừa là điều mừng nhưng cũng lại là một điều đáng lo ngại.

Điều đó nói lên rằng những công ty ngoài quốc doanh đã dần có đủ năng lực cạnh tranh, tiềm lực để mà cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài cho mình. Đó là điều đáng mừng. Trước đây, những người có tài năng họ phải đi ra nước ngoài. Như vậy là chảy máu chất xám ra nước ngoài, chúng ta mất hẳn những người tài giỏi. Còn ở đây, những người tài họ rời doanh nghiệp nhà nước để công tác ngoài quốc doanh thì dù sao vẫn là trong nước, họ vẫn làm trong nước và đóng góp cho sự phát triển của đất nước, điều đó là vẫn rất tốt.

Lo ngại bởi xu hướng đó cho chúng ta thấy rằng, phải chăng có vấn đề gì liên quan tới mặt tổ chức không? Liên quan tới việc đãi ngộ cán bộ hay không? Và việc sử dụng và trọng dụng người tài ra sao để tạo ra “luồng” chảy máu chất xám như vậy?

- Hiện nay, sau khi nhận quyết định đồng ý để ông Tuấn thôi giữ chức Phó TGĐ Đài THVN, ông đã khước từ lời mời làm việc cho AVG với mức lương 10.000 USD/tháng để làm BTV cho VFC. Ông có suy nghĩ thế nào về điều này, xét ở góc độ tâm lý?

Đó là việc hết sức bình thường, bởi ông Trần Đăng Tuấn làm đơn xin thôi giữ chức vụ Phó TGĐ Đài TNVN chứ không phải ông xin thôi việc. Tức là ông không rời bỏ VTV. Ông Tuấn bỏ VTV lại là chuyện khác và ông không bỏ VTV lại là chuyện khác.

Khi ông không giữ chức Phó TGĐ thì ông Tuấn vẫn là người của VTV. Và đương nhiên, khi đó ông sẽ vẫn phải theo sự sắp xếp công việc, vị trí công tác VTV theo nguyện vọng của ông Tuấn là chuyện bình thường.

Nếu ông xin nghỉ ở VTV thì việc ông đi đâu lại là quyền của ông Tuấn.

Còn việc ông Tuấn từ chối mức lương ấy cũng là điều dễ hiểu. Bởi như chúng ta thấy, cuộc sống của mọi người không phải sống vì đồng lương mà là sống bằng bổng lộc mà vị trí công tác đem lại. Với ông Tuấn, như tôi đã nói ở trên, với ông giờ đây mặt kinh tế không còn quan trọng. Mà theo tôi, rất có thể, đó là công việc mà ông yêu thích và muốn cống hiến cho nó nhưng thời gian qua ông chưa có cơ hội để làm điều đó. Giờ đây, khi mà ông đã có đầy đủ thời cơ, khả năng để đầu tư cho công việc mà mình yêu thích và ông làm mà thôi.

Cũng có thể, ông muốn sống cuộc sống có nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho bản thân. Đó cũng là điều dễ hiểu.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nam Phong(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn