Vì sao ông Đinh La Thăng được thuộc cấp cũ giúp xác nhận khống?

Pháp luậtThứ Ba, 19/06/2018 22:22:00 +07:00

Được toà cho xem lại nhiều giấy tờ, hai cựu thành viên HĐQT PVN thừa nhận đã xác nhận không đúng sự thật, do nể ông Đinh La Thăng.

Chiều 19/6, không xét hỏi các bị cáo trước, HĐXX phiên phúc thẩm dành hơn hai giờ đồng hồ để hỏi hai người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án liên quan ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN). Đó là hai cựu thuộc cấp của ông Thăng ở PVN, bà Phan Thị Hòa (cựu ủy viên HĐQT, trưởng ban kiểm soát nội bộ) và ông Hoàng Xuân Hùng (cựu phó chủ tịch HĐQT).

Theo hồ sơ vụ án, cuối năm 2008, khi dự án thành lập ngân hàng riêng của ngành dầu khí tên Hồng Việt không thành, ông Đinh La Thăng cùng thuộc cấp hướng tới mua cổ phần để sở hữu vốn điều lệ của một ngân hàng cổ phần.

Vừa hay, Ngân hàng Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) lúc đó do ông Hà Văn Thắm làm chủ tịch đáp ứng được những điều kiện của PVN. Sau cuộc gặp thần tốc giữa hai ông Thăng và Thắm, thỏa thuận góp 800 tỷ đồng vốn của PVN vào Oceanbank được ký. Tuy nhiên, theo nhà chức trách, quyết định này của cựu chủ tịch PVN Đinh La Thăng thời điểm đó là trái luật bởi chưa họp các thành viên HĐQT cũng như chưa có sự đồng ý của họ.

Trong quá trình điều tra cũng như xét xử sơ thẩm, bà Phan Thị Hòa và ông Hoàng Xuân Hùng là hai trong số những thành viên HĐQT thời kỳ đó đã khẳng định không được bàn bạc, xin ý kiến. Cấp phúc thẩm hỏi sâu hai ông bà này để tìm ra sự thật. Tuy nhiên, lời khai của cả hai có nhiều mâu thuẫn.

vu-an-dinh-la-thang-vtc

Bà Phan Thị Hòa ngồi trả lời trong phiên tòa.

Lúc đầu khi được hỏi, bà Hòa khẳng định chỉ biết về việc PVN góp vốn vào Oceanbank tại cuộc họp HĐQT do ông Đinh La Thăng chủ trì sau khi thỏa thuận góp vốn đã được ký. Bà Hòa nhớ lại, dù sau đó bản thân có đề nghị ban tổng giám đốc báo cáo tình hình tài chính, kinh doanh của Oceanbank trước khi góp vốn nhưng không nhận được hồi âm. Bà khẳng định đề nghị này được gửi tới cả ông Đinh La Thăng. Song, nghị quyết góp vốn vẫn được ban hành.

Trước thông tin đó, luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng là Phan Trung Hoài hỏi: “Liên quan đến văn bản bà ký gửi yêu cầu thu thập, phân tích tài liệu nhưng không có báo cáo thực hiện yêu cầu. Lúc đó, bà có ý kiến, phản hồi gì không?”. Bà Hòa liền đáp “với tư cách ban kiểm soát thì chúng tôi vẫn chờ đợi”.

“Nhưng thực tế không có báo cáo hồi âm thì bà có ý kiến gì không?”, luật sư Hoài hỏi dồn. Bà Hòa giải thích việc không có báo cáo bởi thỏa thuận góp vốn giữa PVN và Oceanbank có điều kiện. Theo bà Hòa, dù PVN có thỏa thuận hay ra nghị quyết góp vốn “thì việc góp vốn chỉ thực sự được thực hiện khi có sự chấp thuận tham mư của các bộ ngành có liên quan”.

Một luật sư khác của ông Đinh La Thăng là Đào Hữu Đăng hỏi: “Bà có nhớ mình từng khai để tân dụng cơ sở vật chất Hồng Việt nên HĐQT PVN triển khai tìm đối tác để mua cổ phần ngân hàng?”. Bà Hòa thừa nhận “đúng vậy”.

“Bà có biết bản chất thỏa thuận góp vốn là gì?”, ông Đăng vẫn tiếp tục. Bà Hòa chưa trả lời thì chủ tọa ngắt vì cho rằng bà không biết về thỏa thuận này thì sao biết bản chất.

Luật sư Đăng nói luôn rằng ở phiên sơ thẩm bà Hòa từng khai "có biết". Chủ tọa đáp rằng tất cả lời khai ở phiên sơ thẩm đều sẽ được thẩm tra ở phiên phúc thẩm. “Ông hỏi bản chất của thỏa thuận góp vốn là gì thì sao người ta biết được? Hỏi phải đúng chỗ”, chủ tọa Nguyễn Vinh Quang nói.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Lê Văn Thiệp cũng là hai người bào chữa cho ông Thăng nối tiếp hỏi bà Hòa dồn dập. Trước những tràng câu hỏi, bà Hòa thừa nhận biết PVN có chủ trương đầu tư tài chính, mua ngân hàng. Chủ trương này được Thủ tướng đồng ý. Đặc biệt, chủ trương này bà Hòa thừa nhận biết trước khi PVN ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank.

“Tôi biết PVN làm với nhiều ngân hàng. Có những ngân hàng như Hàng Hải đã gần như đồng ý với nhau nhưng sau đó lại không đạt được thỏa thuận do họ không đồng ý chấp nhận nhân sự, tham gia lãnh đạo 20% vốn…”, bà Hòa khai.

Trong hơn một tiếng trả lời các thành viên HĐXX, bà Hòa được cho ngồi nói phân nửa thời gian. Thư ký đưa tới tận bục khai báo cho bà đối chiếu nhiều văn bản. Qua đối chiếu, bà Hòa vẫn khẳng định dù đúng bản thân ký nhiều văn bản song đều kèm theo ‘ghi chú’ hoặc yêu cầu. Ví dụ, trong lần ký đồng ý cho PVN góp thêm vốn để Oceanbank tăng vốn điều lệ, bà Hòa ghi kèm điều kiện phải giải trình việc tăng vốn.

Bà Hòa còn khai khai có biết văn bản nhắc nhở của Thủ tướng về việc PVN phải rà soát, cân đối lại nguồn vốn đầu tư vào Oceanbank. Khi đó với tư cách trưởng ban kiểm soát nội bộ nhưng bà Hòa không yêu cầu gì bởi trước đó có Nghị quyết do bà thừa ủy quyền ký về cân đối vốn 5 năm 2010-2015. "Như vậy đã cân đối chứ không phải tới lúc Thủ tướng yêu cầu mới cân đối vốn”, bà nói.

Khi chủ tọa hỏi: "Bà có trực tiếp kiến nghị gì với HĐQT về việc PVN báo cáo với Bộ Tài chính hay Thủ tướng không?”, bà Hòa khẳng định không có văn bản nào yêu cầu phải báo cáo với Thủ tướng hay Bộ Tài chính về việc góp vốn vào Oceanbank “vì đều có ý kiến đồng ý của Chính phủ rồi”.

Thư ký toà liên tục đi lại chuyển tài liệu cho bà Hòa đối chiếu. Bà Hòa chỉ cần nhìn là đọc ra chữ ký của từng thành viên HĐQT PVN đã cùng làm việc nhiều năm. Sau hơn một tiếng hỏi bà Hòa, HĐXX chuyển sang hỏi ông Hoàng Xuân Hùng.

Ông Hùng cũng cam đoan trước ngày 30/9/2008 không biết PVN ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank. Tuy nhiên trước nhiều câu hỏi ông Hùng chỉ cười và nói không nhớ.

Tương tự bà Hòa, HĐXX đưa nhiều văn bản cho ông Hùng đối chiếu. Ông Hùng thừa nhận bút tích của mình cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết thống nhất chủ tưởng tham gia góp vốn vào Oceanabanh 400 tỷ đồng đợt đầu tiên chiếm 20% vốn điều lệ ngân hàng này.

Ông Hùng còn thừa nhận bản thân ký quyết định cử hai ông Nguyễn Ngọc Sự, Nguyễn Xuân Sơn (hai cựu phó tổng giám đốc PVN) là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank. Song ông Hùng lý giải mình chỉ ký theo ủy quyền của ông Đinh La Thăng và đã có sự đồng ý của các thành viên HĐQT.

HĐXX lại cho biết chưa thấy ý kiến thành viên HĐQT nào thể hiện đồng ý trên văn bản này. Ông Hùng nói có thể do hồ sơ đầy đủ. HĐXX sau đó quay sang đề nghị đại diện PVN chuẩn bị hồ sơ liên quan để làm rõ ở các buổi tiếp theo để làm rõ sự thật vụ án.

hoang-xuan-hung-5677-1529413848

 Ông Hoàng Xuân Hùng.

Bà Hoà: Không vì tư lợi mà ký xác nhận khống giúp ông Đinh La Thăng

Chiều nay, HĐXX còn hỏi bà Phan Thị Hòa và ông Hoàng Xuân Hùng về việc ký giấy xác nhận khống giúp ông Đinh La Thăng.

Theo hồ sơ vụ án, khi biết sai phạm của mình có nguy cơ bị phát hiện ông Thăng đã cho người làm sẵn giấy xác nhận về việc đã xin ý kiến HĐTV về chủ trương góp 800 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank. Đây là điều không có thật. Giấy xác nhận này sau đó được một số cựu thành viền HĐTV PVN trong đó có ông Hùng, bà Hòa ký nhận.

Chủ tọa phiên tòa hỏi bà Hòa: “Bà giải thích vì sao ngày 28/3/2017 cùng một số người trong HĐQT ký vào giấy xác nhận đã biết về chủ trương góp vốn trước khi ký thỏa thuận?”. Bà thừa nhận có ký nhưng nói tại phiên sơ thẩm đã trình bày là ký vào nội dung mà trong tờ giấy ấy không phải hoàn toàn đúng sự thật.

"Nó không đúng ở chỗ là không có thảo luận, bàn bạc của HĐQT. Tuy nhiên vì sao tôi ký bởi có một phần sự thật là anh Thăng có thông báo với chúng tôi Thủ tướng đồng ý cho mua ngân hàng này, chứ không hoàn toàn là tự nhiên mà HĐQT lại đi bàn về việc mua ngân hàng trước khi chúng tôi ký nghị quyết”, bà nói.

“Bà đi vào trọng tâm đi”, chủ tọa phiên tòa ngắt lời vì cho rằng lời khai của bà Hòa mâu thuẫn. HĐXX sau đó công bố lời khai của bà Hòa tại cơ quan điều tra. Lời khai thể hiện, bà này ký vào giấy xác nhận giúp ông Thăng là bởi “tôi ký với tư cách ông Thăng nhờ ký để giải trình với Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Vì nể nang nên tôi ký, hoàn toàn vô tư không vì lợi ích gì”.

Với câu hỏi tương tự, ông Hùng trình bày “Tôi nhận được cuộc điên thoại của anh Thăng hồi đó làm ở TP HCM. Ông ấy nói với tôi ký xác nhận giúp về việc có bàn chủ trương tham gia góp vốn. Ông Thăng nói em đã trao đổi với anh Cảnh, chị Hòa các anh chị có giúp em”. Khi HĐXX hỏi thêm “Nội dung có đúng thực tế không?”, rất nhanh ông Hùng nói: “Thưa không”.

Oceanbank kinh doanh hiệu quả sau khi PVN góp 800 tỷ đồng

Cũng trong phần khai báo của mình chiều nay, cả ông Hùng, bà Hòa đều khẳng định sau khi PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank, ngân hàng kinh doanh có hiệu quả. Lợi tức PVN thu về từ việc đầu tư này là hơn 200 tỷ đồng.

Bà Hòa khẳng định sau khi nghỉ hưu có biết việc PVN góp 800 tỷ vào Oceanbank bị thất thoát không thu hồi được. “Theo bà trách nhiệm thuộc về ai?”, một thẩm phán hỏi.

Bà Hòa phân tích, nếu nói về trách nhiệm thì tất cả những người có liên quan đều có trách nhiệm. “Theo tôi việc PVN đầu tư vào Oceanbank không phải nguyên nhân gây thất thoát của nhà nước mà do quá trình hoạt động của ngân hàng. Những người điều hành ngân hàng có những sai phạm mà chúng tôi là một cổ đông không biết được những sai phạm đó”, bà Hòa nói.

Tuy nhiên, chủ tọa một lần nữa công bố lời khai của bà Hòa ở cơ quan điều tra. Khi đó bà Hòa nhận định với số vốn góp bị mất trước nhất thuộc về người đại diện phần vốn góp và sau thuộc về ban HĐQT PVN.

Ông Hùng thì cho hay tới nay mới biết việc PVN đầu tư vào Oceanbank có lợi tức hơn 200 tỷ đồng.

“Nguyên nhân mất vốn do chủ trương góp vốn hay nguyên nhân nào khác?”, luật sư Phan Trung Hoài là người đặt câu hỏi với ông Hùng. Ông này khẳng định đây là vấn đề rất rộng, nhưng nguyên nhân chính do công tác điều hành của ban quản trị ngân hàng.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn