Vì sao nhiều người liên quan vắng mặt trong phiên xét xử Phạm Công Danh?

Pháp luậtThứ Ba, 09/01/2018 19:13:00 +07:00

Nhiều người liên quan vắng mặt vì sức khỏe yếu, Phạm Công Danh và Trầm Bê liên tục phải chăm sóc y tế trong thời gian đại diện VKS đọc cáo trạng.

Ngày 9/1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Trầm Bê - Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

IMG_0073

 Sáng 9/1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Trầm Bê - Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm trong đại án tham ô 6000 tỷ đồng.

Nhiều người liên quan vắng mặt

Có tới 46 bị cáo, cùng 200 người và 44 công ty, tập đoàn có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập trong vụ đại án này. Tuy nhiên, nhiều người liên quan đã vắng mặt trong phiên xét xử.

Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, Trưởng Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng đầu tư tại hội sở chính của BIDV) - người phê duyệt chủ trương để Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng - tiếp tục vắng mặt trong phiên tòa, dù được HĐXX tiếp tục triệu tập sau khi vắng mặt trong ngày xét xử đầu tiên 8/1.

Ông Hà gửi đơn xin vắng mặt kèm theo hồ sơ bệnh án đang điều trị bệnh ung thu gan đến HĐXX.

Các ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang cũng gửi đơn và bệnh án xin vắng mặt vì lí do sức khỏe.

HĐXX cũng nhận được kiến nghị của luật sư đại diện cho bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín). Luật sư gửi kèm đơn, kết quả giám định sức khoẻ của hội đồng giám định y khoa. Theo đó, kết quả giám định cho thấy bà Hứa Thị Phấn chỉ còn có 7% sức khoẻ, không đủ khả năng tham dự phiên toà.

Những người vắng mặt tại phiên toà xin giữ nguyên toàn bộ lời khai đã khai tại cơ quan điều tra. Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng TPbank cũng xin vắng mặt tại toà, giữ nguyên lời khai cơ quan điều tra.

Các bị cáo liên tục phải chăm sóc y tế trong phiên xử

26772370_1536506763134229_2130226629_o 3

 Phạm Công Danh liên tục phải chăm sóc y tế tại phiên tòa

Đầu phiên xử ngày 9/1, các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thị Bích Thuỷ được chủ toạ cho phép ngồi nghe cáo trạng vì lý do sức khoẻ.

Khoảng 9h, sức khỏe của bị cáo Phạm Công Danh yếu đi do suy thận cấp độ 3, chủ tọa đề nghị VKS dừng đọc cáo trạng, cho phép bị cáo vào phòng lưu phạm để chăm sóc y tế, nghe diễn biến phiên tòa tại đây.

Khoảng 15h, Phạm Công Danh, Trầm Bê lại tiếp tục phải vào phòng lưu phạm chăm sóc sức khỏe và theo dõi phiên xử tại đó. Đồng thời chủ tọa yêu cầu luật sư của hai ông này cùng đại diện VKS vào ghi biên bản, xác nhận các bị cáo có nghe cáo trạng.

Trong phiên xét xử ngày 8/1, các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê… cũng liên tục phải nhận sự chăm sóc y tế.

Cáo trạng dài gần 130 trang

dsc_4012-8-1102465 4

 Phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh chật kín người tham dự

Đến cuối ngày, đại diện VKS mới công bố hết cáo trạng truy tố các bị cáo. Đây được xem là thời gian công bố cáo trạng dài nhất từ trước đến nay.

Từ 8h sáng 10/1, HĐXX sẽ thẩm vấn các bị cáo trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh.

Ông Phạm Lương Toản - chủ tọa phiên tòa thông báo, đối với một số luật sư đồng thời đang tham gia phiên xử ông Đinh La Thăng, TAND TP. HCM đã trao đổi với TAND TP. Hà Nội, sẽ tạo điều kiện tối đa để lịch làm việc của các luật sư không bị trùng.

Để đảm bảo cho tiến độ xét xử chủ tọa cho biết sẽ làm việc cả ngày thứ 7, nếu cần có thể làm việc cả chủ nhật và sẽ thông báo trước.

Video: Ngày xét xử thứ 2 Phạm Công Danh: Công bố cáo trạng dài 130 trang

Từ năm 2013 đến 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới tại VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh lấy pháp nhân của 29 công ty do chính bị cáo thành lập để dùng 29 hồ sơ khống vay tiền tại Sacombank, TPBank và BIDV, gây thiệt hại cho chính Ngân hàng Xây dựng hơn 6.000 tỷ đồng.

Riêng với Sacombank, Phạm Công Danh và ông Trầm Bê có mối quan hệ quen biết.

Vì vậy, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) giúp sức ông Danh trong việc rút tiền của VNCB thông qua việc gửi tiền của VNCB vào Sacombank làm tài sản bảo lãnh, nhằm mục đích trả nợ thay cho 6 công ty do Danh thành lập và điều hành đứng tên trên hồ sơ vay vốn Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo các luật sư, căn cứ vào nội dung kết luận điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát thì ông Trần Bắc Hà, bà Hứa Thị Phấn, ông Trần Quý Thanh... là những mắc xích quan trọng trong vụ án, nhất định phải có mặt tại phiên tòa để đối chất. Các luật sư đề nghị tòa án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế (áp giải) trong hoạt động tố tụng nếu xét thấy việc vắng mặt của họ không thể làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ án.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn