Vì sao người Việt thần thánh hóa từ con cá tới cục đá?

Thời sựThứ Bảy, 24/02/2018 11:56:00 +07:00

Các chuyên gia văn hóa cho rằng người Việt ngày càng mê tín vì bị khủng hoảng niềm tin, họ đặt niềm tin rất mơ hồ nhưng lại có vẻ chắc chắn vào thánh thần.

Nỗi ám ảnh mỗi mùa hành hương

Cứ sau Tết Nguyên đán, người người lại đổ đến chùa chiền, miếu mạo để cầu xin sự phù hộ của thánh thần. Họ dâng sớ cầu xin đủ mọi thứ trên đời, cầu an, cầu lộc, cầu tài, cầu tình, cầu duyên, cầu tự...

Nạn dâng lễ thánh thần bằng tiền lẻ và các lễ vật để cầu lộc cũng theo đó trở thành nỗi ám ảnh của những người hành hương. Dường như nhiều người Việt ngày càng mê tín và mất kiểm soát khi đặt niềm tin vào thánh thần.

Video: Người Việt thần thánh từ con cá tới cục đá

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cảnh hàng trăm người chen lấn để giành chiếc vòng lộc trong ngày khai mạc lễ hội chùa Hương sáng mùng 6 tháng Giêng năm 2017.

Hay tại lễ cướp phết Hiền Quan, mặc dù ban tổ chức quy định chỉ 100 thanh niên trong làng được tham gia cướp phết, nhưng không ai có thể ngăn được đoàn người đông đúc xông vào tranh giành quả phết.

Tại lễ hội khai ấn đền Trần những năm trước, bất chấp nỗ lực ngăn cản từ ban tổ chức, hàng trăm người vẫn trèo rào vào trong điện, chen lấn xô đẩy, giật ấn từ bàn thờ, tranh cướp lộc.

Đầu mùa hành hương năm nay, phần nào những hình ảnh phản cảm được kiểm soát, tuy nhiên vẫn nảy sinh những điểm không hay trong lễ hội.

Người Việt thần thánh hóa từ con cá tới cục đá

Các chuyên gia văn hóa lên tiếng cho rằng người Việt ngày càng mê tín vì bị khủng hoảng niềm tin. Họ đặt niềm tin rất mơ hồ nhưng lại có vẻ chắc chắn vào thánh thần.

Trưa 13/1/2018, một người dân ở ấp Chợ, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An phát hiện vật thể lạ có hình dáng giống khối đá nổi trên mặt nước Kinh Nước Mặn. Nhiều người hiếu kỳ tập trung vớt và thành kính đốt nhang cho khối đá.

nguoi viet than thanh hoa tu con ca toi cuc da

Nhiều người thành kính đốt nhang cho khối đá ở Long An. 

Gần đây nhất là câu chuyện dở khóc dở cười ở Nghệ An. Khi thấy con cá chép nổi lên rồi lặn xuống ở mương nước, nhiều người dân tò mò tới xem rồi sắm lễ vật cúng bái. Chính quyền buộc phải giăng lưới, bắt con cá chép nặng 3 kg để chấm dứt một huyền thoại thêu dệt.

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ gọi những hành động đó là mê tín. "Nguyên nhân là do sự bất trắc khi thực hiện các kỳ vọng", ông chia sẻ.

nguoi viet than thanh hoa tu con ca toi cuc da_7 3

Chuyên gia văn hóa cho rằng mê tín và tín ngưỡng là 2 phạm trù khác nhau, cần phân biệt rõ.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: "Sự thay đổi của cuộc sống, xã hội khiến người ta đặt ra ngày càng nhiều nhu cầu hơn. Nhu cầu về cuộc sống đầy đủ hơn, giàu có hơn, may mắn hơn khiến người ta tìm kiếm sự trợ giúp từ những lực lượng bên ngoài, vượt ngoài khả năng của mình".

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cần phân biệt mê tín và tín ngưỡng bởi đó là 2 phạm trù khác nhau. Mê tín là tin một cách mê muội, còn tín ngưỡng là tin và ngưỡng vọng, ngưỡng mộ.

Nhà nước ta cho phép tự do tín ngưỡng chứ không cho phép tự do mê tín. Càng thiếu khoa học, càng dễ sa đà vào mê tín.

VTC1
Bình luận
vtcnews.vn