Vì sao nhiều khán giả thất vọng với vai Trịnh Công Sơn của Trần Lực?

Sao ViệtThứ Năm, 16/06/2022 06:29:38 +07:00

Giữa nhân vật Trịnh Công Sơn do Trần Lực thủ vai trong "Em và Trịnh" với hình tượng nhạc sĩ trong hiểu biết tập thể của khán giả rõ ràng có nhiều sự vênh, lệch.

Cuối tuần qua, cặp phim Em và Trịnh cùng Trịnh Công Sơn đã có những suất chiếu đầu tiên phục vụ khán giả. Đây là lần hiếm hoi điện ảnh Việt Nam có một tác phẩm được phát hành song song hai phiên bản - dài (136 phút) và ngắn (95 phút) - với rất ít thay đổi trong nội dung hay cách dẫn truyện.

Theo dữ liệu thống kê của đơn vị phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu Box Office Vietnam, đến hết ngày 14/6, tổng doanh thu hai tác phẩm đã vượt mốc 25 tỷ đồng. Trong đó, Em và Trịnh chiếm chiếm ưu thế với hơn 23,5 tỷ đồng. Đây cũng là tác phẩm tạm dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tính theo ngày tại Việt Nam.

Với số vốn đầu tư được công bố lên tới 50 tỷ đồng, thử thách đặt ra cho hai bộ phim do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, với tham vọng tái hiện hai giai đoạn lớn trong cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là chạm tới ngưỡng hòa vốn 100 tỷ đồng. Nếu đạt được mục tiêu này, Em và Trịnh (cùng tác phẩm phái sinh Trịnh Công Sơn) sẽ trở thành phim Việt đầu tiên trong năm 2022 lọt vào “câu lạc bộ trăm tỷ”.

Sau các suất chiếu sớm, Em và Trịnh cùng Trịnh Công Sơn nhận được sự quan tâm và bình luận của báo chí cũng như khán giả trên mạng xã hội. Ngoài phần hình ảnh đẹp, được đầu tư công phu cùng các ca khúc nhạc phim được làm mới bởi hai nhạc sĩ Đức Trí và Trần Hữu Tuấn Bách, nội dung cặp phim nhận về không ít bình luận trái chiều vì cách kể dài dòng. Trái tim của bộ phim - hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - hiện ra có phần nhạt nhòa và quá “trần tục” so với ký ức tập thể.

Hình tượng Trịnh khác với tưởng tượng 

Đảm nhận vai Trịnh Công Sơn thời trẻ là nam diễn viên Avin Lu. Trọng trách này được trao cho diễn viên Trần Lực trong tuyến truyện hiện tại, khi nhân vật đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Trên mạng xã hội, khán giả nhận xét hai diễn viên chưa tròn vai, mờ nhạt, chỉ làm nền cho các nàng thơ do Hoàng Hà, Bùi Lan Hương hay Nakatani Akari thủ vai.

Em và Trịnh là dự án điện ảnh thứ hai của Avin Lu, nhưng vẫn là kiểu nhân vật nghệ sĩ nghèo ôm mối tình thơ. Nam diễn viên là chủ thể trong khung cảnh xứ Huế mộng mơ, cổ điển và lãng mạn - nơi trái tim kẻ si tình trót lạc nhịp vì một bóng áo dài trắng trên con phố hây hây mưa bay lá đổ.

Vì sao nhiều khán giả thất vọng với vai Trịnh Công Sơn của Trần Lực? - 1

Khung cảnh Trịnh Công Sơn trẻ của Avin Lu tức cảnh sinh tình ca khúc Diễm xưa trong một ngày mưa xứ Huế được sử dụng làm teaser cho Em và Trịnh. Diễn xuất của anh chưa có đột phá so với thời Sài Gòn trong cơn mưa.

Với hình ảnh này, Avin Lu có thể là bất kỳ ai - thậm chí anh Ngạn của Mắt biếc - nhưng lại chưa đủ chiều sâu để trở thành Trịnh Công Sơn, ngay cả trong giai đoạn thanh xuân của cuộc đời. Trên màn ảnh, khán giả mới chỉ thấy được bề nổi của câu chuyện là anh yêu, vội vã và cuồng si, hết người con gái này tới người con gái khác.

Nhưng bề chìm của câu chuyện, cũng là tầng sâu cả hai bộ phim chưa chạm tới được, là vẻ đẹp của sáng tạo được những người con gái ấy thắp lên, là những chiêm nghiệm về cuộc đời, về triết học, đạo Phật được Trịnh Công Sơn tích lũy và chắt lọc vào câu chữ. Phiên bản Trịnh Công Sơn của Avin Lu mới chỉ sáng tác như một thôi thúc thể hiện mình trước mắt các cô gái khiến con tim lạc nhịp.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ bản phim Trịnh Công Sơn, thiếu sót này ít nhiều có thể che đậy bằng một tổ hợp gồm khung cảnh Huế, Blao, Đà Lạt được dàn dựng công phu trên nền nhiều tình khúc đã lâu không được cất lên của Trịnh Công Sơn - và quan trọng hơn thế, vẻ đẹp của những gương mặt diễn viên thủ vai Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh hay Lệ Mai.

Không khó để làm ra những bộ phim về thanh xuân nếu ta biết cách chiều chuộng mắt nhìn cùng tai nghe của khán giả. Và nhân vật Trịnh Công Sơn của Avin Lu được hưởng lợi thế từ sự công thức đến sáo mòn đó.

Gánh nặng, sau cùng lại đặt lên vai nhân vật Trịnh Công Sơn của Trần Lực. Màn hóa thân của anh nhận về nhiều dư luận trái chiều. Phiên bản Trịnh Công Sơn trung niên sống lại những xúc cảm yêu đương trong mối tình với Michiko bị cho là đã làm hỏng hình tượng người nhạc sĩ.

Nói về nhân vật Trịnh Công Sơn của Trần Lực, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trương Quý chia sẻ với Zing: “Mọi người đã quen nhìn thấy Trịnh Công Sơn dưới góc độ là con người vô vi, vô nhiễm và có chút gì đó thánh hóa. Phần khác, công chúng ít chứng kiến Trịnh Công Sơn thể hiện cảm xúc thật ra bên ngoài như người bình thường vẫn làm. Trần Lực lại thật quá. Anh ấy có sự ấm áp của một con người hiện đại. Anh chia sẻ với bạn diễn hơi nhiều, trong khi ở Trịnh Công Sơn có một sự lãng đãng rất khó cắt nghĩa”.

Để hợp lý hóa việc Michiko rời bỏ Trịnh Công Sơn, bộ phim đã đưa nhân vật Dao Ánh trở lại.

Phiên bản Dao Ánh trung niên được nữ ca sĩ Phạm Quỳnh Anh thay thế Hoàng Hà đảm nhận. Đây là đứt gãy đáng tiếc trong phần nhìn của phim bởi diện mạo và thần thái giữa hai diễn viên quá khác biệt. Đây có thể coi là một sự trớ trêu trong khâu chọn diễn viên, lớn hơn nhiều vấn đề Trịnh Công Sơn của Trần Lực.

Sự trở lại của Dao Ánh đã khuấy động cuộc đời bình lặng của Trịnh Công Sơn và Michiko. Từ ngày Dao Ánh trở lại, Michiko dần nhận ra những bất ổn trong câu chuyện tình của mình.

Trịnh Công Sơn vô tư vui nỗi vui của một chàng trai thấy lại tình đầu, dường như quên đi mất sự thật ông vừa cầu hôn một người phụ nữ khác. Phim cũng tung ra ẩn ý về chuyện Trịnh Công Sơn và Dao Ánh đã có những phút thân mật riêng tư sau lưng cô.

Càng theo đuổi câu chuyện tình yêu của Trịnh Công Sơn tuổi xế chiều, Em và Trịnh càng trở thành mớ bòng bong sự kiện và theo cách nào đó, thử thách sức chịu đựng của khán giả.

Tác phẩm đặt ra câu hỏi đầy bất ngờ về việc người hâm mộ vị nhạc sĩ có sẵn sàng chấp nhận cách lý giải mà phim đưa ra về cuộc đời Trịnh Công Sơn - như một người đàn ông với đầy những ham muốn và mâu thuẫn - hay không.

Vì sao nhiều khán giả thất vọng với vai Trịnh Công Sơn của Trần Lực? - 2

Diễn viên Trần Lực đã giảm 11 kg, học tiếng Pháp, học nói bằng giọng Huế để thủ vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuổi trung niên. Anh diễn xuất tốt trong các phân cảnh Trịnh Công Sơn tự sự, hay ở bên mẹ như hai người bạn.

Nói về chi tiết này, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý lý giải: “Không ít khán giả đã quen coi những mối tình của Trịnh Công Sơn là tình yêu Platonic (tình yêu thuần khiết, không có yếu tố tình dục). Trước đây, khi khắc họa các nhân vật lịch sử, người sáng tạo trong điện ảnh Việt Nam thường né tránh đề cập những khía cạnh bản năng trần tục này. Nhưng với Em và Trịnh, chủ đề này được nhắc đến một cách không tránh né, và có thể vì vậy mà khán giả bị sốc”.

Giữa nhân vật Trịnh Công Sơn trung niên do Trần Lực thủ vai mà Em và Trịnh xây dựng với hình tượng nhạc sĩ trong hiểu biết tập thể của khán giả rõ ràng đã có nhiều vênh lệch. Sự thiếu nhất quán dẫn đến những lời cảm thán như “Trịnh Công Sơn mà tôi biết không như thế” hay “Trần Lực phá hỏng hình tượng Trịnh Công Sơn rồi” trên mạng xã hội thời gian qua.

Trong câu chuyện này, lỗi không nằm ở Trần Lực, cũng chưa hẳn ở bộ phim.

Lỗi thuộc về sự gián đoạn truyền tin, nằm đâu đó giữa hình tượng đã được thần thánh hóa về Trịnh Công Sơn trong lòng khán giả với cách tác phẩm nỗ lực kiến giải cuộc đời của ông dưới góc nhìn trần trụi về một con người không hoàn mỹ.

Hướng tiếp cận một chiều với nguyên mẫu đa chiều

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định một tác phẩm như Em và Trịnh khi ra rạp không thể tránh khỏi các tranh cãi.

Khó khăn của bộ phim chính là muốn cô đọng cuộc đời Trịnh Công Sơn vào một tác phẩm trên màn ảnh. Nhưng cuộc đời Trịnh Công Sơn dài quá. Nó có thể không dài về số tuổi, nhưng dài về sự kiện và có sự góp mặt của một dàn nhân vật quá đông đảo. Câu chuyện là làm thế nào, kể gì trên màn ảnh là một thử thách”, anh nói.

Em và Trịnh cũng như Trịnh Công Sơn lựa chọn đời sống tình cảm của vị nhạc sĩ tài hoa, cũng như những nàng thơ đã đi qua cuộc đời ông làm trung tâm của cốt truyện. Xuyên suốt các bộ phim, tình yêu như tiếng hát vút cao, đôi lúc quá ồn ã, lấn át những thanh âm khác trong cuộc đời người nghệ sĩ.

Vì sao nhiều khán giả thất vọng với vai Trịnh Công Sơn của Trần Lực? - 3

Với kinh nghiệm làm những bộ phim như Em là bà nội của anh hay Tháng năm rực rỡ, Nguyễn Quang Dũng và Phan Gia Nhật Linh đã tìm được công thức phù hợp để “bọc đường” câu chuyện chiến tranh trong Em và Trịnh, khiến khán giả không mảy may cảm giác “gờn gợn”.

Theo lý giải của nhà văn Nguyễn Trương Quý, đây là nước đi giúp bộ phim tránh khỏi kết cục đào bới quá sâu vào những góc khuất lịch sử: “Nếu chọn các chủ điểm như quê hương hay thân phận, câu chuyện sẽ phải gắn với khói lửa chiến tranh, với quan điểm ý thức hệ… Điều này không khác gì nhà làm phim tự đặt mình vào giữa một bãi mìn cả”.

Anh cũng cho rằng các bộ phim đã hoàn thành tốt vai trò của mình - kể câu chuyện về những mối tình của một nhạc sĩ đại tài. Nhưng tất nhiên sự nhất quán về mặt nội dung không đảm bảo phim sẽ chào đời thành một tác phẩm điện ảnh chỉn chu, và càng khó để nó giành được trọn vẹn sự ngợi khen từ khán giả.

Phim tái hiện lược sử tình yêu của Trịnh Công Sơn - những người phụ nữ không thể nào quên đã đi qua đời ông, những rung cảm đầu đời cho tới lần thất tình đầu tiên, và có lẽ là cả lần tan vỡ sau chót…

Xem phim, khán giả thấy hiện lên khá rõ nét chân dung Trịnh Công Sơn trong vai trò một người tình nhiều đắm say nhưng cũng là người đàn ông cô đơn đầy những ngậm ngùi, tan vỡ.

Cả Trịnh Công Sơn trẻ, Trịnh Công Sơn già lẫn những người tình của ông đều xuất hiện trong bộ phim giữa những bong bóng an toàn, một môi trường lý tưởng không có dấu vết của những dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ mải mê viết gửi nhau những lá thư tình, say mê đào xới vào quá khứ mà không mảy may lo ngại đụng phải những vùng tối của lịch sử.

Đó là sự vô tư thường thấy trong những bộ phim thanh xuân hay hoài niệm về một tuổi trẻ đã mất, nhưng lại là chưa đủ nếu nói về cuộc đời Trịnh Công Sơn - người nghệ sĩ viết nên những khúc ca thân phận con người trong chiến tranh và cầu mong hòa bình.

Cả hai tác phẩm đều nhắm tới cái đích cao là dùng ngôn ngữ điện ảnh phục dựng “thân phận” và “tình yêu” trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ bắn trúng cái bia thấp hơn là điểm lại khuôn mặt những người phụ nữ từng đi qua đời ông, thổi hồn vào âm nhạc ông.

Đặt Trịnh Công Sơn bên cạnh Em và Trịnh, khán giả dễ nảy sinh băn khoăn sao phải cần tới hai bộ phim khi chỉ có một câu chuyện cũng như một góc nhìn duy nhất. Dù nhà sản xuất đã quảng bá hai bộ phim mang đến hai góc nhìn khác nhau về nhân vật Trịnh Công Sơn, nhưng chúng có cùng cái kết và phần mở màn nhiều tương đồng hay nội dung Trịnh Công Sơn cũng gần như nằm gọn trong Em và Trịnh lại chứng minh điều ngược lại.

Với thời lượng 136 phút (2 tiếng 16 phút), Em và Trịnh dài hơn khá nhiều phim Việt Nam ra mắt gần đây. Thời lượng dài đồng nghĩa số suất chiếu giảm.

Việc tạo ra thêm một bản phim dài 86 phút có thể là nỗ lực từ nhà sản xuất nhằm tăng độ phủ sóng của tác phẩm, cũng là tối ưu hóa lợi nhuận mà khoản đầu tư 50 tỷ đồng có thể mang về.

Vì sao nhiều khán giả thất vọng với vai Trịnh Công Sơn của Trần Lực? - 4

Chuyện tình của Trịnh Công Sơn và Michiko tuổi xế chiều mang đến cho khán giả một góc nhìn trần tục, nhiều mâu thuẫn hơn của người nhạc sĩ đã đi vào huyền thoại.

Xét trên khía cạnh nội dung, không thể phủ nhận hai bản phim có sự bổ trợ lẫn nhau. Phụ thuộc vào thứ tự xem, ý nghĩa của phim này trong tương quan với tác phẩm còn lại có thể sẽ thay đổi.

Nếu đặt Trịnh Công Sơn trước Em và Trịnh, đó sẽ là hành trình đi từ những hiểu biết chung về vị nhạc sĩ bước vào vùng sáng tạo của Phan Gia Nhật Linh và Bình Bồng Bột. Ngược lại, nếu xem Em và Trịnh trước, khán giả sẽ cần tìm đến Trịnh Công Sơn để chắp nối, làm sáng tỏ tuyến truyện ở mốc thời gian quá khứ đã bị cắt vụn để phục vụ nhịp phim lấy trọng tâm là thì hiện tại.

Thế nhưng, từ góc nhìn của khán giả, quyết định phát hành tới hai bản phim cùng lúc không khỏi gây ra bối rối cho họ.

Nên chọn bạn dài hay xem bản ngắn, hay cả hai? Nếu xem cả hai, cần xem Em và Trịnh trước rồi mới tới Trịnh Công Sơn hay ngược lại? Những ngày phim vừa ra rạp, đây là thắc mắc phổ biến của khán giả trên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, sau sáu ngày phim ra rạp, sự chênh lệch doanh thu bán vé giữa Em và Trịnh với Trịnh Công Sơn đã cho thấy việc phát hành hai bản phim cùng lúc dường như là một quyết định thừa thãi.

Bởi hiện tại, Em và Trịnh đã thu về số tiền cao gấp khoảng 16 lần Trịnh Công Sơn. Con số tương đương 93,6% và 6,4% trong tổng cơ cấu doanh thu.

Ngược lại, việc tung hai bản phim ra rạp ít nhiều còn lợi bất cập hại khi tạo ra những so sánh giữa chất lượng hai tác phẩm. Trong đó, Trịnh Công Sơn được ưu ái hơn nhờ cách dẫn ngắn gọn, dù dàn trải nhưng ăn điểm nhờ hình ảnh hợp nhãn và âm nhạc bắt tai, kể câu chuyện nằm gọn trong vùng an toàn là giai đoạn thanh xuân của Trịnh Công Sơn đã được nhiều tài liệu ghi chép lại.

Ngược lại, Em và Trịnh có thể gây tò mò với những ai ít biết về câu chuyện đời Trịnh Công Sơn, nhưng làm dấy lên trong lòng khán giả nhiều băn khoăn, nghi hoặc hơn mang lại những câu trả lời.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp