Vì sao người liên quan tới án tham nhũng trốn được cơ quan điều tra dày đặc?

Chính trịThứ Hai, 26/10/2020 19:15:00 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH bức xúc trước thực trạng một số trường hợp liên quan tham nhũng lớn thất thoát tiền của nhân dân có thể trốn tránh được các cơ quan điều tra dày đặc.

Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 26/10, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ thắc mắc khi một số vụ án nghiêm trọng, nổi cộm thời gian qua không được nêu trong báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ do Bộ Công an trình bày.

Bà Khánh lấy ví dụ vụ khởi tố, bắt giam, tạm giam đối với một số lãnh đạo cao cấp như: Chủ tịch UBND TP Hà Nội hay Phó Chủ tịch UBND TP.HCM không được nêu ra trong báo cáo về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tham nhũng trong năm 2020

Bà Khánh khẳng định việc một số lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp lớn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, phát lệnh truy nã, gây khó khăn cho công tác điều tra tội phạm tham nhũng.

"Cử tri băn khoăn trách nhiệm này thuộc về ai? Vì sao lại có người liên quan đến tham nhũng lớn thất thoát tiền của nhân dân lại có thể trốn tránh được các cơ quan điều tra rất là dày đặc của chúng ta", vị nữ đại biểu Hà Nội cho hay. 

Vì sao người liên quan tới án tham nhũng trốn được cơ quan điều tra dày đặc? - 1

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội). 

Bà Khánh cũng nêu băn khoăn việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có thực chất, hiệu quả đối với những vụ việc này hay không khi hệ thống các ngân hàng dường như chỉ tập trung phục vụ các khách hàng lớn là doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn dẫn đến xảy ra các vụ thất thoát lớn hàng nghìn tỷ đồng. 

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân thu nhập thấp tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp thì lại rất khó.

"Đề nghị Chính phủ cho biết có hay không tình trạng một số lãnh đạo quản lý cấp cao đứng sau các tập đoàn, doanh nghiệp lớn liên kết không minh bạch với các ngân hàng để phục vụ lợi ích nhóm, khi bị xem xét xử lý thì tạo thuận lợi, cơ hội cho họ trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật", nữ đại biểu đoàn Hà Nội đặt câu hỏi. 

Cũng trong phần nêu ý kiến, bà Khánh lưu ý về việc số liệu về phát hiện, xử lý tham nhũng của Chính phủ còn khác nhau.

Cụ thể, báo cáo của Chính phủ do Thanh tra Chính phủ báo cáo cho thấy, các cơ quan điều tra trong công an thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội tham nhũng. Trong đó, cơ quan chức năng khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can, tăng 70 vụ, 101 bị can so cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó báo cáo của Chính phủ do Bộ Công an nêu lên là các lực lượng chức năng phát hiện 313 vụ phạm tội vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ là ít hơn 2,49%.

"Tôi băn khoăn về số liệu này, như vậy công tác phòng, chống tham nhũng trong lực lượng công an và ngoài xã hội là tăng hay giảm nhiều hay ít so với cùng kỳ năm 2019?", bà Khánh nêu vấn đề.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn