Vì sao nghề giáo bị soi, bị bật nhiều nhất?

Giáo dụcThứ Bảy, 05/01/2013 07:42:00 +07:00

Điều khiến nhiều người lo lắng là ngoài việc học trò "xử" nhau còn xảy ra không ít sự việc trò "bật" lại thầy, để lại ký ức đau buồn của người làm nghề giáo.

Giáo viên hiện nay phải chịu nhiều áp lực từ xã hội, nhà trường, phụ huynh và thậm chí là học sinh. Chúng ta hiếm gặp giáo viên ăn quà ở cổng trường và hầu như không có ai “kêu đói” dù lương chỉ “ba cọc ba đồng”.





Thời gian qua, bạo lực học đường đang ngày càng lan rộng. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là ngoài việc học trò "xử" nhau còn xảy ra không ít sự việc trò "bật" lại thầy, để lại những ký ức đau buồn của những người làm nghề giáo. Thạc sĩ tâm lý học Đinh Đoàn đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề "tôn sư trọng đạo" trong xã hội hiện nay.

Không chỉ được biết đến là chuyên gia tư vấn của chương trình “Cửa sổ tình yêu”, thạc sĩ hiện giữ cương vị hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn. Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề giáo, thầy đã có những phân tích sâu sắc và chỉ ra những áp lực của giáo viên hiện nay.
 "Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý".

Áp lực bởi đây là “nghề cao quý”

Trong xã hội, bất cứ nghề nghiệp nào cũng đáng được trân trọng, nhưng từ xưa giáo viên đã được coi là “nghề cao quý”. Bởi đã được mang danh này nên giáo viên cũng chịu không ít áp lực từ phía xã hội.

 

Dường như mối quan hệ tiền bạc làm thay đổi hình ảnh thầy trong mắt trò. Đó là thầy phải biết ơn trò, và các em cảm thấy mình có quyền

Thạc sỹ tâm lý Đinh Đoàn
 
Phân tích về vấn đề này, thầy Đinh Đoàn cho rằng: “Nghề giáo là một trong những nghề bị xã hội “soi” nhiều nhất”. Bởi tất cả mọi người dù làm gì, ở đâu cũng đều đã từng đi học và  có những người thầy, người cô của mình.


Chính vì đã “mang tiếng” là nghề cao quý và từ xưa đến nay đã được “yêu” nhiều nên xã hội đòi hỏi ở người giáo viên những điều khắt khe hơn.

Thầy ví dụ: “Một giám đốc tát nhân viên nhưng cũng không bị lên án gay gắt bằng một giáo viên có hành vi đánh học sinh. Cho dù đây đều là hành động sai trái, vi phạm nhân quyền”.

Bản thân các giáo viên cũng không thể tự cho mình có những hành động làm ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp nên hiếm gặp những giáo viên ăn quà ở cổng trường và hầu như không có giáo viên nào “kêu đói” dù lương ngành giáo dục chỉ “ba cọc ba đồng”.

“Xã hội thường mặc định nhà trường chỉ có yêu thương và đã là những người thầy người cô thì phải luôn yêu trường, yêu lớp. Nhưng  giáo viên cũng là những con người, cũng có những nỗi lo cơm áo gạo tiền, cũng có cảm xúc như người bình thường”, thầy Đinh Đoàn nhận xét.
Giáo viên hiện nay phải chịu nhiều áp lực. 
Hơn nữa giáo viên hiện nay còn chịu áp lưc từ những yêu cầu cao của nhà trường và chương trình giáo dục cứng nhắc vẫn đang được duy trì.

Bộ GD-ĐT cũng như ban giám hiệu các trường luôn yêu cầu giáo viên phải sáng tạo trong việc giảng dạy, nhưng yêu cầu bài giảng phải bám sát chương chình. Thầy Đinh Đoàn chia sẻ:  “Vì vậy, sáng tạo của giáo viên cũng chỉ dừng lại ở cách diễn đạt, giọng điệu giảng bài, còn tất cả nội dung đều đã có người lo. Các thầy cô muốn sáng tạo về nội dung sẽ bị cho rằng không bám sát  nội dung sách giáo khoa”.

Bởi vậy, nghề giáo lẽ ra phải là nghề của sự sáng tạo thì nay các giáo viên như “cỗ máy” đã được “lập trình sẵn” phải dạy nội dung gì và dạy như thế nào.

Áp lực bởi phụ huynh bênh con, học sinh đòi quyền

Những người làm nghề giáo hiện nay không chỉ phải chịu đựng áp lực từ phía xã hội, nhà trường mà một số thầy cô giáo còn phải chịu áp lực từ phía phụ huynh và thậm chí là học sinh.

Một thực trạng hiện nay đó là, một số phụ huynh do mải mê với công việc nên giao phó toàn bộ việc dạy con cho giáo viên.

Thầy Đinh Đoàn cho biết nhiều giáo viên cảm thấy rất buồn khi không nhận được sự phối hợp giáo dục học sinh từ phía gia đình. “Một vài phụ huynh khi nhận được sổ liên lạc có ý kiến của giáo viên về việc học tập của con mình thậm chí còn không phản hồi, chỉ ký cho có rồi đem nộp lại”.

Tuy nhiên, khi có chuyện gì xảy ra với con, có những phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân và đã tin ngay lời con nói mà quy trách nhiệm cho giáo viên, nghĩ sai, nghĩ xấu về các thầy cô. Thậm chí có phụ huynh đã vội hành xử bằng cách kêu gọi viết đơn tập thể kiện giáo viên, yêu cầu nhà trường đổi người dạy khác. Điều này cũng khiến giáo viên buồn và bức xúc.

Phó mặc việc dạy con cho giáo viên liệu có phải là việc làm đúng đắn? 

Thầy Đoàn phân tích: “Về phía học sinh, dường như mối quan hệ tiền bạc làm thay đổi hình ảnh thầy trong mắt trò. Đó là thầy phải biết ơn trò, và các em cảm thấy mình có quyền”. Đặc biệt ở những thành phố lớn, giáo viên nhận thấy rõ áp lực này.

Bên cạnh đó, xã hội phát triển cũng tạo nên nhiều thú vui cuốn hút học sinh hơn việc học. Dường như nhiều học sinh cảm thấy rằng ở đâu cũng vui hơn ở trường. Hơn nữa đến trường các em lại chịu những sức ép nhất định bởi quan niệm học không phải vì yêu thích mà là nghĩa vụ.
Nhiều thú vui lôi cuốn học sinh. 
Điều này đặt ra áp lực đối với những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy. Làm thế nào để duy trì được chất lượng học sinh, hướng các em tới những hoạt động bổ ích và có ý nghĩa.

Đặc biệt, một bộ phận học sinh hiện nay cũng rất hiếu động khiến không ít giáo viên gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp” khó quên nào quên. Đó là những ký ức buồn, là những nỗi đau tinh thần ám ảnh nhiều thầy cô giáo.

Không thể phủ nhận nhiều giáo viên vẫn đang rất tận tâm với nghề, nhiều tấm gương học sinh đang miệt mài học tập, nhiều em nhỏ vẫn đang khao khát đến trường và đó là điểm đáng mừng của giáo dục Việt Nam.

Nhưng vẫn còn đó những “con sâu làm rầu nồi canh”, những câu chuyện buồn về cách hành xử của học sinh đối với giáo viên, về việc giáo viên chán nghề, chọn cách “an phận thủ thường” để “bảo đảm an toàn” thay vì tận tâm với học trò.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có thể thấy, đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội. Bởi nếu ngày càng nhiều giáo viên chán nghề, không tận tâm với nghề thì liệu nền giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu?

Theo An Hoàng/ Infonet

Bình luận
vtcnews.vn