Vì sao nông dân Trung Quốc chia nhau 'núi' tiền Tết?

Thế giớiChủ Nhật, 19/01/2014 04:04:00 +07:00

(VTC News) - Báo chí, mạng xã hội Trung Quốc đua nhau phân tích chuyện dân làng Hoa Tây ở nước này chia nhau núi tiền thưởng Tết trị giá hơn 13 triệu NDT.

Núi tiền thưởng Tết của dân làng Hoa Tây


Truyền thông Trung Quốc ước tính dân làng Hoa Tây nằm trên 'tấm đệm' bằng tiền mặt trị giá 8 triệu NDT và 'chiếc gối' 4.2 triệu NDT. Toàn bộ số tiền này được nói là sẽ phân phối cho 340 hộ dân trong làng như một món tiền thưởng cuối năm.

Nhóm vệ sỹ 7 người được thuê bảo vệ số tiền thưởng đã chia thành 2 nhóm. Nhóm bên ngoài có 4 người, nhóm bên trong có 3 người bảo vệ hàng xấp tiền mặt nặng tới hơn 166kg. Các vệ sỹ nghĩ ra cách trải tiền xuống đất rồi phủ chăn lên trên làm đệm, số tiền còn lại xếp thành những chiếc gối.

"Trong đời tôi chưa từng nhìn thấy nhiều tiền như thế bao giờ, vì sợ xảy ra sơ xuất nên chúng tôi phải canh giữ như vậy. Suốt đêm không ai dám chợp mắt", một vệ sỹ nói với mạng tin Sina.
Thập niên 50 của thế kỷ trước, Hoa Tây là ngôi làng nhỏ với chừng 500 nhân khẩu luôn trong cảnh thiếu đói. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa năng suất không cao dù nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. 

Người Hoa Tây xếp hàng nhận tiền thưởng


Sau 10 năm làm Bí thư Hoa Tây, ông Ngô vẫn không sao đưa Hoa Tây thoát khỏi biệt danh Làng ngủ, hễ trời về chiều là cả làng lại lên giường ngủ, bởi không có điện, chẳng đài báo. Ngoài đường buổi tối không một bóng người, đây đó trên đồng ruộng lấp lóe vài ánh đèn heo hắt của người đi soi cá, soi ếch.

“Làm sao để dân giàu? Cảnh tăm tối đời này qua đời khác đến khi nào chấm dứt?”, Bí thư Ngô nhiều đêm vắt tay lên trán ngẫm ngợi. 

Một người đàn ông mang cả gùi đi nhận tiền Tết

Nghĩ đi nghĩ lại mãi, ông quyết định tìm tòi trên sách báo, tivi xem cách thoát nghèo của địa phương khác. Rồi ông quyết định: phải làm công nghiệp, đó là cách duy nhất thoát nghèo. Dẫn theo mấy chục trai tráng trong làng, ông Ngô cùng họ lên núi đào quặng kim loại.

Đó là một quyết định “động trời” của Bí thư Ngô khi đó bởi chỉ cần bị thanh tra cấp trên phát hiện, ông sẽ bị bỏ tù vì “học bọn tư bản bóc lột”. 
Nhớ lại thời gian khó, ông trầm ngâm: “Thú thực ngày ấy vừa làm vừa run. Cán bộ cấp trên xuống hỏi thăm thì nói dối là đi đốn củi, làm rẫy. Cán bộ đi rồi chúng tôi lại đào quặng tiếp”. Cuối năm, doanh thu từ “quặng lậu” mang về 24.000 NDT cho làng, gấp vài chục lần tiền bán thóc cả năm.

Đến năm 1978, khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế, báo chí viết hàng loạt bài về điển hình Hoa Tây. Nhờ làm quặng, Cty Khai quặng Hoa Tây mới thành lập đã có vốn cố định 1 triệu NDT, cùng 1 triệu NDT trong tài khoản.

Gặp gỡ nguyên Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân trong một lần về tham quan Hoa Tây, ông Ngô nói: “Tôi nghĩ rằng dân bầu quan để làm việc khó. Người xưa nói có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Nay tôi nghĩ chủ nghĩa xã hội tức là có phúc dân hưởng, có việc khó quan làm”. Câu nói này về sau được Tổng Bí thư Giang trích dẫn trong cuộc họp Quốc vụ viện Trung Quốc để bàn về chính sách kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Đến những năm 80, với nguồn quặng sắt dồi dào và kinh nghiệm nhiều năm khai khoáng, ông Ngô thành lập Tập đoàn Cán thép Hoa Tây – thương hiệu sau này nổi tiếng khắp Trung Quốc và xuất khẩu đi nhiều nước. 
Tiếp sau đó, ngành công nghiệp dệt Hoa Tây, thuốc lá Hoa Tây, rượu Hoa Tây ra đời và dân làng còn ưu ái đặt tên Ngô Nhân Bảo cho mặt hàng gốm sứ sản xuất tại làng. Làng ngủ năm nào đã trở thành làng giàu nhất Trung Quốc, mỗi gia đình có một biệt thự với đầy đủ tiện nghi.

Cha truyền con nối

Ngô Nhân Bảo về hưu sau 50 năm làm việc. Người được bầu chọn kế tục sự nghiệp của ông là người con trai thứ tư Ngô Hiệp Ân. Sự kế nhiệm này ít nhiều bị đánh giá là gia đình trị. Tuy nhiên, sau 7 năm lãnh đạo Hoa Tây kể từ năm 2003, Ngô Hiệp Ân đã chứng minh năng lực khi đưa tên tuổi Hoa Tây vượt khỏi biên giới Trung Quốc.

Quang cảnh làng Hoa Tây nhìn từ trên cao

Trước đó, Hiệp Ân được cha huấn luyện bằng cách cho vào làm công nhân xưởng luyện kim giống như bao công nhân bình thường khác. Anh thăng tiến dần dần, từ công nhân lên quản đốc, rồi làm giám đốc xưởng. Vào thập niên 90, Hiệp Ân đến vùng nông thôn tỉnh Hắc Long Giang để phát triển Hoa Tây mới. Sau ba năm lăn lộn cùng nông dân từ đào kênh đến trồng lúa, xây nhà máy… Hiệp Ân được cho là có công đầu nâng thu nhập người dân từ 1.000 NDT lên 4.000NDT/ tháng.

Tiếp sau Hắc Long Giang, Hiệp Ân lại xây dựng thành công thêm những Hoa Tây tại Ninh Hạ và Giang Tây. Trở về Hoa Tây vào đầu năm 2000, Hiệp Ân được bầu làm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Tây – xương sống kinh tế của làng. Ba năm sau đó, Hiệp Ân giữ chức Bí thư Đảng ủy Hoa Tây thay cha.

Báo chí Trung Quốc đánh giá Hiệp Ân thừa hưởng sự quyết đoán của cha, từng rèn luyện trong thực tế và có chí hướng cao. Trong một lần tiếp phóng viên quốc tế, Hiệp Ân chỉ tay lên trời nói: “Người Hoa Tây chúng tôi dưới đất có xe hơi, nhà lầu, bây giờ chúng tôi muốn có những tòa tháp chọc trời, và có cả sân bay, phi công riêng”.

Anh tự tin vạch ra con đường của Hoa Tây sắp tới: “Tôi nghĩ kinh tế Hoa Tây sắp tới hướng nhiều đến du lịch, khung xương cơ bản vẫn là công nghiệp”.
Bình luận
vtcnews.vn