Vì sao ‘nữ tướng’ 8x Lương Thị Cẩm Tú trở thành Chủ tịch trẻ nhất và độc nhất của khối ngân hàng?

Kinh tếThứ Bảy, 23/03/2019 13:50:00 +07:00

Trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) ở tuổi 39, bà Lương Thị Cẩm Tú đã có thành tích đồ sộ trong ngành ngân hàng.

Tối 23/3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã có thông cáo về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT. Theo đó, Eximbank đã quyết định bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho Ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.

Được biết, bà Lương Thị Cẩm Tú (SN 1980), nguyên quán Khánh Hòa, bà Tú có học vị thạc sĩ ngành  Quản trị Kinh doanh của  Đại học Griggs ( Hoa Kỳ). Như vậy, bà Tú trở thành Chủ tịch HĐQT Eximbank ở tuổi 39 và là nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam.

baluongthicamtu

Bà Lương Thị Cẩm Tú, Tân Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Ở thời điểm hiện tại, bà Lương Thị Cẩm Tú không chỉ là nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam mà còn là người phụ nữ duy nhất nắm giữ vị trí này (không bao gồm các ngân hàng nước ngoài). Trước đó, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT của Seabank cũng từ nhiệm sau 11 năm gắn bó với ngành ngân hàng.

Eximbank nhấn mạnh trong thông cáo gửi đi: “Để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, Eximbank đã thực hiện quá trình đánh giá, sàng lọc các ứng viên một cách công khai, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan đến việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị”.

Mặc dù mới 39 tuổi, bà Lương Thị Cẩm Tú đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và là “người quen” của Eximbank.

Bà Tú từng đảm nhiệm nhiều vị trí trọng yếu trong các tổ chức kinh tế lớn và uy tín như: Phó tổng giám đốc thường trực - phụ trách kinh doanh Nam A Bank; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; Giám đốc chi nhánh Sacombank; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Đường Ninh Hòa...

Năm 36 tuổi, bà Lương Thị Cẩm Tú được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Nam Á Bank. Với sự chèo lái của bà Tú, Nam Á Bank đã có những chuyển mình mạnh mẽ.

Cụ thể, khoảng thời gian bà Cẩm Tú nắm quyền điều hành ngân hàng Nam Á Bank, tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng 17.147 tỷ đồng, tương đương 46% lên 54.440 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 19.542 tỷ đồng, tương ứng 96% lên 39.861 tỷ đồng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng tăng 19.791 tỷ đồng, tương ứng 126%. Lợi nhuận sau thuế năm 2017 của ngân hàng này đạt 239 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng, tương ứng 28% so với năm 2014.

Với việc tăng trưởng tín dụng lên tới 126%, có thể thấy, bà Cẩm Tú đã giải được bài toán khó nhất (hoạt động cho vay) tại NamA Bank. Mà với một ngân hàng, tín dụng là phần cốt lõi nhất.

Hồi tháng 3/2018, bà Tú được bầu vào Thành viên HĐQT năm ngoái và đã bỏ ra gần 200 tỷ đồng mua vào gần 13,8 triệu cổ phiếu EIB (tương ứng tỷ lệ 1,12% vốn).

Cùng với đó là sự xuất hiện một lực lượng thu gom cổ phiếu Eximbank trên thị trường đẩy giá cổ phiếu EIB tăng cao, bất chấp ngân hàng đang vướng hàng loạt sự kiện mất hàng trăm tỷ tiền mặt của bà Chu Thị Bình và việc xử lý nợ xấu kéo lợi nhuận sụt giảm.

Eximbank khẳng định: “Bà Lương Thị Cẩm Tú hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và được biết đến như là một nữ tướng nắm giữ ghế nóng CEO ngành ngân hàng trẻ nhất khi tuổi đời chỉ mới 35.

Bà từng kinh qua nhiều vị trí quản lý, điều hành cấp cao tại nhiều tổ chức tín dụng có quy mô và hình thức sở hữu khác nhau. Các cổ đông của Eximbank kỳ vọng vị nữ Chủ tịch sẽ dùng chính trí tuệ, bản lĩnh cùng những trải nghiệm quý báu của mình trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để hướng Eximbank hướng đến sự chuẩn mực, minh bạch và hiệu quả trong tương lai”.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn