Vì sao nhà đầu tư Hong Kong trúng thầu nhà máy xử lý rác 70 triệu USD ở Huế?

Kinh tếChủ Nhật, 08/12/2019 17:10:00 +07:00

Có 3 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, nhưng chỉ công ty China Everbright International Limited nộp hồ sơ dự thầu.

Giải thích lý do nhà đầu tư Hong Kong trúng thầu dự án nhà máy xử lý rác Phú Sơn trị giá 70 triệu USD, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu quy định, trước khi lựa chọn nhà đầu tư, phải lựa chọn công nghệxử lý chất thải rắn sinh hoạt. 

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị (được  tỉnh giao nhiệm vụ làm bên mời thầu) triển khai chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn qua các bước: Lựa chọn công nghệ, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.

rac-1436583

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Reatimes). 

Ở bước lựa chọn công nghệ, có 19 đơn vị nhận được hồ sơ quan tâm từ bên mời thầu, 16 đơn vị (bao gồm cả các nhà đầu tư/nhà sản xuất trong nước và quốc tế) gia nộp hồ sơ.

Các dây chuyền công nghệ của họ được xếp theo 4 nhóm, gồm: Nhóm công nghệ chính là đốt; nhóm công nghệ chính xử lý lò plasma; nhóm công nghệ chính sử dụng khí hóa thông thường; nhóm xử lý rác theo dạng tổ hợp tạo ra các sản phẩm phân vi sinh, gạch, than sinh học… 

Dựa vào đánh giá của tổ kỹ thuật có tham vấn các chuyên gia Jica (Nhật Bản) và báo cáo của hội đồng thẩm định, ngày 19/10/2017, UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn công nghệ đốt rác – phát điện bằng lò ghi đa cấp.

Ngày 27/11/2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt danh sách ngắn các nhà đầu tư/nhà sản xuất tham gia bước lựa chọn công nghệ có hồ sơ quan tâm hợp lệ và có công nghệ trên gồm: Công ty China Everbright Intenational Limited; Công ty Hitachi Zosen Corporation; Công ty China ENFI Engineering Corporation và Công ty Keppel Seghers PTE.LTD.

Trong bước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng, có 3 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu gồm: Công ty China Everbright International Limited, Công ty China ENFI Engineering Corporation và Công ty Hitachi Zosen Corporation, Trong đó, chỉ công ty China Everbright International Limited nộp hồ sơ dự thầu.

Tổ kỹ thuật và tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu của China Everbright Intenational Limited đáp ứng các yêu cầu theo quy định của hồ sơ mời thầu, kiến nghị bên mời thầu trình thẩm định, phê duyệt lựa chọn công ty này làm nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn.

Trên cơ sở tờ trình số 1095/TTr-BQLKV-TCG ngày 17/9/2018 của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định, ngày 15/10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định số 2298/QĐ-UBND phê duyệt việc chọn Công ty China Everbright International Limited thực hiện dự án.

Công ty trúng thầu này có trụ sở chính tại phòng 2703, tầng 27, Trung tâm tài chính Far East, số 16 đường Harcourt, Hong Kong; văn phòng đại diện tại phòng 909, tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, công nghệ đốt rác – phát điện bằng lò ghi đa cấp được tổ kỹ thuật và chuyên gia Jica đánh giá có ưu điểm thể hiện qua dây chuyền công nghệ.

Rác thải sinh hoạt được đưa vào bể chứa rác ủ 5-7 ngày trong điều kiện áp suất âm; nước rỉ từ rác được thu gom đưa về trạm xử lý nước thải, khí và mùi hôi được hút vào lò đốt.

Rác được chuyển đến lò đốt bằng băng tải; nhiệt từ quá trình đốt được chuyển qua nồi hơi để quay turbin điện phát điện.

Khí thải từ lò đốt rác sẽ đi qua tháp phản ứng để xử lý (bằng phương pháp phun vôi, than hoạt tính), rồi đi qua túi vải để xử lý tro bay. Máy hút đưa khói thải ra ngoài qua ống khói; tro xỉ từ lò đốt được băng tải chuyển đến nơi xử lý, chế tạo gạch.

Tất cả hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ - từ khâu nhận rác đến kết thúc quá trình xử lý - được đặt trong nhà bao che kiên cố; hệ thống dây chuyền được tự động hóa.

Công nghệ này được nhà đầu tư áp dụng với nhiều dự án trước đó, với 7 dự án có đủ thông tin chứng minh là đáp ứng tiêu chí của dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn theo hồ sơ mời thầu, trong đó có dự án đầu tư thành công ở Cần Thơ.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án nhà máy xử lý rác tại xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) có quy mô đất đai khoảng 65ha; quy mô thu gom bao gồm địa bàn thành phố Huế (các phường phía Nam sông Hương), thị xã Hương thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; sức chứa 450.000 m3.

Các phân khu chức năng bao gồm: Khu điều hành, khu phân loại – tái chế, khu xử lý theo công nghệ sinh học, khu đốt rác, khu chôn lấp, khu xử lý rác thải y tế, khu cây xanh, mặt nước...

Dự án có diện tích sử dụng đất là 11,234ha; công suất 600 tấn/ngày đêm; công suất phát điện từ 12MW và tỷ lệ chôn lấp sau xử lý < 7% so với trọng lượng rác ban đầu (bao gồm tro bay và tro xỉ).

Công nghệ đốt rác - phát điện được lựa chọn phù hợp với Quy chuẩn QCVN 61-MT/2016/BTNMT (quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải lò đốt chất thải rắn sinh hoạt).

Thời gian hoạt động của dự án là 25 năm (bao gồm cả thời gian chuẩn bị đầu tư và thời gian thi công xây dựng nhà máy). Thời gian kết thúc dự án tối đa đến năm 2044.

Tổng mức đầu tư dự án (tương ứng với công suất xử lý 600 tấn rác/ngày đêm) là hơn 1.694 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 508 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.  

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn